Bạn có thể thấy khó tin, nhưng hãy thử nhìn lại lịch sử phát triển của Trái đất mà xem. Ít nhất thì hành tinh có sự sống duy nhất trong vũ trụ cho đến thời điểm này đã từng trải qua 5 lần tuyệt chủng hàng loạt, xảy ra vào các kỷ Creta, Trias - Jura, Permi - Triat, Devon, và Ordovic - Silur.
Và thậm chí hiện tại, địa cầu cũng đang trong sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 - Kỷ Anthropocene. Nhưng Trái đất sẽ vẫn tiếp tục xanh. Chí ít, nó cũng xanh thêm cả tỷ năm kế tiếp, dù cái sự vĩnh hằng ấy không bao gồm cả nhân loại trong đó.
Ba thảm họa có khả năng thay đổi toàn diện bề mặt Trái đất
Trên thực tế, để hủy diệt sự sống trên Trái đất như chúng ta vẫn biết thì cũng không quá phức tạp đâu. Có đến 3 cách để làm điều đó.
Đầu tiên, đó là thiên thạch. Trái đất của chúng ta đã từng trải qua điều này trong Kỷ Phấn trắng. Giả sử bây giờ cũng có một tiểu hành tinh bay vào quỹ đạo của Trái đất, chuyện gì sẽ xảy ra?
Thiên thạch là một trong những thảm họa có thể hủy diệt Trái đất
Tất nhiên là nó sẽ lao xuống với vận tốc khủng khiếp và đâm sầm vào Trái đất, thổi tung lớp vỏ địa cầu. Lượng bụi đất văng ra không trung sẽ đủ dày để chắn toàn bộ ánh sáng Mặt trời. Không còn ánh nắng ấm áp, cả Trái đất sẽ đóng băng trong thời gian dài.
Thứ 2, đó là một vụ nổ siêu tân tinh (supernova) - khi một ngôi sao chết đi và phát nổ - xảy ra ở ngay cạnh Trái đất. Nhiệt lượng từ một vụ nổ như vậy có thể đạt 1044J, đủ để biến mọi thứ lân cận chìm trong biển lửa.
Hoặc Trái đất có thể bị đun sôi vì vụ nổ siêu tân tinh?
Và thảm họa cuối cùng là chớp gamma (gamma-ray burst) - cũng là những vụ nổ có năng lượng cực lớn, xảy ra cùng thời điểm với siêu tân tinh. Nó cũng đủ nóng để đốt cháy mặt đất, đun sôi đại dương, hủy hoại tầng ozone và tạo nên những đám mây acid hủy diệt hành tinh xanh của chúng ta.
Nhưng dù thế nào đi nữa, Trái đất tuyệt đối không thể vỡ tan
Chỉ là một hành tinh nằm trong Thái dương hệ, Trái đất tất nhiên cũng có khả năng bị một hành tinh cùng hệ tông trúng. Nhưng xin bạn cứ yên tâm. Dù có bị húc phải bởi một tiểu hành tinh to nặng gấp 1.000 lần thiên thạch đã hủy diệt loài khủng long trong Kỷ Phấn trắng đi chăng nữa, Trái đất cũng vẫn chưa thể vỡ.
Thực tế, Hệ mặt trời cũng chỉ có 19 tiểu hành tinh có thể tạm coi là lớn. Tuy nhiên, không hành tinh nào trong số chúng có quỹ đạo trùng với Trái đất. Khả năng địa cầu bị đụng trúng chỉ là 1/100.000 lần trong 1 tỷ năm.
Một vụ nổ siêu tân tinh hay nổ tia gamma gần thì không tưởng rồi. Chưa kể ngôi sao gần nhất, Proxima Centauri cũng cách Trái đất tới tận 4,25 năm ánh sáng. Nó lại quá nhỏ để trở thành siêu tân tinh.
Cứ cho là Proxima Centauri có biến thành siêu tân tinh đi nữa, nó giỏi lắm cũng chỉ tăng nhiệt độ đại dương lên cỡ... 0,1 độ C.
Và sự sống không thể biến mất
Sự thật là nếu Trái đất rơi vào thảm họa nào trong 3 thảm họa trên thì loài người chắc chắn diệt vong. Không chỉ loài người, mà động thực vật, nấm, địa y, rêu... cũng chung số phận.
Nhưng sự sống sẽ không biến mất, bởi vì chúng ta có loài gấu nước (tardigrade).
Đây chính là gấu nước
Điểm đặc biệt của một con gấu nước không nằm ở kích thước nhỏ bé chỉ vài micromet, hay vẻ ngoài nhăn nhúm, xấu xí của nó. Thứ nó mạnh nhất là khả năng trục xuất toàn bộ nước trong cơ thể khi cần thiết để bảo toàn sự sống.
Mọi sinh vật sống đều cần nước để sinh tồn, nhưng gấu nước thì khác. Dù cũng chỉ là một sinh vật sống trong nước, nhưng khi rơi vào tình trạng nguy kịch, chúng có thể thải sạch nước trong cơ thể rồi chuyển sang trạng thái ngủ đông.
Ở trạng thái này, gấu nước có thể chịu được điều kiện nhiệt độ lên tới 150 độ C. Bức xạ, dung môi độc hại, băng giá, thậm chí cả môi trường chân không... tất cả đều vô hiệu với loài gấu nước.
Một ngày nào đó Mặt trời nổ tung, đốt cháy Trái đất rồi tắt ngúm, thì đó là thời khắc cuối cùng của thái dương hệ này. Nhưng trước lúc đó, gần như chẳng thể có viễn cảnh nào khiến gấu nước diệt vong được cả.
Tadigrade có thể sống được trong môi trường chân không
Và điều quan trọng nhất là chỉ cần một sinh vật (ở đây là gấu nước) sống sót, một số vi khuẩn cũng sống sót theo. Sự sống sẽ lại hồi sinh, dù rằng có thể không chung lối với con đường nó đã từng.
Bởi thế nên, nếu như sự sống đã từng xuất hiện ở đâu đó ngoài Trái đất, xin bạn cứ yên tâm là nó vẫn còn ở đó. Luôn tìm thấy một con đường, đó mới là bản chất thật sự của sự sống.
Tham khảo: The Atlantic