Nói về khó khăn của những phi công trẻ lần đầu thực hiện bắn đạn thật trên biển, Đại tá Huỳnh Mạnh Thắng - Phi đội trưởng, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 935, Sư đoàn Không quân 370 cho biết:
"Đối với một phi công lần đầu ra biển bắn bia đạn thật, nhiều người rơi vào trạng thái tâm lý rất khó khăn và việc thực hiện bắn bia trên biển khó hơn trên đất liền rất nhiều, do mục tiêu nằm rất xa, nhỏ, điều kiện khí tượng phức tạp. Nên mọi động tác, thao tác kỹ thuật phải hết sức tỉ mỉ, cẩn thận và tuyệt đối chính xác".
Tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam
Đối với phi công chiến đấu thì mỗi chuyến bay đều gắn liền với sinh mệnh. Dù khí tài có hiện đại đến đâu thì con người vẫn là là yếu tố quyết định. Chỉ cần một sơ sảy nhỏ hay mất tập trung trong một khoảng thời gian rất ngắn tính bằng tích tắc là có thể phải trả giá rất đắt bằng sinh mạng.
"Làm phi công không được phép hèn nhát, không được phép nao núng, sợ hãi trước bất cứ một điều gì. Khi đã bước lên máy bay, tất cả mọi chuyện phải để lại phía sau, toàn bộ tâm lực, trí lực phải dành hết cho nhiệm vụ. Mỗi lần vút lên trời cao, ngắm nhìn trọn vẹn dải đất hình chữ S, tôi hiểu mình đang làm gì cho Tổ quốc mình", phi công trẻ Trần Thanh Luân chia sẻ.
Khi nói về đặc điểm của Su-30MK2, Đại tá Huỳnh Mạnh Thắng cho biết, đây là chiến đấu cơ mang trên mình nhiều loại thiết bị vũ khí, khí tài chiến đấu hiện đại, khả năng sử dụng vũ khí cao hơn, có 2 phi công cùng bổ trợ cho những thiếu sót trong quá trình bay nhưng đồng thời nó cũng tạo ra sự bị động trong việc quyết đoán.
Cái khó của Su-30MK2 là cả hai phi công phải ăn ý hoàn toàn từ suy nghĩ cho đến động tác, giống như cùng trên một chiếc xe đạp đôi, chỉ cần xảy ra một sai sót nhỏ sẽ không bao giờ có cơ hội sửa sai, Đại tá Thắng cho biết.
Trong khi đó, anh Phạm Văn Sơn (trợ lý thể thao Trung đoàn 935) chia sẻ: "Khi bay, nhất là bay biển, nhào lộn một cái là ngửa mặt lên trời xanh, nhoáy một cái là biển. Trời xanh. Biển cũng xanh. Việc quan trọng nhất khi tập thể thao hàng không là để khắc phục cảm giác sai khi thực hiện các bài bay nhào lộn, bay biển, bay diễn tập, bay đêm...".
Trước ngày bay, phi công không được về nhà mà phải ngủ trong đơn vị để... đảm bảo sức khỏe. Đúng 21h, phi công phải tắt điện đi ngủ. Phi công quân sự luôn được ưu ái đặc biệt so với các lực lượng khác trong một đơn vị không quân từ quần áo, giày, ăn uống, phòng ở...
Trung tá Lê Như Hoài - chủ nhiệm hậu cần Trung đoàn 935 - cho biết: "Quần áo công tác bay của phi công phản lực là bộ áo liền quần, được thiết kế theo mẫu của Nga với những tiêu chuẩn rất khoa học. Quần áo được may từ một loại sợi tổng hợp có khả năng chống cháy, thấm mồ hôi rất cao, giúp phi công thoải mái nhất"
Ngoài ra, trước khi lên máy bay, phi công được trang bị thêm "quần kháng áp" được thiết kế với những phần khoét rất ngộ nghĩnh, lạ mắt. Chiếc quần đặc biệt này có tác dụng khi phi công kéo quá tải, nó sẽ tự động thổi phồng, ép chặt vô mạch máu giúp phi công không bị thiếu máu não đột ngột, không bị choáng.
Người ta bảo ăn sướng như phi công. Từng được các anh mời dùng bữa trưa nhiều lần, tôi thấy sướng thì chưa biết nhưng phi công buộc phải ăn hết một khẩu phần “hoành tráng” gồm thịt gà luộc, thịt bò xào, trứng chiên, rau luộc, cơm, canh... để bù lại sức lực hao phí sau ban bay.
Phi công chiến đấu có chế độ ăn uống đặc biệt: ăn theo định lượng và duyệt giá hằng tháng. “Nghĩa là không cần biết giá cả lên xuống như thế nào nhưng phải luôn đảm bảo bữa ăn có đủ những định lượng quy định. Giá cả bao nhiêu trên duyệt bấy nhiêu” - chủ nhiệm hậu cần trung đoàn 935 giải thích.
Trong quân đội, chỉ duy nhất phi công có chế độ ăn đặc biệt này. Mỗi ngày, khẩu phần ăn của phi công phải đảm bảo đủ 4.680 calo. Bắt buộc phi công phải ăn hết.