1. Để viết về 26 năm của Sir Alex Ferguson phải cần tới một cuốn sách sử. Nhưng để gói gọn 26 năm ấy của Sir Alex, cũng chỉ cần 90 phút có hơn trên sân The Hawthorns của West Brom, vào một ngày tháng Năm 2013.
Một trận đấu có tỷ số và diễn biến như trong một bộ phim hành động bom tấn, nhưng là "thước phim chiếu chậm" chứa đựng đầy đủ nhất những cung bậc cảm xúc mà Sir Alex và Man United đã cùng nhau bước qua hơn một phần tư thế kỷ. Điên rồ. Tuyệt diệu. Và đầy tính giải trí.
Trong kỷ nguyên Sir Alex, khi đã dẫn đối thủ 5-2, Man United có thể ghi thêm 10 bàn. Và cũng trong kỷ nguyên Sir Alex, khi đã bị gỡ hòa 5-5, Man United hoàn toàn có thể rời sân với 10 bàn thua. Như đã nói, đầy tính giải trí nhưng chẳng thiếu sự điên rồ.
West Brom 5-5 Man United
Tiếc thay, ai rồi cũng thế, đến một thời điểm nào đó trong đời sẽ biết sợ. Và biết đã đến lúc nên dừng lại. Và, trái tim của một ông già 70 tuổi không cho phép được đánh đu với cảm xúc thêm nữa.
Trong ngày các cầu thủ West Brom và Man United xếp thành hai hàng để tôn vinh Sir Alex và chia tay ông, các thành viên trong đại gia đình, ba cậu con trai và tám đứa cháu đều có mặt.
Tất nhiên, chẳng thể thiếu được người đã ở bên ông trong suốt 50 năm qua, vợ ông, bà Cathy. Người bạn đời cũng là người đầu tiên Sir Alex tiết lộ kế hoạch nghỉ hưu, khi ý nghĩ đó đến với ông vào mùa Đông 2012. Ngay trong đêm Giáng sinh năm ấy, ông nhẹ nhàng nói với bà Cathy: "Mình à, tôi sắp nghỉ hưu rồi". Bà hỏi lại: "Sao ông lại quyết định như thế?".
Sir Alex từ tốn đáp: "Mùa trước, đội bóng đã tuột mất danh hiệu trong trận đấu cuối cùng mùa giải, và tôi nghĩ mình chẳng thể chịu đựng điều đó thêm lần nào nữa. Tôi chỉ hy vọng trước khi mình nghỉ, tôi sẽ vô địch Premier League và vào đến chung kết Champions League hoặc FA Cup. Với tôi, đó sẽ là cái kết viên mãn nhất".
2. Không thể giành chiến thắng trong trận đấu chia tay sự nghiệp, nhưng Sir Alex đã thỏa nguyện với chức vô địch Anh lần thứ 20 của Man United. Cũng ngày hôm đó, trong phòng thay đồ của đội bóng, Ryan Giggs nói một câu nửa đùa nửa thật: "Bố ơi, David Moyes cũng nghỉ việc tại Everton rồi kìa".
Một trận hòa để khép lại kỷ nguyên của Sir Alex, với Man United chính ra lại là điều hay. Đó là trận đấu được ghi nhận là có nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử Premier League.
Không chỉ thế, đó như lời nhắc rằng, Man United không phải là đội bóng luôn chiến thắng, sẽ có lúc bị giữ lại, sẽ có lúc phải nếm trải thất bại, như cái siết tay đầy bất lực của chính Sir Alex trong trận chung kết Champions League với "đội bóng đến từ hành tinh khác" Barcelona.
Trận đấu cuối cùng cũng là trận đấu thứ 1.500 của Sir Alex trên băng ghế huấn luyện Man United. Nhưng chưa cần tới 1.500 ngày sau đó, từ khi Sir Alex lui xuống, Man United đã biến thành một đội bóng khác, rất khác.
Man United hậu Sir Alex không khác gì công trình đường sắt trên cao đang được thi công tại Hà Nội, mang theo mình ý tưởng vươn tầm vĩ đại nhưng rút cuộc lại trao nhầm cho những kiến trúc sư với bản vẽ còn dang dở.
David Moyes và Louis van Gaal có giỏi không. Họ cực giỏi là đằng khác. Nhưng Man United dưới tay họ lại bị biến thành một công trình nửa vời, thiếu định hướng và tầm nhìn.
Có thể, ở những nơi khác họ phát huy được tài năng của mình. Nhưng họ đã thất bại tại sân Old Trafford, vì lý do không phù hợp với Man United, hay vì những "vật liệu" Man United đang có đã quá cũ kỹ, lỗi thời, đến mức Moyes và Van Gaal dù đã vận dụng hết tài năng cũng chẳng thể thay đổi được.
3. Câu hỏi đó có lẽ chẳng bao giờ có lời đáp. Chỉ biết rằng, 11 cầu thủ trong đội hình xuất phát ở trận hòa West Brom khi ấy, tính đến nay đã đi hết tới 8 người. Những Shinji Kagawa, Anderson, Robin van Persie… tuy khác nhau về thời điểm, nhưng đều không còn ở lại sân Old Trafford. Ba cầu thủ vào sân thay người của Man United ngày hôm ấy, Ferdinand, Scholes và Giggs thì đã treo giày.
Chỉ còn lại Phil Jones, Valencia và Carrick vẫn đang chơi cho Man United. Tình cờ là 3 cái tên này đều không được trọng dụng và nằm trong danh sách bị thanh lý dưới thời Moyes và Van Gaal.
Nhưng thú vị hơn cả, một Phil Jones làm bạn với giường bệnh còn nhiều hơn sân cỏ, một Valencia không chịu nổi sức ép của chiếc áo số 7 huyền thoại và chỉ là hậu vệ "nửa mùa", và một Carrick chỉ còn thiếu nước chống gậy ra sân nhưng lại đang là những trụ cột trong chuỗi trận hồi sinh của Man United dưới thời Jose Mourinho.
Nổi tiếng với triết lý dùng tiền mua danh hiệu, nhưng Jose Mourinho cũng nổi danh không kém ở khoản "sát" đội bóng. Vô địch Champions League 2004, Mourinho "xúc" nguyên dàn sao Bosingwa, Ferreira, Carvalho và Deco.
Cũng sau chức vô địch Champions League, Mourinho "hô biến" Inter trở thành một đội bóng tầm thường. Mourinho khiến người đội trưởng vĩ đại của Real Madrid, Iker Casillas phải ra đi trong uất hận. Và Mourinho tạo nên một Chelsea hỗn loạn, sau cả hai lần đứt gánh giữa đường.
Mourinho có phải kẻ hủy hoại chính đội bóng của mình hay không, không biết được. Chỉ biết rằng, sau khi dẫn dắt Man United, đội bóng cũ của Sir Alex, Aberdeen không thể giành thêm một chức vô địch nào đáng giá nữa. Và tất nhiên, cả Man United nữa.
Không có gì là mãi mãi. Kỷ nguyên 26 năm của Sir Alex đã khép lại sau trận hòa trước West Brom. Và sau một trận đấu khác với West Brom, một kỷ nguyên mới của Man United rất có thể sẽ được mở ra, kỷ nguyên mang tên Jose Mourinho.