Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu khí tượng tại Ny-Aalesund trong hơn 40 năm qua, vì vậy trạm nghiên cứu này cung cấp thông tin cơ bản quan trọng về cách Bắc Cực thay đổi theo thời gian và phần lớn các dữ liệu được thu thập ở đây cũng rất quan trọng đối với các thỏa thuận và công ước quốc tế về khí hậu.
Những ngôi nhà tại thị trấn Ny-Aalesund trên quần đảo Svalbard ở Bắc Cực. Ảnh: Reuters
Không chỉ phải chịu đựng nhiệt độ khắc nghiệt đôi khi xuống đến âm 58 độ cùng những cơn gió giật mạnh lên tới 50 mét/giây, một nhóm các nhà khoa học hồi đầu tháng này đã dựng trại trên sông băng Dovrebreen, một phần của vùng băng Holtedalhfonna, cách Ny-Aalesund 3 giờ lái xe trượt tuyết đầy rẫy nguy hiểm rình rập.
Nhóm đã lên kế hoạch khoan 125 mét xuống lớp băng, với hy vọng thu thập được hai lõi băng để nghiên cứu bầu khí quyển cách đây 300 năm - một phần trong nỗ lực toàn cầu để thu thập và bảo tồn lõi băng từ sông băng có nguy cơ biến mất.
Trưởng đoàn thám hiểm Andrea Solaor, nhà địa hóa học thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Italia, cho biết: "Tôi đã làm việc ở Svalbard từ năm 2012 và một trong những điều mà các bạn có thể thấy ngay được là sự biến mất dần mặt trước của sông băng này. Đó là nơi dễ bị tổn thương nhất trước sự nóng lên của khí hậu. Chưa kể ảnh hưởng từ tần suất mưa nhiều và hiện tượng tuyết rơi khiến cho các hoạt động nghiên cứu trở nên phức tạp hơn nhiều. Hiểu đơn giản trong mùa xuân - thời điểm thường tiến hành nghiên cứu, chúng tôi di chuyển bằng xe trượt tuyết nhưng nếu có mưa thì mọi việc trở nên khó khăn hơn nhiều”.
Vị trí trên sông băng này được chọn vì nó ở độ cao khoảng 1.100 mét so với mực nước biển, nơi không khí xung quanh mát mẻ hơn - làm tăng cơ hội có thể tìm thấy các lõi băng với những lớp băng vẫn còn nguyên vẹn.
Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn khoảng bốn lần so với phần còn lại của thế giới, nhiệt độ của Svalbard thậm chí còn tăng nhanh hơn - gấp bảy lần mức trung bình toàn cầu. Mùa hè năm ngoái là kỷ lục nóng nhất, với nhiệt độ tháng 8 ở Ny-Aalesund ấm hơn khoảng 0,5 độ C so với bình thường trong tháng.
Những đợt tan băng diễn ra sớm hơn vào mùa xuân khiến các nhà khoa học không thể tiếp cận sông băng và các địa điểm thực địa khác. Băng tan còn khiến gấu Bắc Cực mất đi những nơi săn mồi lý tưởng, loài này đi thang thang khắp nơi tìm thức ăn, thậm chí tới gần trạm nghiên cứu - trở thành mối hiểm họa rình rập các nhà khoa học tại đây bất cứ lúc nào.