Chuyện tình chàng thạc sĩ và nữ phát thanh viên
Năm 1993, Huỳnh Hữu Cảnh - khi đó mới 8 tuổi, đã trốn nhà đi chơi cùng với một người em họ. Khi vừa qua tới nhà người em, Cảnh tìm được một vật thể lạ dưới lòng đất. Nghĩ đó là sắt vụn, Cảnh cùng em họ định lấy đem đi bán, nào ngờ, tiếng bom nổ rung trời hất văng cả hai anh em ra xa. Tai nạn năm đó đã cướp đi vĩnh viễn đôi mắt của cậu bé 8 tuổi.
" Bác sĩ nói cứu mạng trước, cứu mắt sau. Khi đã an toàn mạng sống, ba mẹ mới quyết định đưa mình lên bệnh viện Điện Biên Phủ nhưng bác sĩ nói không có đủ công nghệ để hỗ trợ thời điểm đó. Mình biết phần đời còn lại của mình từ giờ sẽ sống trong bóng tối", Cảnh kể.
Khi ấy, Cảnh còn quá bé nhưng đã cảm nhận rõ rệt sự thay đổi. Nhà ngay sát trường học, thấy bạn bè vẫn nô nức đi học, anh nhớ da diết tiếng trống trường.
"Mình đã ngồi khóc, tại sao các bạn được đi học, đi chơi mà mình lại phải ngồi đó. Mẹ mình cũng ôm và khóc theo. Đó là giai đoạn rất khủng khiếp ", Cảnh suy sụp.
Chàng trai 8X tập rửa chén, rửa ly... bắt đầu làm quen với những thứ nhỏ nhất. Buồn bực vì không thể nhìn thấy mọi thứ, Cảnh khó chịu, trở nên "trái tính trái nết". Ba mẹ là người bên anh trong lúc chênh vênh nhất. Cũng chính ba là người truyền máu, cho Cảnh mạng sống thứ 2 trong lúc anh cấp cứu ở bệnh viện. Nghĩ tới họ, Cảnh lại vực dậy tinh thần, lên dây cót sống tích cực. Năm 12 tuổi, Cảnh mới bắt đầu học lại chương trình lớp 1 bằng chữ nổi.
Học xong THPT, anh được tuyển thẳng vào ngành giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Năm 2012, Cảnh tốt nghiệp ĐH với tấm bằng giỏi trên tay và về làm việc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang.
Năm 2017, chàng trai khiếm thị khiến mọi người một lần nữa cảm phục khi giành được học bổng toàn phần tại Úc. Trước khi đi du học, Cảnh gặp Tố Nga - cô gái đã thắp sáng cuộc đời Cảnh mãi về sau.
Trong một lần tham gia giao lưu văn nghệ từ thiện của tỉnh Kiên Giang, Nga là cán bộ đoàn, được phân công làm tình nguyện viên, còn Cảnh tới với vai trò làm ca sĩ. Nga rất ấn tượng với chàng trai khiếm thị bởi ai đến giao lưu cũng được chở xe ôm hoặc có người thân đi kèm. Còn Cảnh có nguyên cả một "đoàn" đi theo hộ tống, từ cha mẹ, anh chị em, cô dì, chú bác...
Tình cờ Cảnh đang cần tìm một người hỗ trợ đọc sách nên cuối buổi đã xin số Nga để hỗ trợ. Những cuộc trò chuyện vu vơ khiến Nga dần có cảm tình.
"Anh rất hiền, vượt khó, đúng tiêu chuẩn mình tìm. Không hút thuốc, uống rượu, biết quan tâm. Đặc biệt mối quan hệ tình cảm trong gia đình anh rất tốt, gắn bó ", Nga suy nghĩ.
Vượt khó ải "ba vợ" và tấm bằng thạc sỹ ở Úc
Biết con gái đang quen người khiếm thị, ba mẹ Tố Nga kịch liệt phản đối, thậm chí ba cô còn đòi tự vẫn nếu Nga không chịu nghe lời.
"Mình vẫn còn nhớ câu nói của một người quen: Yêu cũng được nhưng cưới xong thì tụi bây dắt nhau đi bỏ xứ đi. Đừng có về, xấu hổ lắm. Mình buồn, kể lại cho anh Cảnh nghe, anh bảo: Em hãy quên người đó đi, những gì tiêu cực đừng nhớ đến" , Nga kể.
Để thuyết phục ba, Nga tìm mọi cách chứng minh cho ông thấy Cảnh là người nghị lực như thế nào. Năm đó, đài Kiên Giang TV chiếu chương trình "Hoa đẹp cuộc sống", tôn vinh những thành quả, nỗ lực của người khiếm thị, trong đó có Hữu Cảnh. Nga âm thầm xin lịch phát sống rồi vờ như vô tình mở cho ba xem. Sau hôm đó, cha Tố Nga dần thay đổi suy nghĩ, đồng ý cho cả hai quen nhau.
"Lúc ba chấp nhận, tụi mình vui lắm, anh Cảnh nói, anh tự tin vào cuộc hôn nhân này sẽ diễn ra 100%, chỉ là sớm hay muộn thôi. Chắc chắn cha mẹ sẽ hiểu và thông cảm ", Nga nhớ lại.
Năm 2017, trước khi Cảnh sang Úc du học, cả hai tổ chức đám cưới dưới sự chúc phúc của đông đảo bạn bè, người thân. Vì đi xa, Cảnh cần người chăm sóc nên Tố Nga đã xuất ngoại cùng chồng với vai trò hỗ trợ. Năm 2019, chàng trai 8X trở về Việt Nam, trên tay cầm tấm bằng thạc sĩ ngành công tác xã hội Trường ĐH Flinder.
Hạnh phúc của chàng trai khiếm thị giờ càng trọn vẹn khi tổ ấm của anh xuất hiện thêm thành viên mới. Con trai bé bỏng là niềm vui, "điều thành công nhất trong cuộc đời" của chàng thạc sỹ khiếm thính.
Nguồn: Gõ Cửa Thăm Nhà