Mặt Trời vừa phát ra bừng sáng cấp độ X hay còn gọi là lửa Mặt Trời lớn nhất trong vòng 12 năm trở lại đây, cũng là vụ nổ lớn nhất trong hệ Mặt Trời của chúng ta, Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian (SWPC) cho biết.
Bừng sáng đầu tiên xuất hiện vào 5h10 buổi sáng ngày 6/9/2017 mang ký hiệu X2.2 và chỉ sau đó không lâu (8h03) một bừng sáng cực lớn X9.3 được phát hiện, có lượng plasma lớn gấp 10 lần kích thước Trái Đất.
Vụ nổ cực lớn ở bề mặt Mặt Trời. Ảnh NASA.
Nếu như X2.2 có độ lớn lớn nhất kể từ năm 2015 thì X9.3 là vụ nổ lớn nhất được ghi nhận kể từ năm 2006 (X9.0), cả hai đều xảy ra ở khu vực có tên gọi là AR 2673, tại đây vài ngày trước cũng từng xuất hiện bừng sáng thuộc cấp M (M - class).
Các nhà khoa học dự đoán tốc độ của các đợt phun trào này đạt tới vận tốc 1.700 đến 1.800 km/s!
Ánh sáng rất lớn có thể dễ dàng thấy được. Ảnh NASA.
Chu kỳ Mặt Trời thường xảy ra với chu kỳ 11 năm, bắt đầu từ năm 2008 thì vệt đen Mặt Trời hoạt động khá bình lặng cho tới thời gian gần đây. Khi các vụ nổ đột ngột xảy ra ở bề mặt Mặt Trời sẽ giải phóng nguồn năng lượng cực lớn và phải mất hàng tiếng sau vụ nổ mới tàn lụi.
Giống như thang đo động đất là Richter, các vụ nổ trên Mặt Trời cũng được đo lường tương tự với các cấp độ là A (nhỏ nhất) rồi lần lượt đến B, C, M, X.
Trong đó, độ lớn của cấp độ sau gấp 10 lần độ lớn của cấp độ trước nó. Ví dụ: Một vụ nổ cấp B sẽ có độ lớn gấp 10 lần cấp độ A, cấp độ X gấp 10 lần cấp độ M và gấp 100 lần cấp độ C (điều này cũng giống với thang đọ độ Richter).
Không chỉ giải phóng nhiệt, phóng xạ và năng lượng, sự hoạt động này sẽ gây ra các cơn bão Mặt Trời với các hạt mang điện có năng lượng cực lớn được phóng ra với tốc độ 1 triệu km/h, sau đó mất gần 24 tiếng để tới được Trái Đất.
Kèm theo đó là hàng loạt các hiện tượng liên quan như bão lửa, tai lửa, bão từ, gió Mặt Trời và cực quang trên Trái Đất. Ngoài ra, vụ nổ còn có thể gây ra sự một đám mây plasma năng lượng lớn có tên CME (coronal mass ejection).
Nhà khoa học không gian của SWPC, Rob Steenburgh cho hay: "Vụ nổ còn kèm theo sự bức xạ sóng radio mà chúng tôi cho rằng có thể sẽ có một CME được hình thành sau đó".
"Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chờ cho đến khi có thể chụp được những hình ảnh của sự kiện này để có một câu trả lời chắc chắn".
Hiện các nhà khoa học vẫn tiếp tục theo dõi hoạt động của Mặt Trời thông qua công nghệ Coronagraph (Kính thiên văn để nhìn tán mặt trời - được phát triển từ những năm 1930 nhằm nghiên cứu lớp vỏ của Mặt Trời) mang tên SOHO/LASCO.
Hậu quả mà vụ nổ tại Mặt Trời có thể gây ra là những hạt mang điện tích có năng lượng cực lớn sẽ làm tê liệt, thậm chí phá hỏng hệ thống liên lạc vô tuyến, hệ thống định vị GPS và các hệ thống liên lạc của hải quân hay trên các vệ tinh.
Ngoài ra, cơn bão điện từ còn tác động tới trường điện từ của Trái Đất và gây mất điện hay gây nguy hiểm tới các phi hành gia, những thiết bị cảm biến của NASA...
Bài viết được dịch từ các nguồn: Sciencealert, Nasa.gov, Spaceweatherlive.com.