Muốn mua trà sữa phải đi 20 cây số còn muốn mua quần áo đẹp thì phải đi cả một chuyến bay - Trần Thị Thu Hoà (An Thới, Phú Quốc) kể chuyện cách đây gần 10 năm.
Tuổi thơ của Hoà chỉ quanh quẩn ở gần khu chợ An Thới. Cách đường lớn một chút thôi là những con đường đất đỏ đầy ổ gà, ổ voi, nắng thì bụi mà mưa thì bùn bám đến mắt cá chân. Người dân xung quanh chỉ trồng dừa, trồng đào, đốt than và đánh cá.
Khó khăn như vậy nên từ nhỏ, bố mẹ luôn động viên cô học thật giỏi, thi đỗ đại học, lên thành phố Hồ Chí Minh để tìm cơ hội thoát nghèo. Nhưng khi cô tốt nghiệp đại học năm 2017, bố mẹ cô lại nằng nặc… bắt cô về.
“Con ít ở nhà nên không biết đấy thôi, Phú Quốc bây giờ khác lắm. Cáp treo, khách sạn, khu nghỉ dưỡng có cả, khách du lịch nườm nượp. Phú Quốc nhà mình sắp ngon rồi. Giỏi tiếng Anh như con, lo gì không có việc”.
Tuần nào bố mẹ Hoà cũng gọi 3-4 lần. Nhiều lúc Hoà ám ảnh đến mức tắt điện thoại đi. Nhưng 4 tháng sau, Hoà quyết định thay đổi, trở về Phú Quốc để sống trong bầu không khí bình yên hơn.
Ngày đầu tiên về quê, Hòa đã được cho đi thử cáp treo Hòn Thơm. Từ trên cao, lần đầu cô thấy biển quê mình đẹp đến thế. Những làn nước xanh như ngọc, cảng An Thới với những con tàu mang cờ đỏ phấp phới, và đặc biệt là một công viên nước đang dần thành hình trên đảo Hòn Thơm.
Nam đảo đang dần phát triển. Và trước làn sóng của khách du lịch, những dịch vụ vốn rất xa xỉ với người dân quê như hàng trà sữa, quần áo thiết kế, nhà hàng cũng được mở ngày một nhiều. Hoà đã có thể sống với những dịch vụ gần như TP. HCM mà lại thoáng đãng, nhẹ nhàng, vui vẻ hơn nhiều.
Không giống như Thu Hoà, Đỗ Thị Hải Ngân sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng. Mang khát vọng được làm việc cho một resort lớn, Ngân chuyển đến Phú Quốc làm việc tại một bãi biển biệt lập với thế giới bên ngoài. Mỗi tối, xe buýt chở các nhân viên đi 30 phút trong bóng tối mới ra đến khu dân cư. Chưa dừng lại ở đó, vài tháng sau, cô được bố trí ở lại ngay gần resort. Mạng không có, hàng quán không có, chỉ có tiếng ếch, tiếng dế, tiếng tắc kè vang suốt ngày đêm. Mỗi tối, con đường đất đỏ lại bụi mù. Nếu soi đèn xe máy, Ngân sẽ nhìn thấy cả một màn sương. Vốn là người năng động, Ngân dần sống khép mình vì chẳng có gì chơi. Nếu mượn được xe máy, Ngân cũng không dám ra ngoài buổi tối vì sợ ma.
Nhưng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort của Sun Group ra đời đã khiến Ngân như được sống với con người của mình. Cô gia nhập khu nghỉ dưỡng, hạnh phúc khi được làm ở một resort đẹp và đặc biệt là có rất nhiều hoạt động cho nhân viên. Ngân đã luyện tập để thi chạy bộ, đã tham dự Tết trung thu lớn nhất trong đời với 4.000 người dân Phú Quốc, đã có dịp dậy từ 5h sáng để đi… nhặt rác. Hàng trăm nhân viên vừa làm sạch môi trường, vừa nói cười rộn ràng. Và đó là những tháng ngày thật khó quên.
Phú Quốc từ nơi mà mỗi đứa trẻ lớn lên đều được dạy phải tìm cách ra đi để thoát nghèo đã trở thành nơi trở về, thành miền đất hứa. Lượng khách du lịch tăng từ 230.000 năm 2010 lên 5,1 triệu người năm 2019 đã khiến tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của nơi này tăng đến 36% mỗi năm. Số vốn đầu tư từ chỗ chỉ tính bằng triệu thì nay đã lên hơn 16 tỷ USD. Trong đó, Sun Group đóng góp hàng tỷ USD thông qua 50 dự án đẳng cấp.