Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam dừng thu phí đường bộ tại trạm BOT Tào Xuyên kể từ ngày 10-8.
Lý do là vì đến ngày 31-7, dù chỉ mới qua chưa đầy 1/4 thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài 27 năm 8 tháng cho dự án xây dựng tuyến tránh TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (tổng mức đầu tư 822 tỉ đồng) nhưng trạm này đã lãi to.
Đây điển hình cho câu chuyện về những chủ đầu tư vớ được "gà đẻ trứng vàng" BOT giao thông. Tuy nhiên, trong hầu hết các dự án BOT giao thông được chỉ định thầu, không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng được ưu ái giao cho "miếng bánh ngon".
"Nổi tiếng" và "tai tiếng"
Nổi tiếng ở đây là những ông chủ có mặt trong khá nhiều dự án BOT chỉ định thầu và "tai tiếng" ở chỗ không ít DN từng mắc sai phạm.
Tháng 10-2013, Bộ GTVT ký hợp đồng với các đại diện chủ đầu tư 2 dự án BOT mở rộng, nâng cấp Quốc lộ (QL) 1 Nam Bình Định và Bắc Bình Định.
Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định được chỉ định thầu dự án mở rộng QL1, đoạn qua 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên có chiều dài 40,6 km, tổng vốn đầu tư hơn 2.041 tỉ đồng.
Công ty CP BOT Bắc Bình Định Việt Nam được chỉ định thầu dự án mở rộng QL1 dài 28,6 km, đoạn qua tỉnh Bình Định, với tổng vốn đầu tư gần 1.644 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu, Công ty CP BOT Bắc Bình Định Việt Nam được thành lập trên cơ sở liên danh giữa Tổng Công ty Thành An (Bộ Quốc phòng, góp vốn 31%), Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái (trụ sở tỉnh Vĩnh Phúc, góp vốn 29%), Công ty CP Đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC (trụ sở TP Hà Nội, góp vốn 20%) và Công ty CP Đầu tư - Phát triển Long Trung Sơn (trụ sở TP HCM, góp vốn 20%).
Trong liên danh này, đáng chú ý là cái tên Công ty Bắc Ái. Đây là "ông chủ" lớn, có tỉ lệ góp vốn 65% tại Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - đơn vị đang quản lý trạm thu phí BOT Cai Lậy đầy tai tiếng.
Cổ đông của Công ty Bắc Ái đều là các cá nhân, trong đó có ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang.
Riêng Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định được thành lập với số vốn điều lệ khoảng 280 tỉ đồng, trên cơ sở liên danh giữa Công ty CP Đầu tư - Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn, trụ sở tỉnh Hòa Bình, góp vốn 66%) và Công ty CP Đầu tư Kiến Hoàng (trụ sở tỉnh Bình Định, góp vốn 34%).
Trong đó, Công ty CP Đầu tư Kiến Hoàng chưa hề có kinh nghiệm gì trong việc thực hiện các dự án BOT giao thông, vì chỉ được thành lập vài tháng trước khi Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định được chỉ định thầu dự án mở rộng QL1 đoạn qua 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Với Công ty Hoàng Sơn, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận hàng loạt sai phạm tại các dự án của DN này do tỉnh Hòa Bình chỉ định thầu với tổng giá trị các gói thầu lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Bên cạnh việc được chỉ định thầu trái quy định, phần lớn các gói thầu do Công ty Hoàng Sơn triển khai đều chậm và phát sinh chi phí.
Nhất thân, nhì thế
Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) vốn là một DN thuộc sở hữu 100% vốn nhà nước, được cổ phần hóa theo Quyết định 27/QĐ-TTg phê duyệt phương án cổ phần hóa do Thủ tướng ban hành ngày 6-1-2014.
Đến ngày 27-4-2017, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký DN thay đổi lần thứ 8 cho Cienco 4, trong đó điều chỉnh tên từ Cienco 4 thành Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 (Cienco 4 Group). Hiện nay, Cienco 4 Group là chủ đầu tư nhiều dự án BOT và các dự án xây dựng lớn.
Đặc biệt, tại Nghệ An, hàng loạt dự án do Tập đoàn Cienco 4 làm chủ đầu tư, như dự án BOT đường tránh TP Vinh, dự án cầu vượt QL46 với đường sắt Bắc - Nam, dự án cầu đường bộ Yên Xuân, dự án cầu Hiếu 2 (huyện Nghĩa Đàn), cụm công trình cảng Nghệ An bao gồm: Cảng Vissai...
Cienco 4 Group cũng là chủ đầu tư của hai trạm thu phí BOT Bến Thủy I và Bến Thủy II tại Nghệ An mà thời gian qua phát sinh nhiều phức tạp.
Điển hình là vị trí đặt trạm theo kiểu "không bỏ sót một ai" của 2 trạm BOT này đã gây nhiều bất bình cho người dân tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Từ cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, rất nhiều lần người dân đã tập trung tại trạm thu phí Bến Thủy để phản đối việc thu phí, gây ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Cienco 4 Group lại được thầu nhiều dự án ở Nghệ An? Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, từ năm 2010-2014, ông Lê Ngọc Hoa là Tổng Giám đốc Cienco 4 Group.
Theo một số nguồn tin, vợ ông Hoa là bà Trương Thị Tâm cùng một số ngươi thân trong gia đình đang giữ rất nhiều cổ phần tại tập đoàn này.
Trong khi đó, với dự án BOT cao tốc Liên Khương - Đà Lạt (dài hơn 19,2 km) khởi công năm 2004, đơn vị được chỉ định thầu là Công ty TNHH MTV 7/5 (Quân khu 7).
Đến nay, DN này đã chuyển quyền quản lý, khai thác cho Công ty TNHH Hùng Phát.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết theo hợp đồng số 4409 ngày 26-12-2003 ký giữa UBND tỉnh Lâm Đồng với Công ty TNHH MTV 7/5, trị giá dự án cao tốc Liên Khương - Đà Lạt là 572,4 tỉ đồng.
Trong đó, vốn của nhà đầu tư là 377,5 tỉ đồng, còn lại là ngân sách nhà nước.
Từ đó đến nay, dự án đã qua 3 lần điều chỉnh tăng vốn.
Lần gần đây nhất, vào ngày 11-7-2011, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định điều chỉnh nội dung giấy phép đầu tư, điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư lên 1.313,6 tỉ đồng - cao gấp hơn 2 lần so với ban đầu, trong đó ngân sách nhà nước 985,2 tỉ đồng và vốn của nhà đầu tư giảm còn 328,4 tỉ đồng.
Tháng 7-2008, tuyến đường cao tốc chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng. Cùng với đó, trạm thu phí Định An cũng bắt đầu hoạt động.
Điều đáng nói là dù vốn ngân sách tăng, vốn BOT không tăng qua nhiều lần điều chỉnh nhưng trạm BOT Định An được cho phép thu hồi vốn 23 năm, từ năm 2008 đến 2031. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trạm thu phí Định An đã qua 3 lần điều chỉnh giá vé, với mức hiện hành thấp nhất 36.000 đồng/xe, cao nhất đã lên tới 192.000 đồng/xe, thuộc hàng cao nhất nhì cả nước.
Kỳ tới: Minh bạch để sửa sai
Tài sản bảo đảm chủ yếu là quyền khai thác thu phí
Theo kết quả giám sát mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có đến 85%-90% vốn đầu tư các dự án BOT giao thông được vay từ ngân hàng (NH). Trong đó, 91% dư nợ cho vay tập trung tại các NH: BIDV, Vietcombank, VietinBank và SHB.
Thông tin từ SHB cho biết chỉ trong tháng 5-2013, NH này đã tài trợ vốn cho 2 dự án BOT giao thông với tổng giá trị trên 4.200 tỉ đồng, gồm: 1.833 tỉ đồng cho dự án cải tạo, mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế, do Công ty TNHH Trùng Phương làm chủ đầu tư; cho Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 vay 2.354 tỉ đồng để mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa.
Tài sản bảo đảm cho các khoản vay này chủ yếu là quyền khai thác thu phí.
Phó tổng giám đốc một NH từng cho vay dự án BOT giao thông thừa nhận việc tài trợ vốn cho các dự án này hết sức rủi ro. Bởi lẽ, thời hạn vay thường kéo dài 15-20 năm, trong khi nguồn vốn của NH chủ yếu là ngắn hạn.
Ngoài ra, các chủ đầu tư dự án BOT giao thông thường nâng khống tổng mức đầu tư để vay được nhiều tiền song thực tế chỉ sử dụng 70% vốn vay để làm dự án, 30% còn lại NH không thể kiểm soát.
TH.THƠ
Người dân, tài xế bất bình
Đường xuống cấp, thu phí cao là những gì đang diễn ra tại dự án cao tốc Liên Khương - Đà Lạt với trạm thu phí Định An.
Người dân, giới tài xế còn rất bất bình khi trạm thu phí này đặt ngay ở "nút chai" chân đèo Prenn nên các phương tiện lưu thông trên QL 20 (từ TP HCM) và QL 27 (từ Ninh Thuận) vào Đà Lạt đều phải đóng phí đầy đủ, dù chỉ "quá giang" vài ki-lô-mét trên tuyến cao tốc này.
Công ty Hùng Phát là ai và vì sao được địa phương này dành nhiều ưu ái? "Chúng tôi chỉ cung cấp số liệu, còn nguyên nhân tại sao hoặc như thế nào thì các anh làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, bởi đơn vị này tham mưu cho tỉnh về vấn đề tăng tổng mức đầu tư và ký lại các hợp đồng từng giai đoạn tăng vốn..." - ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, nói.