Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AP)
49 nhà lãnh đạo được mời đến thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần thứ hai, trong bối cảnh châu lục đã có nhiều dự án hạ tầng và thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, còn Washington bị cho là bỏ bê khu vực này.
Nhiệm vụ khó khăn của ông Biden là thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Phi rằng chính quyền của ông sẵn sàng triển khai các hoạt động kinh tế và ngoại giao mạnh mẽ với lục địa. Ông cũng sẽ phải đưa ra cam kết về nguồn lực để có thể cạnh tranh với vị thế của Trung Quốc ở đó.
Nhiều lãnh đạo châu Phi cảm thấy rằng họ đã bị lừa gạt một lần, khi Tổng thống Barack Obama dùng thượng đỉnh lần đầu vào năm 2014 để báo hiệu cam kết lớn hơn của Mỹ đối với lục địa. Nhưng sau đó, chính quyền Obama giảm tài trợ cho chương trình phòng chống AIDS và viện trợ nước ngoài cho khu vực.
Trong khi đó, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại số 1 của tiểu vùng Sahara, bằng cách bán mọi thứ, từ quần áo đến điện thoại thông minh, và mua về khối lượng lớn nông sản và tài nguyên, như đồng và dầu mỏ, của châu Phi. Bắc Kinh cũng đẩy mạnh việc xây dựng đường và cảng biển trên khắp châu Phi trong 2 thập kỷ qua, đồng thời đẩy mạnh viện trợ nước ngoài cho lục địa.
Từ năm 1991, các ngoại trưởng Trung Quốc chọn châu Phi là nơi công du đầu tiên trong mỗi năm mới.
Trung Quốc có nhiều bạn ở châu Phi hơn Mỹ một phần vì những dự án hợp tác và hoạt động ngoại giao không bàn chuyện dân chủ hay nhân quyền.
“Châu Phi luôn ở dưới cùng trong danh sách ưu tiên đối ngoại của Mỹ. Điều này cũng đúng với chính quyền Biden”, David Shinn, cựu đại sứ Mỹ tại Ethiopia, cho biết.
Châu Phi ngày càng trở nên quan trọng với Mỹ về thị trường tiêu thụ và nguồn nguyên liệu, bao gồm cô-ban và lithi – đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp xe điện của Mỹ. Mỹ cũng đánh giá châu Phi có vai trò quan trọng về an ninh quốc gia do mối đe dọa từ các nhóm khủng bố như Boko Haram ở Tây Phi và Al-Shabaab ở vùng Sừng châu Phi.
Phiếu bầu
Trước thượng đỉnh, chính quyền Biden thông báo Tổng thống Mỹ sẽ ủng hộ Liên minh châu Phi có một ghế thường trực trong G20. Phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định, điều này chứng tỏ sự công nhận của chính quyền đối với việc “cần nhiều tiếng nói của châu Phi hơn trong các cuộc thảo luận quốc tế” về những vấn đề cấp bách nhất của thế giới.
Sự công nhận đó cũng sẽ giúp Mỹ trên các diễn đàn quốc tế. Khi Mỹ đang tìm cách đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong các tổ chức đa phương, Washington nhấn mạnh rằng châu Phi “là một nhóm những nhóm bỏ phiếu đông nhất trong Liên Hợp Quốc”.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã đi trước trong nỗ lực khẳng định sức mạnh mềm. Tháng 9 năm nay, các nước châu Phi chiếm gần một nửa trong tổng số 28 quốc gia ủng hộ nghị quyết của Trung Quốc cho rằng cáo buộc Bắc Kinh phạm tội ác ở Tân Cương là “thông tin sai lệch”.
Quan hệ Trung Quốc – châu Phi “là nền tảng của chính sách đối ngoại Trung Quốc”, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương phát biểu ngày 11/12.
Nhiệm vụ khó khăn của ông Biden là phải thuyết phục các lãnh đạo châu Phi chọn Mỹ, mà không nhắc tên Trung Quốc.
Các lãnh đạo châu Phi không muốn quốc gia của họ trở thành “địa bàn cạnh tranh của các cường quốc với những sáng kiến Chiến tranh lạnh chống lại nhau”, Zeenat Adam, cựu vụ trưởng vụ Sừng châu phi tại Bộ Quan hệ và Hợp tác quốc tế Nam Phi, cho biết.
Vì thế, các nhà tổ chức thượng đỉnh lần này không đề cập đến Trung Quốc. Hội nghị “không phải để nói về các nước khác”, một quan chức Mỹ cho biết trong cuộc họp báo ngày 8/12.
Thượng đỉnh sẽ cho thấy Mỹ “mang đến một mô hình kinh tế tốt hơn và bền vững hơn, trong đó đối xử với các đối tác công bằng hơn. Sức mạnh của mô hình đó trái ngược với ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc”, Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, thành viên Tiểu ủy ban châu phi thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, khẳng định.
Tuy nhiên, còn nhiều quan hệ mà Mỹ cần phải hàn gắn.
Đối với nhiều lãnh đạo châu Phi, tổng thống Mỹ thăm châu Phi gần đây nhất là George. W. Bush, với chương trình y tế PEPFAR giúp cứu hàng triệu mạng sống bằng cách phân phát thuốc điều trị HIV/AIDS giá rẻ. Nhưng họ thất vọng với khi ông Obama, người có cha sinh ra ở Kenya, không chú ý đến châu lục nhiều hơn. Còn chính quyền Trump hoàn toàn ngó lơ khu vực này.
Theo Politico