Chị có thể chia sẻ những ấn tượng của chị khi đến Việt Nam?
Tôi đã đến Việt Nam 2 lần. Lần đầu tiên là 4 năm trước chỉ với tư cách là một khách du lịch. Tôi chỉ có cơ hội đến thăm Hà Nội và Vịnh Hạ Long và một số điểm du lịch nổi tiếng.
Đó là chuyến thăm khá ngắn ngủi và tôi đã không có cơ hội để tìm hiểu kĩ hơn. Ngoài ra, đó là còn là dịp Tết, và mọi thứ cửa hàng dịch vụ đều đóng cửa. Mọi người thì đều đã bận rộn với gia đình. Đó là thời điểm rất đặc biệt. Tôi cảm thấy mình cần phải quay lại một lần nữa để khám phá mọi thứ sâu sắc hơn, giống như tôi đã "nếm" một món rất thú vị và tôi cần đến để thưởng thức nó trọn vẹn.
Nhưng không may, lần thứ hai quay lại Việt Nam để làm việc với tư cách một nhà ngoại giao, lại là thời điểm COVID-19 bùng phát. Đó là một quãng thời gian rất khó khăn. Mọi người rất căng thẳng và lo lắng cho gia đình.
Tất cả những ai đến Việt Nam đều phải cách ly. Mọi người đều nói nếu đến Việt Nam, bạn sẽ yêu đất nước này, và nhiều món ăn tuyệt vời. Nhưng thực tế là thành phố bị phong tỏa, tôi chẳng thể ra khỏi nhà và chỉ biết hy vọng mọi thứ sẽ tốt lên.
Và rồi mọi thứ bắt đầu thay đổi: có vaccine, số lượng ca nhiễm bắt đầu giảm, mọi thứ dần trở lại bình thường, tôi bắt đầu có cơ hội khám phá mọi thứ, từ các nhà hàng, các viện bảo tàng, đi du lịch tới những địa điểm khác nhau như Hội An hay Sapa. Sau đó là những chuyến công tác đến các trường học, nói chuyện với học sinh, người dân, tìm hiểu văn hoá và bắt đầu chiêm ngưỡng những điều khác lạ mà quốc gia này mang đến cho tôi. Tất cả những điều đó khiến tôi cảm thấy cuộc hành trình mới đang bắt đầu.
Quyền Tham tán Thông tin - Văn hoá Kate Bartlett tại Đại sứ quán Mỹ (Hà Nội) chia sẻ ấn tượng về Việt Nam. Ảnh: Như Đạt
Vậy có phong tục nào ở Việt Nam khiến chị cảm thấy bất ngờ không?
Có rất nhiều phong tục thú vị. Tôi vẫn đang học về phong tục của các bạn trong mỗi dịp lễ. Khi tôi đến vào dịp Tết Trung thu, chúng tôi được học tạo hình những con vật từ quả bưởi. Sau đó là tìm hiểu thêm về nghi thức thả cá chép, ngày giết sâu bọ… Mỗi ngày lễ, mỗi một mùa đều mang đến cho tôi một bài học mới như vì sao trong dịp Tết cả nhà lại đi mua quần áo mới, đâu là những ý nghĩa ẩn dấu đằng sau…
Thật sự rất đặc biệt khi được nghe những người lớn tuổi kể về truyền thống này đã tồn tại trong gia đình bao lâu nay và muốn những truyền thống này được lưu truyền. Việt Nam là một quốc gia rất đa dạng và phong phú, tương tự như Mỹ. Có quá nhiều điều để khám phá và tôi mới chỉ thấy một trong hàng trăm điều để khám phá ở Việt Nam.
Quyền Tham tán Thông tin - Văn hoá Kate Bartlett tại Đại sứ quán Mỹ (Hà Nội) và hai con dạo bộ ở Hồ Gươm. Ảnh: Như Đạt
Chị vừa nhắc đến gia đình. Ở phương Tây, mọi người sống trong môi trường riêng tư hơn trong khi ở phương Đông, thường có nhiều thành viên chung sống trong một gia đình. Vậy chị nghĩ thế nào về các khác biệt văn hóa này?
Chúng ta có rất nhiều điều để học hỏi từ nhau. Tôi nghĩ một trong những lợi ích của văn hóa Việt Nam là sự tương trợ lẫn nhau. Tôi đã chứng kiến một số đồng nghiệp của mình, không may có cha mẹ hoặc người thân bị ốm, đang nằm viện thậm chí đã qua đời, và thấy được sự tình cảm và sẻ chia của cộng đồng đối với người bệnh.
Với tôi, là một người nước ngoài, tôi cảm thấy rất lạ lẫm khi được biết ở Việt Nam chúng ta sẽ đến bệnh viện để thăm cha mẹ của đồng nghiệp, dù tôi thậm chí không biết rõ người ấy. Nhưng rõ ràng việc đó rất có ý nghĩa động viên bạn bè của chúng ta.
Điều đó rất đặc biệt, và là điều mà tôi nghĩ văn hóa Mỹ có thể học hỏi bởi vì vào thời điểm cần thiết, khi bạn đang đau buồn hoặc lo sợ cho người thân của mình, bạn sẽ cảm thấy an lòng khi nhìn thấy sự hỗ trợ và động viên của bạn bè và đồng nghiệp xung quanh. Điều này giống như một cái cây khoẻ mạnh với bộ rễ sâu vậy.
Với văn hóa Mỹ, chúng tôi không làm như vậy vì người Mỹ thì lại sống tách biệt với gia đình. Tuy nhiên, trong văn hóa Mỹ, tôi thực sự thích việc mỗi người đều có cơ hội khám phá niềm đam mê và ý tưởng của riêng mình. Gia đình sẽ khuyến khích các thành viên bay xa.
Tôi nghĩ mỗi nền văn hóa đều có điều gì đó để học hỏi. Nhưng chắc chắn tôi đã thấy điểm chung về sự hỗ trợ và tình yêu trong khía cạnh cộng đồng của văn hóa mỗi dân tộc.
Tôi được biết chị thông thạo nhiều ngôn ngữ. Vậy tiếng Việt khác biệt thế nào so với những ngôn ngữ chị đã học? Chị có thể chia sẻ những khó khăn cũng như niềm vui khi chị học tiếng Việt?
Đúng vậy, tôi đã học thành thạo 5 ngôn ngữ và biết "sơ sơ" 5 ngôn ngữ nữa. Vậy là 10. Nhưng đối với tôi, tiếng Việt là khó nhất.
Khi mới đến, khó khăn lớn nhất là phát âm tên của người Việt Nam. Khó nhất là phát âm chữ "NG" và các từ có kết thúc bằng chữ "C". Vì vậy, tôi đã rất khó khăn để gọi một đồng nghiệp tên là Ngọc.
Tiếng Việt là ngôn ngữ duy nhất tôi học có hệ thống dấu và thanh điệu và có lẽ đó là lý do tại sao tôi gặp khó khăn. Nhưng theo thời gian, tôi đã thực sự cảm thấy sự thú vị trong tiếng Việt. Có một sự vui tươi, hài hước trong đó.
Đôi khi tôi thích đọc trang Facebook của Đại sứ quán và xem các bình luận vì mọi người luôn như "chơi đùa" với ngôn ngữ, bạn biết đấy, cùng là một từ, nhưng với dấu sắc thì phát âm lên cao, còn với dấu huyền thì phát âm thấp xuống.
Và những câu nói đùa nữa. Các đồng nghiệp của tôi đã giải thích nhưng thực sự tôi vẫn chưa hiểu được các câu nói đùa. Tôi hy vọng một ngày nào đó, tôi có thể để hiểu được những câu nói đùa bằng tiếng Việt.
Kate Bartlett đến Việt Nam với vai trò Tùy viên văn hóa của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội vào tháng 8/2021. Cô đến từ bang Florida. Cô có thể nói thành thạo 5 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Tây Ban Nha, Indonesia, Rumani, Iran, và tiếng Việt.
Hiện tại, Kate Bartlett đang là Quyền Tham tán Thông tin - Văn hóa của Đại sứ quán Mỹ. Năm 2021, nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, Kate Bartlett đã thể hiện bài hát Bụi phấn bằng tiếng Việt. Cô chia sẻ, khi hát bài "Bụi phấn", cô nghĩ đến những giáo viên dạy tiếng Việt cả ở Mỹ và Việt Nam, những người đã rất kiên nhẫn dạy cô tiếng Việt.