Một chiều sau Tết, Tuấn thức dậy, lê cái chân gãy ra cạnh mé hàng rào kẽm gai, đưa mắt ngắm nhìn ông lão tỉ mẩn lặt từng chùm hoa mai đã rũ héo. Hắn mỉm cười.
"Cây mai này lâu lắm rồi chú Hùng nhỉ?"
"5 năm rồi đấy, 2 thằng con nhà chú mua tặng chú chơi Tết, năm nào cũng nở rộ…" - ông Hùng tâm đắc.
Hôm sau khi ông ra vườn cây mai đã biến mất. Vợ ông giận lắm, còn ông chỉ mỉm cười: "Mất rồi thì thôi, xem như tui sai, đem chuyện cây mai đi kể. Năm sau tui mua cây khác". Nhưng từ đó, mỗi lần ra vườn, ông lão không còn thấy Tuấn ngó qua mé hàng rào kẽm gai chào như thường lệ. Ông vừa giận vừa thương.
Ông Hùng nhớ từng câu chuyện về hành trình đưa người nghiện trở lại cộng đồng.
Năm 18 tuổi, ba Tuấn mất. 34 tuổi, mẹ Tuấn sang Đài Loan xuất khẩu lao động. Nó ở lại Sài Gòn, chung xóm trọ nghèo cùng anh chị, chẳng năm nào có Tết. Đang tuổi đôi mươi, như con chim sổ lồng, nó tập tò theo chúng bạn chơi thứ bột trắng tinh, mịn như bột gạo. Thế là nghiện, nghiện lòi mắt 10 năm ròng.
Hôm hết tiền, nó lao ra đường, đụng gì giật nấy, túi xách, điện thoại, chậu mai, bộ bàn ghế nhựa… và trả giá bằng một cái chân gãy.
Một sáng, Tuấn lếch về nhà. Qua hẻm, nó lại dừng lại ngắm nhìn ông già cặm cụi với mớ cây lá trong vườn. "Đợt này con chết chú Hùng ạ!".
"Mày nói gì lạ vậy Tuấn? Má mày đâu? Đi bao lâu về?". Thằng Tuấn thở nhọc, không lên tiếng nữa…
Hôm đó, ông lão vội vội vàng vàng chạy lên UBND phường 18, quận 4, TP.HCM, đề nghị: "Mấy chú cho V.A. Tuấn một suất đi cai nghiện miễn phí ở Bệnh viện Nhân Ái (Bình Phước). Chú lấy uy tín mình ra để đảm bảo".
3 tháng sau, có cậu trai mập mạp, bận chiếc sơ mi ngả màu, quần bò xanh thẫm, tóc chải hai mái bay bay… qua hẻm ngẩng đầu cười: "Con chào chú Hùng!". Ông ngờ ngợ, chàng trai tiếp lời: "Con Tuấn nè! Con đi trại 3 tháng, lên 19 ký. Nhờ chú Hùng cả".
Ông Hùng cười, mừng thầm trong bụng.
10 năm qua, 4 ông bà hưu trí và 2 chàng thanh niên đã đưa hàng chục người nghiện "trở về".
Sau V.A.Tuấn, T.Đ. Nghĩa, Đ.T.K. Hoàng, T.V.Đông,… đều đến với ông Hùng bằng cách như thế. Người nghiện heroin, có HIV (H), giai đoạn cuối SIDA, bị cha mẹ từ mặt, xã hội xa lánh… tất cả, tất cả đều được ông già gần 70 tuổi tận tay dắt trở về cuộc sống.
Ông Hùng nhớ: Năm 2010, vận dụng Nghị định số 94/2010/NĐ-CP, TP.HCM đã thí điểm cai nghiện ma tuý tại gia đình. Ông Hùng cùng anh Tiến (33 tuổi, quản lý), cô Lý (63 tuổi, y tá về hưu), anh Hiếu (34 tuổi, tình nguyện viên), cô Thư (64 tuổi) và chú Ngọ (77 tuổi)… đứng ra tiếp nhận nhiệm vụ cao cả và khó nhọc này.
"Nhiều cha mẹ thấy công an ập đến, con bị giải đi, mới chạy tới nhà chú khóc lóc: Nó đòi học bác sĩ, em cho tiền đi học bác sĩ. Nó bảo đâm kim người khác chưa được nên tự đâm kim lên tay mình, em nghe cũng tin thật. Thế mà công an bảo nó nghiện lâu rồi!
Mình nghe mà đau lòng hộ, toàn nghèo khổ cả, nên lật đật chạy lên công an, xin cho tụi nó được trong Nghị định, ở nhà cai nghiện cùng chú, lấy danh dự mình đảm bảo không trộm cắp, cướp giật" - ông Hùng kể.
Vì một lỗi lầm, nhiều người đã trở thành nô lệ của heroin.
Từ đó, mỗi buổi chiều ông Hùng trở về nhà, ông lão lại thấy một bọc nhựa gói cẩn thận các thanh mã tấu bén lẹn, kèm mảnh giấy: "Chú mang lên phường giúp con, con sợ" đặt trước cửa.
Đêm đêm, khi cánh cửa "Điểm tư vấn chăm sóc và hỗ trợ điều trị cai nghiện cộng đồng" lên đèn, những khuôn mặt rũ rượi, hoang dại lại cúi gằm xuống chiếc ghế gỗ, thì thầm: "Giúp con cai nghiện…". 30 con nghiện, 30 hoàn cảnh họ đều đặc biệt.
Ông Hùng, dù bước sang tuổi 68, sức khoẻ xuống hẳn, nhưng chưa từ chối bất kỳ lời đề nghị hoàn lương nào.
"Có lần người nhà gọi điện tới trung tâm, cả đội tức tốc chạy đến thì con nghiện sốc thuốc đã hấp hối. Nó dặn mình đi xin hòm giùm nó, đừng để má nó lo nữa. Hàng xóm hỏi mình xin cho ai, nó còn trướng người lên nói: "Con nè chú, con nè chú" rồi mới chết. Nghiện đâu hổng thấy chứ lúc đấy, hết vật vã, mình thấy nó hiền như bụt" - cô Lý nhớ lại.
Cánh cửa điểm tư vấn mở mỗi ngày.
Cứ thế, 10 năm gắn bó với người nghiện, từng thành viên trong CLB Vượt Sóng lại đem lòng yêu, thấu hiểu hơn về thế giới ma quỷ này. Như anh Hiếu, từng thương bạn "đói xì ke" mà năm lần bảy lượt hiến máu kiếm tiền cho bạn chơi thuốc, vay mượn nợ đưa bạn vào trại cai. Nhưng đi rồi về, về rồi đi… lên cơn thèm thuốc, họ vẫn sẵn sàng hại người thân, hại gia đình để có tiền.
"Họ dắt anh vào tụ điểm rồi, nhưng lại chẳng nỡ ra tay. Họ xin lỗi vì dính vào thuốc trắng như có ma khiến họ sống dở chết dở. Mình nghe xong, không trách, không giận, chỉ day dứt vì một phút sai lầm mà phải sống cả đời khổ sở" - anh Hiếu kể.
Anh Hiếu vì nhớ người bạn cũ mà một lòng theo đội phòng chống nghiện tại địa phương.
10 năm bước vào thế giới heroin, chú Hùng, anh Tiến, anh Hiếu… phải tập học - đọc - hiểu những bài học đầu đời về con nghiện. Buổi họp mặt đầu tiên tại điểm tư vấn, ngoài 5 cán bộ, vỏn vẹn có 4 người nghiện. Suốt buổi họp, ai nấy sợ sệt, không dám ngước nhìn cán bộ.
Cán bộ hỏi: Thấy mình sai không? Họ trả lời: Có.
Cán bộ hỏi: Có dằn vặt không? Họ trả lời: Có.
Cán bộ hỏi: Có muốn cai nghiện không? Họ trả lời: Rất muốn.
Nhưng cơn "đói" heroin ập tới, họ không thể kháng cự. Nỗi vật vã thèm thuốc như trăm con dòi bò lúc nhúc trong xương, bắt họ làm đủ mọi cách để có tiền phê pha. Con trai thì trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người,…, con gái thì đàn điếm hư thân… Heroin không trực tiếp giết người, nhưng gắn vào tay họ cây dao sắc lẹm như thế!
Người nghiện, có H,... bị chính gia đình họ chối từ.
Qua buổi họp, cán bộ đành lòng chuyển điểm họp xuống dưới gầm cầu Tân Thuận, chuyển ca sáng thành đêm đen để gần gũi con nghiện. Nhiều lần mời bác sĩ xuống kiểm tra HIV, chú Hùng phải nhờ khéo: "Có giúp thì giúp tận tình, tụi nhỏ đỡ sợ". Bác sĩ ngồi ghế nhựa, vừa lấy máu vừa nhăn mặt chịu muỗi đốt, vừa buồn cười vừa thương.
"Một thời gian dài, nhiều đối tượng không muốn vào trại cai bắt buộc còn lợi dụng câu lạc bộ, gặp cán bộ thì dạ vâng, sẽ bỏ thuốc, nhưng sau lưng thì tay cầm kim, tay cầm thuốc phiện. Rồi có em thì mấy năm ở trại chịu khó cắt cơn dữ lắm, thế mà ngày về, qua con hẻm quen, góc đường quen, nó nhớ. Xe chưa cập bến, nó đã bỏ hành lí, lủi thủi đi vào hẻm rồi mất hút, cán bộ theo chân không kịp" - anh Tiến kể.
Nhưng chích xong, về nhà, gặp cán bộ, họ khóc vì hối hận. Năm lần bảy lượt thành vòng luẩn quẩn như thế.
Nhờ cán bộ họ bắt đầu tái hoà nhập lại cuộc sống.
Đến năm 2013, câu lạc bộ bắt đầu chuyển hướng điều trị bằng Methadone nhằm gây ức chế ma tuý. Ngày ngày, anh Hiếu đứng ra kêu gọi con nghiện đều đặn sáng chiều nhận thuốc miễn phí. Ai còn thèm kim chích, anh Tiến lấy dây cao su buộc vào tay, kéo bắn đến bắn cho bầm tím để thôi nhớ thèm.
May thay, 5 tháng sau, Methadone thành công.
Ngày cắt được cơn, Trung (SN 1984) nắm tay cô gái trẻ trở về nhà. Cô gái như Trung, nghiện và có H.
5 năm lầm lỗi, cô phải lòng Trung trong thời gian cắt cơn vật vã. Hôm đó, Trung hỏi mẹ xin cưới, ba mẹ cậu thẳng thừng: "Mình mày SIDA không đủ hay sao?", cô gái ôm mặt khóc rưng rưng, tình yêu vỡ tan tành.
Hôm cô gái chào từ biệt, Trung khóc, khóc nhiều lắm! Rồi choàng tỉnh dậy, cậu nhớ thuốc phiện.
15 năm trước, ba mẹ Trung lao đầu vào công việc, mỗi sáng thảy cho "cậu ấm" cọc tiền gọi là để vui chơi. Rồi 15 năm, tiền đắp vào những chỗ ba mẹ Trung không đánh cậu, đắp lên chỗ ba mẹ Trung không hôn cậu, đắp lên những nỗi đau, nỗi cô đơn… và tiền đẩy cậu luôn vào vòng nghiện ngập.
15 năm, thuốc phiện bên cạnh Trung lúc buồn, lúc vui, chưa một lần phản bội. Buổi chiều đó, cậu chích một liều lớn vào người, rên rĩ, khóc lóc rồi treo cổ tự vẫn.
Ngày đưa tang Trung, người thân đến đông đủ. Bố Trung tay cầm chén rượu, tay mời lối xóm: "Khoẻ rồi, khoẻ rồi", cán bộ nghe mà đau đớn lòng.
Cán bộ CLB phòng nghiện nhận ra một thực tế phũ phàng rằng: SIDA mãi là nỗi ám ảnh, là định kiến kỳ thị khiến người nghiện dù bỏ được thuốc vẫn không thể tái hoà nhập cộng đồng.
Cái chết của Trung luôn là nỗi đau của những người ở lại.
"Có nhà mà hổng dám về, vì ba má, anh em đâu muốn nhận thằng nghiện làm gia đình. Nhà sát vách đó mà anh phải nằm ngoài cửa, chỉ ước bữa nào ba dậy sớm, thấy mình sẽ kêu vô nhà. Nhưng ổng ra, ổng thấy, ổng tức lấy chổi đuổi đi. Buồn vậy sao anh chịu nổi. Dù gì ma tuý giúp anh không thèm nhà, không thèm gia đình, chết sớm hơn tí có sao đâu" - anh N.V. Hùng cười hắt.
Tết năm 2015, cán bộ vận động tạo Tết cho người nghiện, lối xóm mỉa mai: "Xì ke cũng có quà à?".
Qua Tết năm 2016, cán bộ vẫn nhẫn nại làm Tết cho người nghiện. Một hôm, chú Hùng mời cô Sáu sang nói chuyện. Chưa nói hết câu, cô Sáu đã giận tím mặt: "Chú nghĩ sao vậy? Tụi nó trộm đồ nhà tui thì tui giúp kiểu gì?". Chú Hùng lặng lẽ cười: "Chị Sáu nghĩ lại xem, cũng con cháu mình hết mà, bỏ hổng đành…", rồi tiễn cô về.
Vậy mà, đêm đó, cô Sáu trở về trằn trọc mãi không thôi. Nửa đêm, cô sai thằng cháu chạy qua gõ cửa hỏi: "Muốn tặng bao nhiêu đứa? Thích quà gì?", chú Hùng mừng chảy nước mắt.
Cũng trong cái Tết năm đó, nghe lời cán bộ, người nghiện tích cực tham gia công tác phòng chống tệ nạn tại khu phố tạo được thành tích lớn. Anh N.V. Hùng trong những đêm Tết ngủ xó chợ đã 5 lần tóm gọn bọn trộm vặt, 2 lần chỉ điểm triệt phá ổ ma tuý cho công an khiến ai nấy đều quý mến.
Sau cái Tết 2016, nhờ hoạt động tích cực mà CLB đã tạo được nhiều thiện cảm với bà con.
10 năm đưa người nghiện quay về cộng đồng, cán bộ lần lượt chứng kiến từng khuôn mặt vô hồn lần nữa cười, đứng dậy, tự sửa lỗi lầm và làm lại cuộc đời. Công việc lặng lẽ, không đáp đền, chỉ nhận trợ cấp bảo trợ xã hội hỗ trợ 600.000 đồng đến 900.000 nghìn đồng, đôi khi còn bỏ ngược tiền túi "vì người nghiện". Ông Hùng, cô Lý, anh Tiến, anh Hiếu... thực sự là những tỉ phú của lòng nhân ái.
Nhưng khi hỏi ra, ai cũng tủm tỉm cười: "Có gì đâu".
4 ông bà mái tóc muối tiêu cùng 2 chàng thanh niên sẵn sàng dành những đêm khuya vắng nhà, đánh đổi tuổi già về hưu, chịu dị nghị "lo chuyện bao đồng" - chỉ để lo lắng, đau đáu cho phận người bị chính gia đình, xã hội họ chối từ.
"Có gia cảnh ba xì ke chết không lâu, mẹ cũng sốc heroin mà qua đời. Lúc mình chạy đến nhà, 3 đứa nhỏ vẫn còn nằm cong queo bên cạnh xác mẹ 3 ngày trời" - ông Hùng nhớ lại một trong những ký ức ám ảnh.
Rồi ông gọi bạn xin tiền lo chôn cất cho họ và dắt 3 đứa nhỏ về nhập hộ khẩu cho tụi nó đi học. "Người ta bảo mình đi lo chuyện người dưng, nhưng chỉ cần tụi nó thay đổi tương lai là được…" - ông nói.
Những đứa trẻ sau cơn bão ma tuý lại tiếp tục được sinh ra và đến trường.
Sau 6 năm vào tù ra tội, Q.Anh trở về. Hận gia đình bỏ rơi, người đời xua đuổi, cậu sống bạt mạng, đập phá, trộm cắp, nghiện, rồi nhiễm H. Cán bộ nhiều lần tìm đến nhà, cậu khướt từ: "Để tui chết".
"Đến khi nhận thêm 21 năm tù, mình nghĩ là đi rồi chết luôn rồi. Vậy mà, hôm ra toà, cán bộ giúp mình viết lá thư cam kết không nghiện ngập, rồi xin đang nhiễm H giai đoạn cuối, vào tù khả năng lớn chết nên cho ở lại để họ chăm sóc, lo lắng. Mình được thả tự do, mình mới oà khóc. Đó là lần đầu có người chịu thương mình như vậy" - Q.Anh kể.
Giờ đây, hơn 2 năm tham gia CLB Vượt Sóng, Q.Anh đã là Đội phó Đội phòng chống cai nghiện. Dù con virus HIV đã ăn hết da thịt, thận, phổi, tim… nhưng quãng thời gian còn sót lại, bố cậu chịu từ bỏ tất cả, quay về để chăm con trai lúc bệnh nặng. Q.Anh lại sống những ngày trong trẻo tuổi thơ.
Những nụ cười lại nở sau cơn bão đi qua
Công việc không lương, không đáp đền suốt 10 năm có lẻ.
Đây nữa, con Dung đang tủm tỉm cười, khoe sợi dây chuyền vàng vừa tậu nhờ nửa năm giã từ heroin, theo nghiệp bán buôn. Kia là 2 vợ chồng H.M Tùng, đêm đêm thắp đèn lề đường kiếm từng đồng lẻ nuôi đứa con nay đã vào lớp 1.
Bên kia. Bên kìa. Bên kìa kìa. Bên kìa kìa nữa… thằng Được, thằng Đại, anh Chung, chú Thái… Mỗi tối thứ 6, họ lại gặp nhau. Cán bộ ngồi xen giữa người nghiện, bàn tay đan bàn tay, ấm áp như người trong gia đình.
***
Sau 1 năm từ trại trở về, Tuấn lấy vợ, năm sau nữa thì có mụn con trai. Nhờ uống ARV (nhóm thuốc gây ức chế sự sinh sản của virus HIV), đứa bé sinh ra bụ bẫm, khoẻ mạnh, không mang virus H. bệnh tật từ bố mẹ.
Tuấn xin chân chạy xe ôm, tích từng đồng lẻ "lương thiện" nuôi vợ con. Sáng sáng, qua hẻm, thằng bé ngồi sau lưng bố đến trường, khuôn mặt xúng xính, thấy ông lão liền ngẩng đầu chào: "Dạ con chào ông Hùng ạ!", nụ cười ngọt lịm.