Trái Đất có thể vượt qua mốc 1,5 độ C vào năm 2026, các chuyên gia lo ngại ‘kịch bản’ khác

Minh Hằng |

Đây là cảnh báo được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đưa ra đối với nguy cơ mà Trái Đất phải đối mặt với ‘thảm kịch’ biến đổi khí hậu.

Theo đó, WMO mới đây đưa ra cảnh báo rằng, có 50% mức tăng nhiệt độ trung bình của cả thế giới sẽ đạt ngưỡng 1,5 độ C vào 5 năm tới (tức năm 2026) so với thời kỳ tiền công nghiệp.

1,5 độ C cũng chính là ngưỡng quan trọng mà các nhà khoa học đặt làm mức trần với nguy cơ Trái Đất sẽ phải đối mặt với một cuộc biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhiệt độ như vậy sẽ chỉ là tạm thời vào năm 2026, bởi các nhà nghiên cứu vẫn lo ngại về cách mà nhiệt độ đang hướng tới.

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các quốc gia cam kết sẽ hạn chế nhiệt độ gia tăng lên 2 độ và theo đuổi nỗ lực để giới hạn ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp để tránh những tác động nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu.

WMO cho biết, vào năm 2015, khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết, khả năng nhiệt độ tăng vượt quá mức 1,5 độ C là gần như bằng 0. Tuy nhiên, so với 7 năm trước, nghiên cứu của WMO đã cung cấp thêm các bằng chứng cho thấy tốc độ nóng lên của Trái Đất đang gia tăng ở mức đáng báo động.

WMO cho rằng, khả năng nhiệt độ trung bình vượt quá 1,5 độ C trong một thời gian ngắn đã gia tăng kể từ năm 2015. Các nhà khoa học ước tính về xác suất dẫn tới nhiệt độ toàn cầu tăng thêm là 20% và 40% vào năm 2021.

Cụ thể, thế giới đã hứng chịu lũ lụt, bão, sóng nhiệt và cháy rừng ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu vào năm 2021. Thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, mùa màng dự kiến sẽ có thiệt hại và các hệ thống quan trọng như rạn san hô cũng chịu tổn thất không nhỏ, cũng như làm thu hẹp lớp băng bao phủ ở Bắc Cực.

Đặc biệt, nếu nhiệt độ toàn cầu vượt ngưỡng 1,5 độ C thì cũng sẽ đe doạ đến một số quốc gia trên thế giới.

Trái Đất có thể vượt qua mốc 1,5 độ C vào năm 2026, các chuyên gia lo ngại ‘kịch bản’ khác - Ảnh 1.

Nhiệt độ Trái Đất có thể vượt qua mốc 1,5 độ C vào năm 2026. Ảnh: Istockphoto

Theo Tiến sĩ Leon Hermanson thuộc Cơ quan Khí tượng Anh (Met Office): "Các dự đoán khí hậu mới nhất của chúng tôi cho thấy rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, thậm chí có khả năng nền nhiệt của một trong những năm từ 2022 đến 2026 sẽ vượt quá 1,5 độ C so với mức ờ thời kỳ tiền công nghiệp".

Tiến sĩ Leon Hermanson cho biết thêm, một năm vượt ngưỡng 1,5 độ C không có nghĩa là chúng ta đã vi phạm ngưỡng mang tính biểu tượng của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Nhưng điều này cũng cho thấy rằng chúng ta đã tiến gần hơn đến tình huống mà mức nhiệt có thể vượt quá 1,5 độ C trong một thời gian dài.

Báo cáo tạm thời của WMO về Tình trạng Khí hậu toàn cầu chỉ ra rằng, vào năm 2021, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,1 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp. Theo đó, báo cáo cuối cùng của WMO sẽ chính thức được phát hành vào ngày 18/5.

Theo WMO và Met Office cảnh báo, từ nay đến năm 2026, có khoảng 48% khả năng nhiệt độ hàng năm của Trái Đất sẽ vượt mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tác động lớn do biến đổi khí hậu

Theo Met Office, Bắc Cực sẽ chịu gánh nặng của biến đổi khí hậu, vì sự ấm lên ở khu vực này dự kiến sẽ lớn hơn gấp 3 lần so với mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong mùa đông vào 5 năm tới.

Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết, nghiên cứu này cho thấy rằng, chúng ta đang tiến gần hơn đến việc tạm thời đạt được mục tiêu thấp hơn của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mức tăng 1,5 độ C không phải là con số thống kê ngẫu nhiên. Nó đúng hơn là một chỉ số về ngưỡng mà các tác động khí hậu sẽ ngày càng trở nên có hại cho con người và toàn bộ hành tinh.

"Chừng nào chúng ta tiếp tục thải ra khí nhà kính thì nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng", Giáo sư Petteri Taalas nhấn mạnh.

Trái Đất có thể vượt qua mốc 1,5 độ C vào năm 2026, các chuyên gia lo ngại ‘kịch bản’ khác - Ảnh 3.

Chuyên gia khí hậu cảnh báo nhiệt độ toàn cầu sắp đạt đến mốc 'nguy cơ'. Ảnh: Alamy

Ngoài ra, theo Giáo sư Petteri Taalas, việc nhiệt độ gia tăng cũng khiến các đại dương sẽ tiếp tục trở nên ấm hơn và có tính axit hơn; băng và sông băng sẽ tiếp tục tan chảy, mực nước biển sẽ tiếp tục dâng cao và thời tiết sẽ trở nên khắc nghiệt hơn.

Bên cạnh đó, hiện tượng La Niña cũng liên tiếp xảy ra vào đầu và cuối năm 2021 có tác động làm giảm nhiệt độ trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này chỉ là tạm thời và sẽ không làm đảo ngược được xu hướng ấm lên ở trên toàn thế giới trong dài hạn.

Nội dung chính của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là hạn chế tình trạng nóng lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C, đồng thời nỗ lực cho mục tiêu lớn hơn là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ông Maxx Dilley, Phó Giám đốc WMO cho biết, sự mất mát và thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra. Một số trong đó có khả năng không thể đảo ngược trong tương lai gần.

Trước đó, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết tuân theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 để ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu vượt qua ngưỡng 1,5 độ C trong dài hạn. Tuy nhiên, đến nay, các nước vẫn chưa thực hiện được việc cắt giảm lượng khí thải của mình, trong khi đây chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Trên thực tế, các hoạt động ngày nay và các chính sách hiện hành trên thế giới đang có xu hướng ấm lên khoảng 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này.

Bà Kim Cobb, chuyên gia khí hậu tại Học viện Công nghệ Georgia, cho biết: "Điều quan trọng cần nhớ là một khi chúng ta chạm ngưỡng 1,5 độ C, chúng ta sẽ phải chịu những tác động tồi tệ hơn khi nhiệt độ tiếp tục tăng dần lên 1,6 độ C, 1,7 độ C và sau đó còn tăng cao hơn nữa".

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland vào tháng 11/2021, có hơn 80% quốc gia nhất trí thông qua về các mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, trên thực tế hiện có rất ít hành động về chính sách nhằm thực hiện các mục tiêu này.

Tiến sĩ Andrew King, giảng viên Khoa học Khí hậu tại Đại học Melbourne, nhận định, báo cáo trên của WMO đã nêu bật được việc con người đang làm nóng hành tinh nhanh như thế nào.

"Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của chúng ta vẫn ở mức cao kỷ lục. Thậm chí cho đến khi lượng khí thải giảm xuống mức ròng bằng ‘0’, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự ấm lên toàn cầu" Tiến sĩ Andrew King cho biết.

Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), phát thải ròng bằng 0 là khi lượng phát thải CO2 do con người gây ra được cân bằng trên toàn cầu bằng cách tiến hành loại bỏ CO2 trong một khoảng thời gian nhất định. Hay nói một cách khác, phát thải ròng bằng 0 chính là cần cân bằng giữa lượng khí nhà kính mà con người đưa vào bầu khí quyển với lượng khí nhà kính thải ra khỏi bầu khí quyển.

Để đạt được trạng thái cân bằng này, chúng ta có thể sử dụng các công nghệ hoặc trồng cây để thu CO2 từ khí quyển.

Tiến sĩ Andrew King nhận định, trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hướng đến việc giữ cho Trái Đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C và tốt nhất là dưới 1,5 độ C trong thời gian dài. Khả năng vượt qua ngưỡng 1,5 độ C dù chỉ trong 1 năm cũng là rất đáng lo ngại.

Do đó, nếu không cố gắng giảm phát thải khí nhà kính, chúng ta sẽ phải đối mặt với những đợt nắng nóng và tình trạng cháy rừng tồi tệ hơn nhiều, cùng như việc các rạn san hô bị tàn phá đến mức không thể nhận ra.

Bob Ward, Giám đốc chính sách tại Viện nghiên cứu Grantham về biến đổi khí hậu và môi trường, nhận xét rằng, những dự báo này cho thấy rằng chúng ta đang ở rất gần giới hạn mà hầu hết các chuyên gia và chính phủ đã kết luận rằng rủi ro của những tác động sẽ ở mức cao không thể chấp nhận được.

Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy sẽ có thảm hoạ ngay lập tức trên toàn thế giới khi nhiệt độ toàn cầu đạt đến mốc 1,5 độ C, nhưng điều này có khả năng gây hại nhiều hơn cho nhiều quốc gia thông qua các hiện tượng cực đoan nghiêm trọng, chẳng hạn như lũ lụt và sóng nhiệt.

CO2 là một trong những khí nhà kính góp phần lớn nhất vào sự nóng lên toàn cầu. Sau khi khí CO2 được giải phóng vào bầu khí quyền, nó sẽ tồn tại trong bầu khí quyển và làm nóng Trái Đất trong nhiều thập kỷ. Trên thực tế, khí CO2 chủ yếu được thải ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ… Nồng độ CO2 hiện nay đã tăng tốc đáng kể do ô nhiễm mà con người gây ra.

Tại COP26, gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; hơn 100 quốc gia đã tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; hơn 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; hơn 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; hơn 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…

Bài viết tham khảo nguồn: WMO, Reuters, Dailymail, CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại