Trái đất đã tồn tại được hàng tỉ năm, trong khi lịch sử của con người chỉ là một phần siêu nhỏ trong số đó. Cũng vì vậy mà ngay cả với khoa học công nghệ hiện đại như ngày nay, hiểu biết của chúng ta về hành tinh Xanh vẫn là rất ít ỏi.
Như nghiên cứu mới đây chẳng hạn, các nhà khoa học bỗng nhận ra Trái đất đã có một hành vi thực sự kỳ dị liên quan đến quỹ đạo.
Các chuyên gia từ lâu đã cảm thấy nghi ngờ rằng quỹ đạo của Trái đất đang dần thay đổi, với tốc độ cực kỳ chậm. Nhưng phải đến nghiên cứu của các chuyên gia từ ĐH Columbia (Mỹ), điều này mới được xác nhận.
Và quan trọng hơn, các bằng chứng đá cổ còn cho thấy rằng hành vi kỳ lạ ấy đã tồn tại từ cách đây cả trăm triệu năm về trước rồi.
Cụ thể, các chuyên gia cho biết quỹ đạo Trái đất gần như là một đường tròn, nhưng giờ đây nó đã dịch chuyển khoảng 5% về hình elip. Nguyên nhân là do chu kỳ tác động của lực hấp dẫn giữa Trái đất, sao Kim và sao Mộc. Và nguồn gốc của nó bắt nguồn từ cuối kỷ Triat khoảng 215 triệu năm trước.
Với phát hiện lần này, mọi mô hình về khí hậu Trái đất trong quá khứ sẽ phải thay đổi. Và thậm chí, nó còn ảnh hưởng đến quá trình ra đời của khủng long nữa.
Rất có thể, những biến đổi về khí hậu thời kỳ đó nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng, và vô tình tạo ra một nền tảng phù hợp để loài bò sát khổng lồ thống trị mặt đất.
Thời kỳ thịnh vượng của khủng long có thể chính là nhờ chu kỳ lạ thường của Trái đất
"Các chu kỳ ảnh hưởng về lực hấp dẫn lên Trái đất rất khó theo dõi, vì chúng thay đổi qua thời gian" - trích lời Dennis Kent, tác giả của nghiên cứu. "Nhưng chu kỳ lần này là độc nhất, và nó không đổi. Mọi hành tinh trong chu kỳ đều di chuyển theo đó."
Chu kỳ chuyển động của Trái đất lần này tên là Milankovitch - được đặt theo nhà toán học người Serbia vào năm 1920. Trong chu kỳ Milankovitch, có chu kỳ kéo dài từ 100.000 đến 410.000 năm ảnh hưởng đến quỹ đạo, có chu kỳ 41.000 năm lên độ nghiêng, và chu kỳ 21.000 năm đối với trục quay của Trái đất.
Tổ hợp những chu kỳ ấy có thể gây ảnh hưởng lên khí hậu, vì nó quyết định năng lượng Bắc bán cầu nhận được từ Mặt trời. Khí hậu toàn cầu có thể thay đổi vì nó.
Hiện tại, quỹ đạo của Trái đất đang gần đi hết chu kỳ 405.000 năm, và hệ quả là khí hậu có phần nóng lên. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu thì vẫn nằm ở con người, và lượng khí nhà kính khổng lồ chúng ta thải ra mỗi năm.
Nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia (Mỹ).
Tham khảo: IFL Science, BBC...