LTS: Năm 1998, doanh thu tập đoàn Hyundai đạt 77 tỉ USD, tài sản của cá nhân Chung Ju Yung ước tính đạt 6 tỉ USD, nằm trong top những người giàu nhất thế giới thời điểm đó. Tuy nhiên, cuốn tự truyện "Không bao giờ là thất bại - Tất cả là thử thách" đã cho thấy chân dung một con người tuy sinh ra là bần nông nhưng sự phấn đấu suốt cả cuộc đời không phải là vì gia tăng tiền bạc.
Thay vào đó, Chung Ju Yung luôn khát vọng góp phần làm giàu cho Hàn Quốc. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao cuốn sách này được Chủ tịch Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng lựa chọn trao tặng tận tay người Việt trẻ để cổ vũ tinh thần khởi nghiệp - kiến quốc hùng cường.
Đọc lại loạt bài truyền cảm hứng về Chung Ju Yung:
* Bài 1: Kỳ nhân khiến báo lớn thế giới từng không thể lý giải, gọi là 'vị vua cuối cùng'
* Bài 2: Bốn 'trận đánh' để đời của kỳ nhân Hàn Quốc thần tượng Napoleon: Không Waterloo, chỉ có Austerlitz!
* Bài 3: Trận đánh thứ năm: Phó thủ tướng thề đốt 10 đầu ngón tay nếu thua, Chủ tịch Hyundai 'quyết chiến'
Thế vận hội mùa hè 1988 - Niềm tự hào của cả dân tộc Hàn Quốc
Trong cuốn sách Made in Korea, tác giả Richard M. Steers từng nhận xét rất đúng về con đường mà nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai đã lựa chọn rằng: “Doanh nghiệp và quốc gia là hai khái niệm khó mà tách rời trong tâm thức kinh doanh của doanh nhân Hàn Quốc Chung Ju Yung và hiếm có người nào từng thử làm chuyện đó như ông”.
Lật lại những "chiến tích" mà Chung Ju Yung đã lập được, quả thực trong từng bước đi, từng thất bại hay thành công của ông đều gắn với những bước đi và sự chuyển mình của đất nước Hàn Quốc. Chung Ju Yung đã đem cả sự nghiệp kinh doanh của mình gắn với quốc gia với mong muốn đưa đất nước Hàn Quốc bước lên một vị trí mới trong cuộc chơi toàn cầu.
Một trong những việc làm góp phần hiện thực mục tiêu ấy chính là việc Chung Ju Yung đã tham gia đấu thầu giành quyền đăng cai Olympic Mùa hè 1988. Thành công này làm đậm nét sự thành công của thế hệ Chung Ju Yung trong mắt thế giới bên ngoài và trở thành một nguồn tự hào to lớn cho người dân thành phố Seoul.
Năm đó, khi pháo hoa vụt sáng trên sông Hàn, nhiều người Hàn Quốc đã ôm chặt lấy nhau dù không quen biết, những bàn tay chai sần đan với nhau, họ cười trong nước mắt.
Theo tác giả Tonny Buổi Sáng, sau 28 năm tái thiết đất nước, đi lên từ một quốc gia nghèo bậc nhất châu Á, Hàn Quốc đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất loài người. Trong thành công đó, không thể bỏ qua sự cống hiến hết mình của Chung Ju Yung.
Khi Hàn Quốc đăng cai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy “kỳ tích sông Hán” vĩ đại đến nhường nào. Thế vận hội là cơ hội để thế giới nhận ra ngành công nghiệp ô tô, xe máy, dệt nhuộm, hoá chất, đóng tàu, điện tử, bánh kẹo... của Hàn Quốc phát triển đến nhường nào, biết rằng bên Nhật Bản có gì thì Hàn Quốc làm được cái đó, mặc dù dân số chỉ bằng 1/3.
Ngoài ra, sự kiện đã giúp thúc đẩy mạnh các hoạt động nằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh Hàn Quốc ra thế giới. Theo New York Times, Thế vận hội cũng là nguyên nhân khiến Chính phủ Hàn Quốc đầu tư xây dựng sân bay quốc tế mới và các trung tâm hội nghị, làm sạch nước ô nhiễm sông Hán, đường cao tốc nối sân bay Kimpo với trung tâm thành phố, và sân vận động Olympics. Đường tàu điện ngầm cũng được mở rộng. Các tuyến số 2, số 3 và số 4 tạo thành một chữ X đi khắp trung tâm Seoul.
Đánh giá về Thế vận hội nói riêng và đất nước Hàn Quốc nói chung, New York Times đưa ra một so sánh khá hay về sự phát triển vượt bậc của quốc gia này: "Vào thời điểm Olympics 1988 diễn ra, cả hai miền bán đảo Triều Tiên đều đủ khả năng xây dựng các hệ thống tàu điện ngầm phức tạp dưới lòng các thủ đô. Nhưng một thập kỷ sau Thế vận hội Seoul, chỉ Hàn Quốc có thể duy trì đều đặn hoạt động của các tuyến tàu điện ngầm này".
Trong bối cảnh năm 1988, thế giới đang trải qua cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên bang Xô viết và các quốc gia đồng minh của họ với các cường quốc thuộc thế giới phương Tây, gồm cả Hoa Kỳ. Tình hình leo thang trên diện rộng khiến cuộc chiến này ảnh hưởng khá lớn tới Hàn Quốc. Trong bối cảnh đó, những sự kiện lớn như Thế vận hội Mùa Hè đã có có tác động tích cực to lớn trong việc giúp Hàn Quốc phá bẫy ngoại giao vì áp lực chiến tranh thương mại, nâng cao tầm vị thế và ảnh hưởng của đất nước.
Khát vọng phụng sự dân tộc
Ngoài những nỗ lực trong lĩnh vực kinh tế, Chung Ju Yung chưa khi nào quên đi quê hương Triều Tiên nơi mình đã chôn rau cắt rốn. Ông không ngừng nỗ lực bình thường hoá quan hệ với Triều Tiên và đã từng đem 1.000 con bò qua vùng phi quân sự, trao trả lại món nợ hồi còn niên thiếu.
Ông cũng thành lập quỹ Asan Foundation vào năm 1977 với quy mô không thua kém những Ford Foundation hay Rockefeller Foundation bên kia bờ đại dương nhằm hỗ trợ y tế, phúc lợi xã hội, nghiên cứu và phát triển, quỹ học bổng.
Thời điểm đất nước khó khăn về lương thực, Chung Ju Yung đã không ngại ngăn biển để Hàn Quốc thay đổi bản đồ, có thêm 100.000.000m2 đất liền, lớn hơn cả đồng bằng sản xuất lúa gạo lớn nhất của Hàn Quốc lúc bấy giờ là Kimche tại tỉnh Chonbuk, tăng thêm cho mỗi người dân đất nước này 3,3 m2 đất.
Khởi công từ năm 1982, sau thời gian thi công và khử mặn, năm 1988, khu vực khai hoang Sosan trở thành vùng nông nghiệp cơ khí hóa với quy mô lớn, giúp 6,6 triệu người có thêm việc làm từ mảnh đất mới ấy.
Chung Ju Yung nói, ông dồn tâm huyết vào công trình ấy vì tình yêu sâu nặng với từng nắm đất quê hương và suy nghĩ: "Nếu mảnh đất ấy dùng vào trồng trọt mỗi năm có thể làm ra 40 tỷ won, đủ cho 500.000 người dân Hàn Quốc sống trong một năm".
Với tham vọng sẽ dẫn dắt Hàn Quốc phát triển cao hơn, Chung Ju Yung từng ứng cử Tổng thống năm 1976. Tuy thất bại nhưng những nộ lực về mặt chính trị nhằm tái thiết đất nước, gây dựng sức ảnh hưởng tích cực của ông vẫn luôn được cả thế giới công nhận.
Cuộc đời Chung Ju Yung, từ một bần nông trở thành ông chủ thương hiệu nổi tiếng trong những ngành kinh tế mũi nhọn: Xây dựng, đóng tàu, sản xuất ô tô, sắt thép, xi măng, mạch bán dẫn, thủy điện, nhiệt điện, tiến vào Trung Đông khai thác dầu lửa...
Khi Chung ju Yung bắt tay vào xây dựng nhà máy thép Pohang, cả thế giới phản đối vì bối cảnh lúc đó, thế giới đã dư thừa quá nhiều sắt thép sau các cuộc cách mạng công nghiệp ở các nước phương Tây. Bỏ ngoài tai tất cả lời khuyên dừng lại, Chung Ju Yung vẫn quyết tâm làm đến cùng và sự ra đời của Pohang đã giúp giảm giá thành nguyên vật liệu, góp ích rất lớn trong việc thúc đẩy ngành xây dựng, sản xuất ô tô, đóng tàu... ở Hàn Quốc phát triển.
"Nếu chúng ta chần chừ bước vào những lĩnh vực mà chúng ta thua kém hay chưa biết, hoặc chúng ta lẩn tránh những công việc mệt nhọc là chúng ta đang tự xếp mình và nhóm người theo chủ nghĩa thất bại.
Tất cả mọi việc thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào cách suy nghĩ và hành động của mỗi người. Có thể việc đó mạo hiểm vô cùng nhưng nếu không chấp nhận mạo hiểm, chúng ta sẽ bị thụt lùi và bị nhấm chìm trong những gì mình đang có", Chung Ju Yung quan niệm.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một nhà tư bản, một doanh nhân có tầm cỡ thế giới"
Nhìn lại sự phát triển thần tốc của Hàn Quốc, nhiều người gọi đó là "kỳ tích sông Hán". Với Chung Ju Yung, cụm từ ấy không bao giờ xuất hiện trong từ điển của ông bởi trên đời này sẽ chẳng thể có kỳ tích nếu đó không phải là kết quả của quá trình dài nỗ lực không mệt mỏi, lòng tin vào công việc đúng đắn mình đang làm và sức mạnh phi thường của thể chất và tinh thần.
Trải qua cuộc đời đầy rẫy thăng trầm, Chung Ju Yung luôn có suy nghĩ rất đơn giản rằng: "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một nhà tư bản, một doanh nhân có tầm cỡ thế giới. Tôi chỉ là một người lao động giàu có, làm ra hàng hóa bằng chính sức lao động của mình".
Đối với ông, cuộc đời này không bao giờ có thất bại, tất cả là thử thách. Cuộc sống phải là ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua và không ngừng chinh phục khó khăn, tiến bước về phía trước.
"Tôi hoàn toàn không quan tâm đến việc công ty có bao nhiêu tiền. Tôi nghĩ rằng tiền trong túi tôi và tiền để tôi nuôi sống gia đình mới chính là tiền của tôi, đó là những đồng tiền giải quyết nhu cầu ăn mặc ở của bản thân, gia đình. Ngoài mục đích ấy ra, tiền còn lại không phải của tôi. Vì thế, tôi rất ghét người nào nói rằng tôi tham lam, làm cho Hyundai lớn mạnh để tôi giàu có hơn".
Chung Ju Yung những năm tháng vật lộn trên công trường xây dựng.
Trong suốt cuộc đời mình, Chung Ju Yung luôn trăn trở với khát vọng hưng thịnh đất nước Hàn Quốc. Ông tâm niệm: "Khi doanh nghiệp còn nhỏ thì tài sản thuộc về cá nhân nhưng khi doanh nghiệp lớn lên thì tài sản trở thành của chung tất cả những người lao động, của đất nước, của xã hội. Với tôi chỉ có cái cửa hàng gạo ngày xưa là tài sản mà tôi có.
Người chủ doanh nghiệp chẳng qua là người được nhà nước và xã hội thuê quản lý doanh nghiệp. Chúng ta phải thay đổi nhận thức để hiểu rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của đất nước ngày đêm chiến đấu trên thị trường cạnh tranh thế giới nhằm thích ứng với nó và phát triển là đáng khen ngợi".
Ông nói rằng, với tất cả các dự án, doanh nghiệp của ông chỉ giữ lại 30% lợi nhuận để tạo thêm việc làm và tái đầu tư còn lại, dòng tiền sẽ đổ về chính phủ, làm giàu cho ngân sách đất nước. "Người khác cũng thèm muốn và ghen tị sự giàu có của tôi nhưng thực tế, tôi sống mà chẳng cảm giác mình là người giàu có".
Suốt đời mình, Chung Ju Jung sống vô cùng giản dị và tiết kiệm. Ông cũng luôn dặn dò công nhân, nhân viên của mình phải tiết kiệm, từ những bộ quần áo cho đến đồ ăn hàng ngày đều phải sử dụng hợp lý. Trong gia đình, ông cũng chỉ cho các con khoản tiền rất nhỏ để tiêu vặt.
Cả cuộc đời, Chung Ju Yung thực hành lối sống giản dị, tiết kiệm.
"Nhiều người nói rằng: "Số của Tổng giám đốc Chung Ju Yung thất là may mắn". Tôi nghĩ rằng con người ai cũng có cơ hội bình đẳng như nhau, Thượng Đế công bằng với tất cả mọi người. Cái vận số mà người ta hay gọi chính là "thời". Và chắc chắn là con người thì có "lúc thuận lợi, lúc không thuận lợi".
Tôi luôn cho rằng người nghĩ mình bất hạnh không bao giờ hạnh phúc, ngược lại những người trong khó khăn thử thách vẫn cho rằng đó là cơ hội tốt để phát triển thì cuộc đời luôn phát triển và sống hạnh phúc".
Những suy nghĩ ấy đã giúp ông không ngừng tiến về phía trước, nắm bắt thời cơ và làm việc không mệt mỏi. Nhìn lại cuộc đời mình, Chung Ju Yung không hề than trách số phận đã trao cho ông xuất thân là con nhà nông, phải kinh qua bao gian khó mới đến được thành công. Ngược lại, ông rất tự hào với quá khứ là một anh nông dân nghèo mạt kiếp, từng phải ăn cháo đậu và hạt dẻ sống qua ngày.
"Người ta yêu quý tôi có lẽ chính vì tôi xuất thân từ nông dân, chẳng có học hành gì vẫn thành công được và từ đó họ hy vọng họ cũng sẽ thành công giống như tôi. Tất cả mọi người đều xuất phát như nhau, tuy nhiên có người thành công, có người không, điều đó khác nhau ở quá trình nỗ lực và cách nhìn nhận về sự kết quả", Chung Ju Yung nói khi nhìn lại cuộc đời gian khổ, nổi trôi cùng vận nước Hàn Quốc của mình.
Đúng như tác giả Tonny Buổi Sáng từng nhận xét: "Mỗi các bạn văn minh giàu có, là dân tộc mình sẽ giàu có. Học thêm đi nhé. Làm thêm đi nhé. Thoát ra khỏi cuộc đời chật hẹp xe máy phố nhỏ ngõ nhỏ tâm hồn nhỏ... Hãy cháy hết mình, với mọi khả năng có thể của bạn"...
Nếu ai cũng được như thế, nếu ai cũng lo lắng cho vận mệnh dân tộc, không ngại thử thách và dám tin không gì là không thể như Chung Ju Yung, thì chắc chắn, ngày Việt Nam trở thành dân tộc dẫn dắt toàn cầu sẽ không còn bao xa.
Chúng ta không thể ngủ yên trong đời chật
Khi buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng
Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt
Gỗ trăm cây đều muốn hóa trên trầm
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt
Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng
Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
- Chế Lan Viên -
* Nội dung các bài viết được rút từ tự truyện "Không bao giờ là thất bại, Tất cả là thử thách" của người sáng tập Tập đoàn Hyundai Chung Ju Yung và nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là một trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để thay đổi nhận thức, thôi thúc khát vọng vươn lên làm giàu, cùng xây dựng đất nước hùng cường.
* Đón đọc bài cuối: 7 bài học sâu sắc rút ra từ cuộc đời người sáng lập Hyundai Chung Ju Yung