Trên Trái Đất có một khu vực có tên là Point Nemo (tiếng Latin nghĩa là "Không bóng người") được NASA gọi là "Nghĩa địa tàu vũ trụ".
Nằm ở vĩ độ 48°52'6'' nam và kinh độ 123°23'6'' tây, vùng nghĩa địa Point Nemo cách một hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương khoảng 2.250km.
Vị trí của Point Nemo. Nguồn: Google Earth/Business Insider
NASA cho biết, nghĩa địa biển này đủ xa với con người và các công trình nhà cửa để đảm bảo sự an toàn mỗi khi một con tàu vũ trụ nào đó "chết" và rơi xuống bề mặt Trái Đất.
"Point Nemo là một địa điểm hoàn hảo để những vật thể lao nhanh như tàu vũ trụ lao xuống hành tinh chúng ta với tốc độ hàng nghìn km trên giờ mà không gây hại đến bất cứ ai, bất cứ công trình nào.", Bill Ailor, một kỹ sư không gian làm việc tại Aerospace Corporation (Mỹ) cho biết.
Để "chôn" các vệ tinh vào khu nghĩa địa này, các cơ quan vũ trụ của các quốc gia buộc phải tính toán nhằm điều khiển và kiểm soát điểm rơi của vệ tinh/tàu vũ trụ đó.
Trạm không gian của Trung Quốc mất kiểm soát - Mối lo của giới khoa học
Đối với các vệ tinh nhỏ lao xuống Trái Đất, Point Nemo không phải là "điểm dừng chân" của chúng, bởi đơn giản, quá trình ma sát với không khí sẽ đốt cháy vệ tinh thành tro bụi trước khi nó kịp rơi xuống Trái Đất.
Tuy nhiên, đối với những vệ tinh hoặc tàu vũ trụ khổng lồ, điều này còn khiến các nhà khoa học "đau đầu". Đơn cử như trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc Tiangong-1 (Thiên Cung 1).
Trạm không gian nặng đến 8,5 tấn, dài 12 mét được phóng lên vũ trụ lần đầu tiên vào tháng 9/2011 đã mất kiểm soát vào tháng 3/2016 sau gần 5 năm hoạt động.
Vấn đề là, cho đến nay, nhà khoa học mới dự đoán nó sẽ rơi xuống đất vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018 với vận tốc 32.186 km/h (xấp xỉ 9.000 mét/giây). Điều đáng lo là, chưa ai biết chính xác điểm rơi của nó ở đâu.
Ảnh minh họa về vệ tinh "chết" và lao xuống Trái Đất: Businessinsider
Bill Ailor cho biết, đội ngũ của anh chỉ có thể xác định điểm rơi chính xác của Tiangong-1 cách 5 ngày khi nó "chạm đích" đến Trái Đất. Vào thời điểm đó, những mảnh vỡ của trạm không gian 8,5 tấn sẽ lao với tốc độ 290 km/h một giờ trước khi cả khối trạm khổng lồ chính thức đâm sầm xuống mặt đất.
Kỹ sư Bill Ailor tính toán, do Trung Quốc đã mất kiểm soát với Tiangong-1 nên họ không đảm bảo Tiangong-1 sẽ rơi xuống "nghĩa địa" Point Nemo. Hơn nữa, Point Nemo có phạm vi an toàn trong 17 triệu km vuông, trong khi, ước tính, Tiangong-1 sẽ vỡ vụn theo hình oval, trải dài 1.600 km.
Đây sẽ là bài toán khiến nhiều khoa học Trung Quốc và quốc tế đau đầu.
"Nghĩa địa" Point Nemo có bao nhiêu nấm mồ?
Tính từ năm 1971 đến giữa năm 2016, ít nhất 260 tàu vũ trụ/vệ tinh của các cơ quan vũ trụ trên thế giới đã "chết" vào lao "có kiểm soát" xuống Point Nemo, Popular Science thống kê.
Trong đó có một tên lửa của SpaceX, 5 tàu chở hàng của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), 6 tàu chở hàng của Nhật Bản, hơn 140 tàu chở nguyên liệu của Nga cùng 6 trạm vũ trụ Nga và trạm vũ trụ MIR Liên Xô.
4.000 vệ tinh bao quanh Trái Đất và hàng chục nghìn "rác" không được kiểm soát bao quanh Trái Đất. Nguồn: Internet.
Popular Science cảnh báo, chỉ trong 2 năm 2015 và 2016, đã có 161 "xác" vật thể nhân tạo (bao gồm vệ tinh, tàu chở hàng, tên lửa...) "chết" và rơi xuống Point Nemo. Trong khi đó, Space-Track.org cho biết hiện tại, đang có 4.000 vệ tinh bao quanh Trái Đất và hàng chục nghìn "rác" không được kiểm soát bao quanh (như bu lông, ốc vít...)
Khi những cuộc chạy đua không gian đang ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia, "rác vũ trụ" đang dần trở thành mối lo ngại cho sự an toàn của chính Trái Đất chúng ta.
Xem video: Trạm không gian Thiên Cung 1 của Trung Quốc sắp rơi xuống Trái Đất/Science and life
Trạm không gian Thiên Cung 1 của Trung Quốc sắp lao xuống Trái Đất. Video: Science and life/Youtube
Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert, Fortune.com