Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng sửa Nghị định 46, Quyết định 07/2017 về thu phí tự động, bổ sung chính sách để khuyến khích người dân sử dụng thu phí tự động.
Theo hướng, nếu người dân sử dụng thu phí tự động có thể được miễn giảm phí, hoặc được thưởng một khoản tiền vào tài khoản ban đầu khi dán thẻ.
Đồng thời, sẽ quy định cấm xe không dán thẻ đi vào làn thu phí tự động. Những xe trả phí bằng tiền mặt sẽ chỉ còn 1 làn, và phải xếp hàng tới lượt (không giới hạn độ dài đoàn xe).
Ngoài ra, nghiên cứu kết hợp với nhà phân phối, sản xuất xe ô tô để dán thẻ ngay khi xe được bán ra. “Có như vậy mới khuyến khích người dân sử dụng thu phí tự động”, ông Thể nói.
Ban đầu vẫn duy trì thu phí thủ công song song thu phí tự động, nhưng tiến tới sẽ áp dụng thu phí tự động hoàn toàn.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng cho biết, Bộ đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại để bàn giải pháp kết nối tài khoản cá nhân với tài khoản giao thông.
Cơ bản các ngân hàng đã có giải pháp, nên tới đây người dân sẽ thuận lợi trong thanh toán phí tự động.
Về phía đơn vị thu phí tự động không dừng (Cty VETC), ông Thể yêu cầu phải đẩy nhanh lắp đặt và vận hành thu phí tự động tại các trạm thu phí theo hợp đồng (44 trạm thu phí giai đoạn 1).
Dự kiến, tới ngày 10/3, Bộ GTVT sẽ ký xong phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư BOT, nên VETC phải ký xong hợp đồng với nhà đầu tư BOT trong tháng 3.
“Trường hợp VETC triển khai chậm tiến độ, Bộ GTVT sẽ chuyển một số trạm thu phí sang đơn vị khác thực hiện.
Với các nhà đầu tư BOT (kể cả các tuyến cao tốc), nếu hết năm nay trạm thu phí nào không áp dụng thu phí tự động sẽ dừng thu phí tới khi lắp đặt xong, ông Thể nói.
Công ty thu phí phá sản, tiền chủ xe vẫn được bảo đảm
Báo cáo về tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng, ông Bùi Danh Huy, Vụ trưởng Đối tác Công - Tư (Bộ GTVT) cho biết, vừa qua triển khai thu phí tự động gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Tuy vậy, hiện đã đạt tiến độ giai đoạn 1. Trong 44 trạm thu phí thực hiện giai đoạn 1 có 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Trong đó, có 23 trạm đã vận hành, 1 trạm đang thử nghiệm, 2 trạm đã lắp đặt thiết bị.
Tuy vậy, hiện việc triển khai khi thu phí tự động tại các tuyến cao tốc do VEC quản lý chậm (5 tuyến cao tốc với hơn 200 làn thu phí), vì nhiều lý do.
Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện nói đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, đảm bảo người dân nộp tiền vào tài khoản giao thông sẽ không bị mất.
Trường hợp đơn vị thu phí tự động gặp rủi ro, phá sản tiền đó vẫn được bảo lãnh và hoàn trả lại người dân.
Với thu phí tự động giai đoạn 2, theo ông Huyện, chiều 7/3, Tổng cục sẽ mở hồ sơ thầu để chọn nhà thầu. Dự kiến, ngày 7/4 sẽ công bố đơn vị trúng thầu. Sau đó sẽ tập trung thực hiện tại các trạm thu phí còn lại, đảm bảo xong trong năm 2019.
Tổng cục trưởng Ðường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết, để giám sát và đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động thu phí, đơn vị đang triển khai hệ thống phần mềm giám sát độc lập.
Theo đó, đã đấu thầu và chọn VNPT cung cấp phần mềm và hệ thống giám sát, mỗi 3 giây xe qua trạm dữ liệu sẽ truyền thẳng về máy chủ của Tổng cục Ðường bộ, nhà đầu tư và ngân hàng.
Hệ thống đang được vận hành thử tại 3 trạm thu phí từ ngày 27/2 tới 10/4/2019, sau đó sẽ căn chỉnh để triển khai tới các trạm thu phí cả nước.