Trái Đất đang "há miệng", sẽ nuốt chửng Đại Tây Dương

Anh Thư |

Trong vài chục triệu năm tới, Đại Tây Dương sẽ xuất hiện một vành đai lửa.

Theo Live Science, một nghiên cứu mới cho thấy một đới hút chìm từ lâu đã ngủ yên bên dưới eo biển Gibraltar - một eo biển hẹp nối liền Địa Trung Hải với Đại Tây Dương - đang có dấu hiệu sống dậy, di chuyển dần về phía Tây.

Trái Đất đang

Một đới hút chìm lớn có thể góp phần nuốt mất Đại Tây Dương - Ảnh: CIRES & NOAA/NCEI

Đới hút chìm này - còn gọi là vòng cung Gibraltar hoặc rãnh Gibraltar - đang ẩn mình trong một hành lang đại dương hẹp giữa Bồ Đào Nha và Morocco.

Cuộc "di cư" về phía Tây của nó chỉ mới bắt đầu khoảng 30 triệu năm trước rồi đình trệ 5 triệu năm qua.

Nhưng các dữ liệu mới mà nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi PGS João Duarte từ Đại học Lisbon (Bồ Đào Nha) cho thấy đới hút chìm Gibraltar có thể chỉ đang tạm "chợp mắt" và sẽ sớm thức dậy.

Trong vòng 20 triệu năm tới, nó sẽ xâm nhập vào Đại Tây Dương. Một Vành đai lửa Đại Tây Dương cũng sẽ được hình thành từ đó, khi nó kết hợp với các đới hút chìm Lesser Antilles ở Caribe và Vòng cung Scotia gần Nam Cực.

Giống như những gì xảy ra ở vành đai lử Thái Bình Dương, hệ thống này sẽ khiến Đại Tây Dương dần bị thu hẹp lại do chui dần vào lòng Trái Đất.

Vài trăm triệu năm sau, có thể Đại Tây Dương và cả Thái Bình Dương không còn tồn tại. Thay vào đó, ở các nơi khác, Trái Đất sẽ "nhả" ra các đại dương mới.

Quá trình này là một phần của quá trình lớn hơn, bao trùm, gọi là "kiến tạo mảng". Quá trình lớn này khiến các lục địa và đại dương trên hành tinh dần sáp nhập thành 1 rồi lại phân tách.

Đó là do các mảng kiến tạo, tức các mảnh vỏ địa cầu, không ngừng di chuyển và trượt đè lên nhau, cõng theo lục địa hoặc đại dương bên trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại