Từ chụp ảnh trên không cho đến thẩm vấn tù nhân, những người lính học các kỹ năng cần thiết để thu thập thông tin, linh cảm về nó, và đề xuất kế hoạch dựa trên những gì họ biết về vị trí và chuyển động của địch. Có rất ít tài liệu nói về các hoạt động của trại Ritchie cũng như những hạt nhân tham chiến của nó.
Trại Ritchie ra đời như thế nào?
Nép mình trên những triền đồi mướt mát cây xanh thuộc rặng Blue Ridge là một cơ sở huấn luyện quân sự tuyệt mật. Từng là địa điểm mà những người giàu có tìm tới để nghỉ hè, khu vực Cascade ở tiểu bang Maryland nhanh chóng trở thành địa điểm lý tưởng cho một căn cứ quân sự do vị trí và địa hình hẻo lánh của nó.
Buổi ban đầu, vùng đất này thuộc sở hữu của Công ty băng thiên nhiên Buena Vista mở cửa hoạt động năm 1889, với mục đích cắt băng bán trong mùa đông cho những khách hàng giàu có. Năm 1926, vùng đất này được Vệ binh quốc gia Maryland mua lại dọc theo tuyến đường sắt Tây Maryland hiện có, và tái cải tạo để biến thành căn cứ huấn luyện mùa hè cho các tân binh.
Trại mới được mang tên là "Trại Ritchie" vốn lấy tên của Thống đốc Maryland là Albert C. Ritchie. Vì công tác huấn luyện chỉ diễn ra trong những tháng hè nên chỉ có những cải tiến nho nhỏ đối với căn cứ này, bao gồm bãi diễu binh, các trường bắn và một tòa nhà dùng làm trụ sở chính. Sau vụ tấn công Trân Châu Cảng, nỗ lực chiến tranh của Hoa Kỳ đã được bắt đầu một cách nghiêm túc.
Năm 1942, Bộ chiến tranh Mỹ đã tiếp quản trại Ritchie và tái sử dụng nó thành một trung tâm đào tạo quốc gia cho tình báo quân sự.
Trung tâm huấn luyện tình báo quân sự (MITC) được thành lập tại trại Ritchie với mục đích đào tạo binh sĩ và sĩ quan với các kỹ thuật thẩm vấn, chụp ảnh trên không, đọc bản đồ và thu thập tình báo, cùng với những kỹ năng quan trọng khác nhằm giúp quân đội thu thập tình báo trong thời gian chiến đấu.
Cho đến ngày hôm nay chỉ có duy nhất 2 tài liệu thể hiện sự tồn tại của trại Ritchie gồm một tài liệu lịch sử có tựa đề "Những chàng trai Ritchie" và một cuốn sách mang tựa đề "Những người con trai và binh lính".
Các chàng trai Ritchie hầu hết là những hậu duệ trực tiếp từ người Âu Châu hoặc người Đức gốc Do Thái đã đào tẩu qua Mỹ vào những năm trước chiến tranh. Quân đội Mỹ đánh giá cao những người này vì họ rất rành tiếng Đức, sẽ rất hữu dụng để cho họ thẩm vấn lính Đức bị bắt giữ. Có một thực tế là gần 19.000 quân nhân bao gồm các sĩ quan tình báo, thẩm vấn viên và các nhà phân tích hình ảnh đã qua đào tạo ở trại Ritchie ít được nhắc đến.
Một di tích của Trại Ritchie, nơi đào tạo ra những người lính tình báo ở tiểu bang Maryland. Ảnh nguồn: Therichieboys.
Bản đồ, không ảnh và thẩm vấn tù binh
Quá trình tuyển lựa tân binh vào trại Ritchie thường nhắm đến những người rành tiếng Đức, Pháp hoặc một số ngôn ngữ Đông Âu. Ngoài ra kinh nghiệm từng làm việc với các tù nhân hoặc trong quân cảnh cũng là một lợi thế. Những kỹ năng này sẽ hỗ trợ cho những người lính nhiệm vụ thu thập tình báo từ các cựu tù chiến tranh của địch.
Có một người lính từng trải qua đào tạo ở trại Ritchie suốt thời chiến là Karl W. Hornung. Lúc Hornung ở trại Ritchie để học cách thu thập tình báo thì bản thân căn cứ này đang trong tiến trình mở rộng và thiết lập vai trò mới.
Khi đến trại, các tân binh sẽ trải qua một chế độ giáo dục chuyên sâu nhằm đào tạo họ về những lĩnh vực chuyên biệt của tình báo quân sự. Hornung đến trại Ritchie vào tháng 3 năm 1942 và ngay lập tức bắt đầu được đào tạo về tình báo.
Trong trại Ritchie có những lớp học nhỏ, mỗi lớp có từ 18 đến 24 học viên, Hornung bắt đầu học về cách cấu trúc và hoạt động của quân đội Mỹ.
Hornung học các chuỗi mệnh lệnh từ các nhóm quân sự và sư đoàn khác nhau, chẳng hạn như học về sự khác nhau giữa lệnh chỉ huy của tiểu đoàn bộ binh và tiểu đoàn pháo binh. Thêm nữa, Hornung được học về vai trò của các tham mưu trong việc định hình các hoạt động và ra quyết định, cũng như thông tin đã luân chuyển thế nào trong cấu trúc chỉ huy.
Sau khi Hornung và các đồng đội hoàn thành những bài học về cấu trúc và tổ chức của quân đội Mỹ, họ bắt đầu được hướng dẫn những kỹ năng căn bản về tình báo và thu thập thông tin trong chiến tranh.
Họ phải học về sự khác nhau giữa thông tin và tình báo, và quyết định chọn tình báo nào là hữu dụng cho tình hình hiện tại. Thông thường, thông tin là dạng dữ liệu thô được người lính thu thập được; còn tình báo là "phần thông tin giá trị được thêm vào" khi người lính đan xen các thông tin và dệt nên một bức tranh thống nhất về những gì có thể xảy ra khi có diễn biến.
Hornung và các đồng đội phải hiểu những nhân tố nhằm cung cấp thông tin phù hợp cho các sĩ quan chỉ huy, chẳng hạn như dùng máy bay cả cho trinh sát và không chiến. Những nhà phân tích tình báo như Kark Hornung phải dùng những báo cáo thời tiết và kiến thức về những mô hình khí hậu nhằm dự đoán những điều kiện thời tiết, và từ đó tạo ra những báo cáo rằng các điều kiện thời tiết ảnh hưởng ra sao tới binh lính và trang thiết bị.
Mặt khác, các sĩ quan tình báo cũng phải cân nhắc thật kỹ lưỡng phí tổn và lợi ích của những dạng địa hình khác nhau cũng như dự đoán hành binh của địch trên các dạng cảnh quan đó. Để hiểu rõ về địa hình, các tân binh phải học về cách đọc bản đồ: học cách xác định các ký hiệu (biểu tượng) và xác định vị trí các đối tượng trên bản đồ, cũng như các tân binh thường xuyên cập nhập bản đồ về một khu vực cụ thể theo cách của riêng họ. Các tân binh tại trại Ritchie cũng được dạy về cách đọc bản đồ từ những quốc gia khác nhau.
Các học viên học về cách nhận diện những ký hiệu tương ứng với các quốc gia khác nhau trong khối Đồng Minh, và ý nghĩa của mỗi ký hiệu đó, nhằm liên lạc hiệu quả và làm việc chặt chẽ với các lực lượng Đồng Minh ở Châu Âu. Bên cạnh đó các tân binh như Hornung cũng học về cách dịch và khai thác những bản đồ địch thu giữ được. Theo nhiều cách, bản đồ Đức thu giữ được được chứng minh là rất giá trị cho sĩ quan tình báo hơn là bản đồ do quân Đồng Minh tạo ra.
Bản đồ địch chứa nhiều thông tin liên quan đến địa điểm đóng quân, những tuyến công sự và các kế hoạch chiến đấu tiềm năng… tất cả đều có giá trị cho các chỉ huy đồng minh. Sau khi hoàn tất các bài học về sử dụng bản đồ, Hornung chuyển sang học những kỹ thuật cao cấp hơn của việc sử dụng không ảnh để thu thập thông tin và dự cảm tình báo. Việc dùng không ảnh để trinh sát và tình báo đã trở nên phổ biến trong suốt Thế chiến I.
Các tân binh tại MITC học cách sử dụng hình ảnh được chụp bởi máy bay để suy luận ra sức mạnh của bộ binh, công sự và các đơn vị cơ giới của địch. Một lợi thế chính của việc dùng không ảnh là chỉ với 1 máy bay, một đơn vị tình báo quân sự có thể thu thập nhiều dữ liệu và xử lý nó nhanh chóng, khi có thể phát hiện chính xác tốc độ hành binh của địch.
Các bức không ảnh có thể được chụp và phân tích chỉ trong vài giờ khi máy bay hạ cánh, cung cấp "tầm nhìn thời gian thực" của chiến trường. Trong thời gian ở trại Ritchie, Hornung còn được học về nghệ thuật thẩm vấn cả tù chiến tranh cũng như thường dân không chiến đấu. Thật không may việc thu thập tình báo từ tù chiến tranh rất nan giải: bất kỳ người lính nào biết thông tin thường kín tiếng vì lòng trung thành đối với tổ quốc và đồng đội của họ.
Để khai thác tình báo từ tù chiến tranh, phần đầu MITC dạy bài học về cách đối đãi tù binh: kiểm tra thương tích, và nếu bệnh nặng có thể chuyển tù binh đến bệnh viện để chữa trị. Những tù binh khỏe mạnh sẽ được chuyển đến một khu biệt giam.
Nếu cần thiết, các giai đoạn thẩm vấn sơ bộ có thể được tiến hành ngay tại khu biệt giam này. Hoặc tù binh cũng được áp tải tới trại tù binh chiến tranh nằm gần mặt trận. Tại trại tù này, lính Mỹ sẽ sàng lọc các tù binh dựa trên quốc tịch và cấp bậc của họ. Nếu những tù binh cùng thuộc một nước thì được đưa tới một khu giam chỉ định, từ đây các sĩ quan địch sẽ được tách ra thành một nhóm để các nhà thẩm vấn Mỹ làm việc.
Hornung được đào tạo để thu thập tình báo từ các cuộc thẩm vấn dưới nhiều hình thức. Các tân binh như Hornung sẽ học cách tỏ ra thân thiện với tù binh và áp dụng chiêu "đả thảo kinh xà" giúp thu về một số mẫu thông tin nhỏ có giá trị.
Nhiệm vụ của nhóm tình báo thẩm vấn là sắp xếp những thứ vụn vặt để hình thành nên ý tưởng mạch lạc về đại cục. Với các sĩ quan địch dày dạn kinh nghiệm trận mạc, cuộc thẩm vấn có thể kéo dài hàng giờ hoặc nhiều ngày. Lúc đó, các thẩm vấn Mỹ sẽ cởi mở trò chuyện hơn xoay quanh các đề tài tôn giáo, sở thích hoặc đời sống gia đình.
Những người lính tình báo như Hornung cũng được dạy không mong đợi quá nhiều từ tù binh. Guy Stern và Fred Howard là 2 trong số các tân binh của trại Ritchie, họ thường xuyên thực hiện các trò đấu trí với tù binh Đức.
Gần kết thúc cuộc chiến ở Châu Âu, hai ông đã nghĩ ra một chiến lược khiến các tù binh sợ hãi để khai thông tin ra. Biết rằng lính Đức sợ hãi nếu bị đưa đến các trại tù binh của Liên Xô, Stern và Howard đã khai thác điều này để khai thác tin địch. Một trong hai ông giả trang mặc quân phục Liên Xô, "người lính Xôviết" khiến các tù binh Đức buộc phải tin rằng nếu họ hợp tác với người Mỹ thì sẽ không bị đưa đến các trại tù binh Liên Xô.
Sau khi được thẩm vấn, các tù binh lại được tách riêng dựa trên quốc tịch và cấp bậc. Vào những tuần huấn luyện cuối cùng ở trại Ritchie, Hornung và các đồng đội được học cách tạo ra những báo cáo tình huống giả: gây nhầm lẫn và mâu thuẫn. Một khi tốt nghiệp MITC của trại Ritchie, các học viên sẽ phục vụ với nhiều vai trò khác nhau trong bộ phận tình báo của quân đội Mỹ.
Một lớp học tại Trại Ritchie. Ảnh nguồn: Amazon.
Kế hoạch xâm lược Nhật Bản
Năm 1917, với tư cách là một sĩ quan bộ binh, Edmund J. Winslett là một quân nhân chuyên nghiệp. Khi Thế chiến II bùng nổ, Winslett đã phục vụ quân đội được 24 năm. Vào buổi đầu Thế chiến II, Winslett được bổ nhiệm trong biên chế của một khẩu đội pháo bảo vệ bờ biển. Là chỉ huy của khẩu đội pháo này, Winslett chịu trách nhiệm bảo vệ Hoa Kỳ khỏi sự xâm lược của giặc ngoại xâm.
Mặc dù khả năng Đức hoặc Nhật tấn công Mỹ là khó xảy ra, nhưng qua vụ Trân Châu Cảng đã cho thấy lãnh thổ Mỹ rất dễ bị tấn công bởi hải quân đối phương. Dù lớn tuổi hơn nhiều tân binh khác trong quân đội Mỹ nhưng Winslett vẫn là một tài sản đáng giá.
Ông được phái tới trại Ritchie và được huấn luyện ở MITC để trở thành sĩ quan tình báo. Sau khi tốt nghiệp, Winslett trở thành thủ lĩnh một đơn vị tình báo do ông sáng lập. Winslett phục vụ một thời gian ngắn ở mặt trận Châu Âu, sau đó thì nhận được lệnh điều động đến Thái Bình Dương.
Lúc còn ở trại Ritchie, Winslett có học về giải mã ảnh và tự thấy mình có duyên với nhóm tình báo ảnh. Ở mặt trận Thái Bình Dương, Winslet phục vụ trong nhóm giải ảnh 131, Winslett và nhóm của ông được hỗ trợ trong cuộc xâm lược Luzon. Trong những điều kiện khó khăn tương tự như Hornung, Winslett và nhóm của ông đã thực hiện nhiệm vụ với khả năng tốt nhất, nhưng nhiệm vụ này không kéo dài lâu.
Khi chiến tranh Thái Bình Dương bắt đầu chuyển hướng, khả năng quân Nhật xâm lược Mỹ đã quá rõ ràng. Với sự kháng cự dữ dội và sự xuất hiện của các phi đội Thần Phong trong năm 1944, người Mỹ đã nếm trái đắng trước quyết tâm của quân Nhật. Nếu quân đội Mỹ đổ bộ lên đảo Nhật thì phải đảm bảo được nguồn tình báo chất lượng cao. Năm 1945, Winslett được lệnh hỗ trợ trong việc xâm lược Nhật Bản. Ông đã dùng các kỹ năng được đào tạo ở MITC để lập đại kế hoạch đó.
Theo kế hoạch do Winslett đề ra thì các lực lượng Mỹ sẽ đổ bộ lên bờ biển Nhật ngay tại những eo đất nằm giữa Kyushu và Shikoku, và khoảng giữa Shikoku và Honshu, nhằm mục đích tách các lực lượng Nhật thành 3 khu vực riêng biệt.
Điều này sẽ cắt đứt các đường liên lạc của quân Nhật và cho phép các lực lượng Mỹ cơ động bao vây tấn công và đánh chiếm các mục tiêu nằm rải rác trên khắp quần đảo Nhật Bản. Sau trận đánh ban đầu là tiếp theo 2 trận bổ sung ở mỗi vùng nhằm gây sức ép lên quân Nhật và chiếm luôn cả nước.
Nhưng thực tế thì việc xâm lược Nhật Bản đã không xảy ra. Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki khiến chính phủ Nhật đầu hàng, kết thúc chiến tranh. Sau Thế chiến II, Winslett được thăng cấp bậc Thiếu tá và nắm quyền chỉ huy Văn phòng liên lạc tại Trụ sở quân đoàn I ở Nhật Bản.
Vào cuối cuộc chiến tranh Triều Tiên, Winslett nằm trong một nhóm đàm phán trao đổi tù binh chiến tranh với chính phủ CHDCND Triều Tiên, giúp đưa các tù binh Mỹ về nhà an toàn. Winslett giải nghệ sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc.