Thông điệp vũ trụ này do chính con người tạo ra. Cụ thể như thế nào?
Cho đến nay, loài người vẫn không ngừng tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh. Việc nhận được các tín hiệu lạ, mạnh từ không gian luôn hấp dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học. Tuy nhiên, lần này, tín hiệu mạnh này đến từ chính "bàn tay" của con người.
Tàu vũ trụ Psyche của NASA đang trên đường tới một tiểu hành tinh cùng tên, nhưng nó sẽ phải di chuyển liên tục đến năm 2028 mới đến đích. Trong khi chờ đợi, NASA đã sử dụng tàu Psyche để thử nghiệm một công nghệ mới có thể thay đổi cách con người giao tiếp với tàu vũ trụ.
Thí nghiệm Truyền thông quang học không gian sâu (DSOC) đã truyền thành công dữ liệu đến và từ Trái đất bằng tia laser, lập kỷ lục về thử nghiệm truyền thông quang học xa nhất từ trước đến nay.
Tia laser truyền đến Trái đất từ khoảng cách 16 triệu km. Ảnh: Internet
Trong cuộc trình diễn xa nhất từ trước đến nay của loại truyền thông quang học này, DSOC đã chiếu một tia laser cận hồng ngoại được mã hóa với dữ liệu thử nghiệm từ vị trí của nó trên tàu vũ trụ Psyche cách chúng ta khoảng 16 triệu km – gấp hơn 40 lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng – đến Kính viễn vọng Hale tại Đài quan sát Palomar của Caltech ở California, Mỹ.
Đây là khoảng cách xa nhất mà con người thực hiện được thông qua truyền thông quang học. Tính đến thời điểm hiện tại, tàu vũ trụ Psyche đang ở ngoài quỹ đạo của Mặt trăng.
Bộ thu phát laser có nắp vàng của DSOC trên tàu Psyche trong cơ sở Hoạt động Không gian Astrotech của NASA vào tháng 12/2022. Ảnh: NASA/Ben Smegelsky
Psyche đang thử nghiệm công nghệ này, nhưng nó không dựa vào hệ thống laser thử nghiệm cho mọi hoạt động liên lạc. Dữ liệu sứ mệnh của nó sẽ quay trở lại Trái đất thông qua Mạng không gian sâu truyền thống (DSN).
Prasun Desai thuộc Ban Giám đốc Sứ mệnh Công nghệ Vũ trụ (STMD) tại NASA cho biết: "Đi cùng tàu Psyche là một nền tảng lý tưởng (ý chỉ DSOC) để thể hiện mục tiêu liên lạc quang học của NASA nhằm đưa dữ liệu băng thông cao vào không gian sâu".
Đây chỉ là sự khởi đầu. NASA tin rằng liên lạc bằng laser có thể rất quan trọng đối với các kế hoạch khám phá sao Hỏa trong tương lai với các sứ mệnh có phi hành đoàn. Vì vậy, DSOC được thiết kế để hoạt động trên quỹ đạo của sao Hỏa, và thật tình cờ là Psyche sẽ thực hiện một chuyến bay ngang qua sao Hỏa trong hành trình đến vành đai tiểu hành tinh.
Khi tàu vũ trụ tiếp tục tiến về phía bên ngoài Hệ Mặt trời, NASA sẽ sử dụng những gì thu được từ thử nghiệm quang học đầu tiên để bắt đầu chứng minh khả năng truyền băng thông cao đến và đi từ tàu Psyche. NASA tin rằng DSOC có thể hỗ trợ tốc độ truyền nhanh hơn từ 10 đến 100 lần so với các hệ thống tần số vô tuyến tốt nhất hiện nay.
Ngày nay, tất cả các sứ mệnh không gian sâu của NASA vẫn giữ liên lạc với Trái đất thông qua Mạng không gian sâu (DSN), một tập hợp ăng-ten phản xạ parabol tần số vô tuyến trải khắp toàn cầu.
DSOC dựa vào tia laser cận hồng ngoại để truyền dữ liệu, có khả năng truyền nhiều dữ liệu hơn tín hiệu vô tuyến. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì công nghệ cáp quang là "xương sống" siêu nhanh của mọi hoạt động liên lạc trên mặt đất.
Nguồn: Extremetech