Lợi nhuận của S&P 500 là hơn 50% kể từ khi ông Trump đắc cử, tức là gấp đôi so với lợi nhuận trung bình ở 3 năm trong nhiệm kỳ của các tổng thống tiền nhiệm, theo số liệu của Bespoke Investment Group thu thập từ năm 1928.
Trong năm nay, chỉ số này đã tăng hơn 28%, cao hơn mức lợi nhuận trung bình trong 3 năm của nhiệm kỳ của các Tổng thống Mỹ trước đây là 12,8%. Bespoke cho biết: "Năm thứ 3 của nhiệm kỳ tổng thống là một năm chứng kiến sự tăng trưởng tốt nhất với mức tăng trung bình là 12,81%."
Bất chấp tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, 2019 là một năm thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận mức đỉnh kỷ lục. S&P 500 lần đầu tiên vượt ngưỡng 3.200 điểm hồi tuần trước, đánh dấu phiên đạt đỉnh 7 lần trong năm 2019. Trong khi đầu tư vào hoạt động kinh doanh sụt giảm do những bất ổn xung quanh mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì các nhà đầu tư ở thị trường đại chúng vẫn rất tự tin rót tiền vào cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán trong nhiệm kỳ của ông Trump có được sự thúc đẩy từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) - Jerome Powell và ngân hàng trung ương - với 3 lần hạ lãi suất trong năm nay và được thực hiện lần đầu tiên kể từ khi khủng hoảng tài chính kết thúc. Ông Trump đã rất nhiều lần chỉ trích ông Powell vì không hạ lãi suất xuống mức thấp hơn và nhanh hơn, thường nhắc đến khoản chứng khoán giá trị 15 nghìn tỷ với lợi suất âm bên ngoài nước Mỹ.
Ngoài ra, tâm lý thị trường cũng tích cực hơn nhờ thị trường lao động đạt được thành tựu quan trọng, khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,5% - mức thấp nhất kể từ năm 1969. Hơn nữa, vì người Mỹ chăm chỉ làm việc nên họ cũng chi tiêu nhiều hơn. Tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng cũng thúc đẩy nền kinh tế đi lên, bất chấp khu vực sản xuất đang sụt giảm. Người tiêu dùng còn đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh thị trường trái phiếu khá hỗn loạn, khi lợi suất trái phiếu ngắn hạn tăng cao hơn lợi suất trái phiếu dài hạn, khiến đường cong lợi suất đảo ngược - hiện tượng thường diễn ra trước suy thoái. Kể từ đó đến nay, đường cong lợi suất dốc lên và hiện tượng đảo ngược không còn.
Năm thứ 3 trong nhiệm kỳ của ông Trump có thành tích ở mức trên trung bình, nhưng chưa phải là tốt nhất so bất kỳ nhiệm kỳ của tổng thống nào. Năm 2013, thị trường chứng khoán trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama đã có lợi nhuận hơn 32%, khi nền kinh tế hồi phục từ Đại Khủng hoảng. Thị trường trong năm đầu tiên của ông Trump tăng gấp 3 lần so với mức trung bình trong thời gian đương nhiệm của những cựu tổng thống khác, S&P 500 tăng 19,4%, trong khi mức trung bình là 5,7%. Các doanh nghiệp được thúc đẩy nhờ chính sách cắt giảm thuế năm 2017 của ông Trump, do đó các công ty đã mua một lượng lớn cổ phiếu quỹ.
Một năm "thảm hoạ" đối với nhiệm kỳ của ông Trump là 2018. Khi đó, mức tăng của thị trường chỉ đạt dưới mức trung bình, chứng kiến tháng 12 tồi tệ nhất kể từ Đại Khủng hoảng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung "nóng bừng" và Fed tăng lãi suất. Năm ngoái, S&P 500 mất 6,2%, trong mức tăng trung bình là 4,5%.
Nếu thị trường đi theo xu hướng như những gì đã diễn ra trong lịch sử, thì ông Trump sẽ đón nhận năm thứ 4 với sự khởi sắc. Theo Bespoke, thị trường có thể sẽ tăng trưởng trong 66% thời gian của năm thứ 4, lợi nhuận của S&P 500 có thể sẽ là 5,7%. Phần lớn đà tăng sẽ phụ thuộc vào diễn biến của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ Trung.
Trong khi ông Trump rất tự tin về sự khởi sắc của thị trường vào năm tới, thì Phố Wall chỉ đưa ra dự đoán về đà tăng không quá mạnh. Các nha fphaan tích của Phố Wall đưa ra mục tiêu cho S&P 500 vào năm sau là 3.330 điểm, thấp hơn 4% so với mức đóng cửa phiên 26/12. Nếu S&P 500 tăng 6% thì ông Trump mới có thể vượt qua mức trung bình trong nhiệm kỳ của các tổng thống khác.