Ông Võ Trung Thành (ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) được xem là "cha đẻ" của bưởi hồ lô. Mỗi dịp Tết, ông đều tung ra thị trường hàng ngàn sản phẩm độc đáo được tạo hình trên trái bưởi như: bưởi hồ lô tài - lộc, bưởi thỏi vàng… Thế nhưng, dịch Covid-19 đã khiến ông dừng ý định sản xuất cho thị trường Tết Nguyên đán.
"Khoảng tháng 4 hằng năm, tôi chọn thuê những vườn bưởi Năm Roi đẹp tại Vĩnh Long, Sóc Trăng để tạo hình nhưng năm nay, dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nơi áp dụng Chỉ thị 16 - "ai ở đâu ở yên đó". Vì vậy, năm nay tôi không làm bưởi hồ lô, chỉ trồng mãng cầu Thái" - ông Thành cho biết.
Ông Huỳnh Công Thống giảm sản lượng nho thân gỗ thành phẩm bán trong dịp Tết năm nay
Anh Huỳnh Thanh Tâm (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cũng không làm bưởi tạo hình như mọi năm. Năm nay, anh chỉ làm khoảng 300 trái in chữ theo đơn đặt hàng, sản lượng giảm đáng kể so với Tết năm ngoái.
Những năm qua, cam ruột đỏ "làm mưa làm gió" ở thị trường Tết Nguyên đán. Vào thời điểm Tết hằng năm, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 57.000-60.000 đồng/kg, giúp nhà vườn thu lãi đậm. Anh Huỳnh Hoàng Sơn (ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) là một trong những người tiên phong trồng loại cam này. Năm nay mọi chuyện đã khác vì dịch bệnh. Anh đã đốn vườn cam ruột đỏ để trồng chanh không hạt.
"Trước kia, các thành viên Tổ hợp tác cây có múi Phong Hòa trồng hơn 3 ha cam ruột đỏ nhưng họ đã đốn gần hết để trồng mít Thái, sầu riêng… Nguyên nhân là vì đợt dịch Covid-19 vừa rồi không có người mua và không được hỗ trợ đầu ra" - anh Sơn cho hay. Theo anh, Tết năm nay, Tổ hợp tác cây có múi Phong Hòa sẽ không có hàng để bán.
Người đầu tiên ở Cần Thơ trồng được cây nho thân gỗ là ông Huỳnh Công Thống (ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt) cũng không mặn mà với thị trường Tết. "Do dịch nên tôi không còn chăm chút cây để bán trong dịp Tết Nhâm Dần. Tôi có vài chục chậu cứ để vậy tới Tết là ra trái để bán với giá 1,2-1,5 triệu đồng/cây, giảm 50% so với năm rồi nhằm giữ mối. Tuy nhiên, tôi vẫn bán cây giống cho nhiều người có nhu cầu" - ông Thống cho hay.
Trái cây đặc sản được giá
Cuối năm, nhiều loại trái cây đặc sản ở ĐBSCL bán được giá, nhà vườn phấn khởi. Ông Trần Văn Chiến - Giám đốc HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) - cho biết trong vụ cuối năm, HTX có khoảng 35 ha cây vú sữa cho trái với sản lượng thu hoạch khoảng 240 tấn. "Giá bán vú sữa tại vườn cao hơn so với cùng kỳ mọi năm. Vú sữa Lò Rèn được thương lái mua 25.000 đồng/kg, vú sữa bơ hồng 17.000-18.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày, HTX bán khoảng 1 tấn, đến cuối tháng 11 âm lịch này sẽ hết vụ" - ông Chiến cho biết.
Năm nay, năng suất vú sữa đạt khá, từ 8-10 tấn/ha. Với giá bán như trên, nhà vườn thu lãi 100-150 triệu đồng/ha.
Giá chôm chôm tại Cần Thơ, Vĩnh Long... cũng đang tăng mạnh, cao gấp 3-4 lần so với cách đây 3 tháng. Hiện chôm chôm Java ở mức 15.000-16.000 đồng/kg, chôm chôm Thái 35.000-36.000 đồng/kg.