Cuối tháng 3/2023, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố một báo cáo dài 20 trang, chắt lọc tài liệu khoa học của gần 10 năm nhằm cảnh báo nguy cơ hiện hữu của tình trạng ấm lên toàn cầu, cũng như đề xuất những giải pháp đối với vấn đề này. Báo cáo trình bày chi tiết về các biến đổi đã được dự báo và quan sát được trong hệ thống khí hậu của Trái đất, các tác động trong quá khứ lẫn tương lai, và các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm khí thải carbon.
Trái đất nóng lên, khô hạn xảy ra nhiều nơi trên thế giới.Nguồn: Earth.org.
Trái đất sẽ ra sao nếu nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C?
Đây là báo cáo tổng hợp thứ 6 của IPCC kể từ khi cơ quan này được thành lập vào năm 1988, mỗi báo cáo toàn diện cần khoảng 6 đến 8 năm để biên soạn, với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học nhiều nước trên thế giới. Qua từng báo cáo có thể thấy tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng tăng về quy mô và mức độ khẩn cấp.
Ông Ruben Del Campo - phát ngôn Cơ quan Khí tượng quốc gia Tây Ban Nha, người tham gia vào báo cáo mới nhất của IPCC nói: "BĐKH đang tiếp diễn. Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng cho thấy Trái đất đang nóng lên. Tây Ban Nha và tây nam châu Âu là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi vì các đợt nắng nóng ở khu vực địa lý này của Trái đất diễn ra thường xuyên hơn, tần suất gia tăng nhanh hơn so với các khu vực khác".
Ông R.Campo còn nêu dẫn chứng về một dấu hiệu rõ rệt khác của sự nóng lên toàn cầu là sự tan chảy của băng ở các vùng cực. Mới đây, một tảng băng có kích thước bằng thủ đô London của Anh đã bị nứt vỡ và tách khỏi Nam Cực. “Các tảng băng trôi khổng lồ không chỉ làm mực nước biển tăng, mà còn tác động đến hệ sinh thái ở vùng nước nông hơn” - ông R.Campo nói.
Tương tự, giáo sư Geraint Tarling thuộc Chương trình Khảo sát Nam Cực nhấn mạnh, băng tan đang làm tăng một lượng lớn nước ngọt khổng lồ làm thay đổi các điều kiện hải dương học. Điều đó tác động xấu đến khả năng phát triển và sự sinh tồn của các loài sinh vật biển.
Trung tâm Dữ liệu băng và tuyết quốc gia Mỹ cho biết, dải băng Greenland đã mất khoảng 6 tỉ tấn nước mỗi ngày trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 17/7/2022, đủ để lấp đầy 7,2 triệu bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Nếu toàn bộ dải băng này tan chảy thì mực nước biển toàn cầu có thể tăng thêm hơn 6 mét, đe dọa nhấn chìm nhiều khu vực ven biển và các đảo.
Theo ông Hans Otto Portner - đồng Chủ tịch Nhóm công tác thực hiện Báo cáo (thứ 6) của LHQ về BĐKH, những gì chúng ta đang thấy là một khoảng cách lớn trong việc thực hiện hành động khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Vậy, liệu Trái đất có còn bình yên hay không khi nhiệt độ tăng thêm quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp (cuối thế kỷ 19)?
Còn bà Debra Roberts - cũng thuộc nhóm công tác thực hiện báo cáo của LHQ nói: “Chúng ta đang sống trong một thế giới khó khăn, một thế giới đầy thách thức về BĐKH”. Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng thế giới đang ở ngã ba đường và hành tinh của chúng ta đang bị đe dọa. “Chúng ta đang tiến gần đến điểm không thể quay đầu, vượt quá giới hạn quốc tế đã thống nhất đối với sự nóng lên toàn cầu là 1,5 độ C”.
Kỳ báo cáo tiếp theo của IPCC sớm nhất cũng phải vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa báo cáo lần này là báo cáo tổng hợp cuối cùng của IPCC trong thập niên then chốt để có thể khống chế mức tăng của nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5 độ C như mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Nhiều chuyên gia cho rằng nên rút ngắn chu kỳ báo cáo để các nhà hoạch định chính sách có thể nhận được khuyến nghị khoa học rõ ràng hơn. Một câu hỏi ngày càng cấp bách cũng được đặt ra cho các nhà nghiên cứu là phải làm gì nếu nhiệt độ toàn cầu tăng quá mức 1,5 độ C.
Một vụ cháy rừng ở New South Wales, Australia. Nguồn: AP.
Mức độ khẩn cấp cần hành động
Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP27) tổ chức tại Sharm El-Sheikh (Ai Cập) với sự tham dự của các phái đoàn đến từ gần 200 nước, hơn 120 nguyên thủ quốc gia và hơn 40.000 đại biểu khác; tổ chức cuối năm 2022 nhưng đáng tiếc cũng không thu được nhiều kết quả trong việc kiềm chế sự nóng lên của Trái đất.
Báo cáo của LHQ tại COP27 cảnh báo khí hậu sẽ khắc nghiệt hơn gấp 4 lần vào năm 2100 kể cả khi nhiệt độ bề mặt trái đất chỉ tăng thêm 1,5 độ C. Nếu nhiệt độ trái đất tăng lên 2 độ C, số trận bão, lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng gấp 5 lần. Hiện nay, ít nhất 3,3 tỷ người đang sống trong vùng nguy hiểm do tác động của BĐKH và có nguy cơ tử vong vì thời tiết cực đoan cao hơn 15 lần. Báo cáo cũng chỉ ra rằng khoảng 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C. Con số này có thể tăng lên 18% và 29% nếu nhiệt độ tăng lần lượt là 2 độ C và 3 độ C. Và chỉ cần nhiệt độ ấm lên khoảng 0,9 độ C thì 35% diện tích đất trên Trái đất sẽ bị các đám cháy rừng tàn phá.
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2022, ước tính số người tử vong trên toàn cầu do nắng nóng lên tới 15.000 người. Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) nhận định, tới năm 2100, số người chết do BĐKH có thể tăng gần gấp đôi tỷ lệ tử vong hàng năm do tất cả các bệnh ung thư và gấp 10 lần số ca tử vong do giao thông đường bộ hàng năm (so với năm 2022).
Trong bối cảnh BĐKH đã và đang diễn ra nhanh chóng với nhiều hậu quả nghiêm trọng thì COP27 với một chương trình nghị sự dày đặc cũng không giải quyết được vấn đề. Ông Sameh Shoukry - Chủ tịch COP 27, kêu gọi các quốc gia cùng nhau giải quyết các vấn đề mới về năng lượng, lương thực và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi năng lượng. Các vấn đề này cần được giải quyết đồng loạt, nhanh chóng và không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến các cam kết, hoạt động ứng phó với BĐKH toàn cầu hiện nay.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres một lần nữa nhấn mạnh Trái đất đang tiến nhanh đến tình trạng “hỗn loạn khí hậu” không thể đảo ngược. Trong tất cả các cuộc thảo luận tại COP27, ông Guterres liên tục kêu gọi các bên cần nhận thức rõ về mức độ khẩn cấp cần hành động ở thời điểm này và thống nhất các giải pháp thực sự để giải quyết thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt.
Trong khi đó, ông Simon Stiell - Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC), nhấn mạnh: Các nhà lãnh đạo - dù là Tổng thống, Thủ tướng hay các tổng giám đốc doanh nghiệp, đều sẽ phải chịu trách nhiệm về những lời hứa mà họ đã đưa ra về việc cùng nhau chống BĐKH. Phải có trách nhiệm bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà BĐKH gây ra cho nhóm nước đang phát triển và kém phát triển.
“Chúng ta lại phải chờ đợi tới tháng 11/2023 khi COP28 dự kiến diễn ra tại UAE, xem các nước giàu thực hiện lời hứa tới đâu”- ông S.Stiell nói.
Bây giờ hoặc không bao giờ
Cùng với hội nghị chống BĐKH (COP) thì hội nghị về nước LHQ 2023 diễn ra từ ngày 22 đến 24/3 đã cảnh báo về một mối nguy tiềm tàng: Đó là nếu không hành động đúng đắn thì sẽ xảy ra xung đột về nước. Hội nghị với 5 chủ đề đối thoại chính: Nước cho sức khỏe; Nước vì sự phát triển bền vững; Nước đối với khí hậu, phục hồi và môi trường; Nước đối với sự hợp tác; và Thập kỷ hành động nước.
Với 6.500 khách mời tham dự, trong đó có hàng trăm bộ trưởng và hàng chục lãnh đạo nhà nước, hội nghị đã đề xuất các chương trình bảo vệ nguồn nước nhằm đảo ngược xu hướng khan hiếm nước và giúp thế giới đạt được mục tiêu tiếp cận nước và hệ thống lọc nước cho tất cả mọi người vào năm 2030.
Sau 3 ngày làm việc, Hội nghị về nước LHQ 2023 bế mạc với tuyên bố cần ngăn chặn các cuộc khủng hoảng nước và sử dụng nguồn tài nguyên này bền vững là vấn đề sống còn đối với nhân loại; hãy khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý báu này cho thế giới ngày nay và các thế hệ tương lai.
Ngay sau đó, Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã hoan nghênh khi cho rằng hồi chuông cảnh báo về cuộc khủng hoảng nước trên thế giới đã được gióng lên khẩn thiết. “Thế giới thấy rằng phải đoàn kết cùng hành động để đảo ngược những thất bại trong hàng thập niên qua liên quan đến các hành động về nước và sự hủy hoại hệ sinh thái nước ngọt” - tuyên bố của WWF. Tuy nhiên, WWF cho rằng các cam kết chỉ có giá trị khi biến thành hành động thực tế.
Thống kê cho thấy, hiện có 2,3 tỉ người (trong số 8 tỉ người) đang sinh sống tại các quốc gia nơi nguồn nước còn hạn chế, trong đó hơn 733 triệu người (xấp xỉ 10% dân số toàn cầu) sống ở các quốc gia có tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. “Đó là lý do tại sao nước cần phải là trung tâm chú ý của tất cả các quốc gia” - Tổng thư ký LHQ Guterres nhấn mạnh và cho rằng cần thực hiện các hành động hướng tới tương lai như phát triển các hệ thống lương thực thay thế mới để giảm việc sử dụng nước không bền vững trong nông nghiệp, đồng thời đề nghị bổ nhiệm một Đặc phái viên về nước trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào tháng 9 tới.
Hội nghị về nước LHQ 2023 là hội nghị đầu tiên về an ninh nguồn nước trong gần nửa thế kỷ. Một bình luận của Reuters, "chúng ta đang rút cạn nguồn sống của nhân loại thông qua việc tiêu thụ quá mức và sử dụng không bền vững nguồn nước như ma cà rồng, đồng thời làm nước bốc hơi do sự nóng lên toàn cầu".
AFP dẫn lời ông Richard Connor - tác giả chính của báo cáo về nước của LHQ, rằng nếu không có gì được thực hiện, sẽ tiếp tục có từ 40% đến 50% dân số thế giới không được tiếp cận với hệ thống vệ sinh và khoảng 20-25% thế giới sẽ không được tiếp cận với nguồn cung cấp nước an toàn. Sự thiếu hụt nguồn nước sạch sẽ gây ra tác động đáng kể nhất đối với người nghèo. “Bất kể bạn ở nơi nào, nếu bạn đủ giàu có thì bạn sẽ xoay sở để có được nước. Nhưng điều đó với người nghèo thì không”.
Đảm bảo người dân được tiếp cận với nguồn nước uống sạch và điều kiện vệ sinh nằm trong danh sách 17 việc cần làm mà LHQ đặt ra để phát triển bền vững. Tuy nhiên hội nghị về nước của LHQ không nhằm mục tiêu đi đến những thỏa thuận ràng buộc như Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, hoặc một khuôn khổ giống như được thiết lập để bảo vệ thiên nhiên ở Montreal vào năm 2022. Thay vào đó, mục tiêu của hội nghị là tạo ra chương trình hành động vì nguồn nước, bao gồm các cam kết tự nguyện.
Trước khi hội nghị khai mạc đã có hàng trăm kế hoạch hành động gửi tới LHQ. Nhóm nghiên cứu của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) cho biết, mặc dù "một số cam kết mang lại nguồn cảm hứng, nhưng nhiều cam kết khác lại không giải quyết được vấn đề khi thiếu cam kết tài trợ”. Reuters dẫn lời ông Henk Ovink - Đặc phái viên Hà Lan về nước tại LHQ, kêu gọi: “Chúng ta phải hành động ngay vì tình trạng mất an ninh nguồn nước đang làm suy yếu an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh năng lượng hoặc phát triển đô thị và các vấn đề xã hội. Hành động phải thực tế chứ không dừng lại ở những cam kết mĩ miều. Bây giờ hoặc không bao giờ”.
Ông H.Ovink cũng bày tỏ lo ngại một thực tế, đó là các quốc gia đầu nguồn những dòng sông đã xây dựng quá nhiều đập thủy điện, hồ chứa nước khiến lượng nước về hạ du ngày một ít. “Có những vùng đất phì nhiêu rộng lớn đã biến mất, trở thành hoang mạc chỉ vì nước từ thượng nguồn đã bị giữ lại” - vị chuyên gia nói.
Ngay từ năm 2002, Viện sĩ người Nga Abalkin đã khẳng định, trên thế giới có tới gần 2.000 điểm có nguy cơ bùng nổ cuộc chiến vì nước sạch. Nhiều cảnh báo của các tổ chức quốc tế cho rằng, sau năm 2022, việc sử dụng nước làm vũ khí chiến tranh hoặc công cụ của chủ nghĩa khủng bố sẽ cao hơn 40% so với hiện nay, đặc biệt là ở Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi - những nơi thiếu nước trầm trọng.
Cạnh tranh, giành giật nguồn nước ngọt xuyên quốc gia cũng là một thực trạng ở châu Á, nơi trữ lượng nước ngọt bình quân tính theo đầu người thấp nhất so với các châu lục khác. Cuộc đua giành nguồn nước ngọt ở châu lục này đang gây sức ép lên lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, tàn phá hệ sinh thái, đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định trong dài hạn tại đây.
Báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ về an ninh nước sạch cũng nhận định rằng thiếu nước ngọt có thể gây ra bất ổn toàn cầu và xung đột vũ trang đáng kể trong các thập niên tới. Các cuộc giao tranh vì nguồn dự trữ nước đã bắt đầu manh nha.
Tới nay, lượng nước trên Trái đất vẫn tương đối ổn định (1.386 tỷ km3 nước), nhưng trong đó chỉ có 3% là nước ngọt. Tuy nhiên, BĐKH đang làm biến đổi vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên. Trong bài viết “Thế giới đối diện với bóng ma về các cuộc chiến tranh do nước”, tờ Le Figaro trích dẫn các chuyên gia, theo đó nhu cầu tiêu dùng nước của con người, thực vật và động vật nay dường như đang vượt quá lượng nước sẵn có trong tự nhiên.
Diane D’Arras - Chủ tịch Hiệp hội Nước quốc tế (IWA) nhiệm kỳ 2016-2021 được dẫn lời cho biết: “Những quốc gia không trong tình trạng căng thẳng về nước thì không có gì phải lo lắng nhiều. Trái lại, ở những nơi vốn đã khan hiếm nước, thì việc thiếu nước trở thành một chủ đề rất nhạy cảm, dễ làm nảy sinh xung đột”.
Trên phạm vi toàn cầu, tính từ năm 1980 tới nay, cứ sau mỗi năm, lượng nước thế giới tiêu thụ lại tăng 1%. Đến năm 2050, nhu cầu nước toàn cầu dự kiến sẽ tăng 20%. Theo báo cáo của LHQ, hơn 2 tỉ người sống ở những quốc gia mà lượng nước được sử dụng nhiều hơn lượng nước có sẵn trong tự nhiên. Abou Amani - Giám đốc phụ trách mảng khoa học về nước tại UNESCO, nhận định: “Các nguồn nước sẽ bị phân bổ ngày một chênh lệch. Nhu cầu nước tăng sẽ ngày càng tạo ra áp lực về nguồn nước và thật không may, các căng thẳng chỉ ngày càng gia tăng”.
Giáo sư Petteri Taalas - Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới.
Ngày Khí tượng thế giới (23/3) năm nay có chủ đề "Thời tiết, khí hậu và nước - Tương lai qua các thế hệ", nhằm phản ánh các vấn đề về biến đổi khí hậu, thời tiết, nhiệt độ và tài nguyên nước đang diễn ra phổ biến và dữ dội trên thế giới.
Trong thông điệp về Ngày Khí tượng thế giới 2023, giáo sư Petteri Taalas - Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhấn mạnh chúng ta đang sống trong một bối cảnh đặc biệt. Suốt 150 năm qua, các cơ quan khí tượng thủy văn đã thu thập và chuẩn hóa dữ liệu làm cơ sở cho dự báo thời tiết mà chúng ta đang thụ hưởng. "Mong muốn của tôi là tất cả các thành viên trong WMO cuối cùng sẽ sẵn sàng với thay đổi thời tiết, ứng phó thông minh với khí hậu và quản lý nước thông minh. Đây là điều cần thiết để giảm rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các cơ quan khí tượng thuỷ văn quốc gia phải có khả năng cung cấp các dịch vụ chính xác và kịp thời cho tất cả các sự kiện từ thời điểm hiện tại đến dự báo thời tiết theo mùa và dự báo khí hậu trong tương lai và cho tất cả mọi người; tất cả các cá nhân cho đến các cộng đồng đều phải được thụ hưởng điều đó. Khả năng chống chọi của xã hội đối với các sự kiện thời tiết và khí hậu cực đoan phải được xây dựng dựa trên những tiến bộ trong khoa học và công nghệ dự báo. Cảnh báo sớm là một yếu tố chính trong giảm nguy cơ thiên tai. Nó có thể ngăn ngừa thiệt hại về mạng sống và làm giảm tác động kinh tế và vật chất của các sự kiện nguy hiểm, bao gồm cả thiên tai. Giảm thiểu được rủi ro thiên tai, chúng ta mới có thể xây dựng được một thế giới chúng ta mong muốn" - ông Petteri Taalas nói.