Trái Đất có thêm một thế giới "địa ngục" hoàn toàn mới?

Thu Anh |

Đó là một thế giới hình cầu bằng sắt và niken, cực nóng, đường kính 1.350 km và nằm ở nơi xa người Trái Đất nhất.

Nghiên cứu mới, vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications, đã chỉ ra thêm một lớp hoàn toàn mới của Trái Đất.

Các hiểu biết khoa học trước đây cho rằng cấu trúc địa cầu từ ngoài vào trong gồm có: Lớp vỏ, lớp phủ (có thể chia thành lớp phủ trên và lớp phủ dưới), lõi ngoài, lõi trong.

Trái Đất có thêm một thế giới địa ngục hoàn toàn mới? - Ảnh 1.

Khối cầu "địa ngục" nóng bỏng nằm sâu nhất bên trong lòng Trái Đất thật sự còn có một lớp nhân? - Ảnh: SCITECH DAILY

Thế nhưng công trình mới dẫn đầu bởi hai nhà địa chấn học của Đại học Harvard là Harvard Miaki Ishii và Adam Dziewonski cho thấy lõi trong, vốn được cho là phần sâu thẳm nhất của hành tinh với bề ngang khoảng 2.400 km, còn chứa bên trong nó một "nhân" nhỏ hơn, là một quả cầu rắn bằng sắt - niken đường kính khoảng 1.350 km.

Cấu trúc được phát hiện thông qua những sóng địa chấn đặc biệt mà các nhà nghiên cứu đã thu thập được.

Họ đã biết rằng tốc độ của sóng địa chấn truyền qua lõi Trái Đất thay đổi tùy theo hướng. Sóng truyền đi nhanh nhất khi đi từ cực này sang cực khác dọc theo trục của Trái đất và chậm nhất khi truyền đi vuông góc với trục. Các nhà địa vật lý tin rằng sự khác biệt về tốc độ phát sinh từ sự sắp xếp thẳng hàng của các tinh thể sắt trong lõi bên trong.

Nhưng tại một khu vực nhỏ ở trung tâm, những con sóng chậm nhất là những con sóng di chuyển ở góc 45 độ so với trục thay vì 90 độ, cho thấy sự tồn tại của một cái gì đó không đồng nhất với toàn bộ hình cầu gọi là "lõi trong".

“Chúng tôi đã xử lý 200 sự kiện và phát hiện ra rằng 16 sự kiện trong số đó có những đợt sóng dạng này" - các nhà khoa học cho biết.

Trong đó, một trận động đất xảy ra ở Quần đảo Solomon vào năm 2017 đã khiến các sóng địa chấn truyền qua lõi trong cùng 5 lần đã được phát hiện bởi máy đo địa chấn tình cờ được đặt ở phía bên kia của hành tinh.

Nói với The New York Times, Giáo sư vật lý Vernon Cormier từ Đại học Connecticut (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu, nhận định các phát hiện có thể chỉ ra một số thay đổi trong quá khứ xa xưa của Trái Đất.

Tiến sĩ Cormier cho biết lõi bên trong còn khá trẻ, về mặt địa chất - ước tính nằm trong khoảng từ 600 triệu đến 1 tỉ năm. Đó là một phần nhỏ trong lịch sử 4,5 tỷ năm của hành tinh và cấu trúc của lõi rắn có vẻ phức tạp. Điều này có nghĩa hình cầu bí ẩn nói trên có thể cũng được Trái Đất sinh ra trong giai đoạn muộn này và là một trong những bằng chứng cho thấy hành tinh của chúng ta vẫn không ngừng tiến hóa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại