Trả tự do 4 tiếp viên hàng không xách tay 11kg ma túy: Công an TPHCM nói gì?

chinhphu.vn |

Chiều 30/3, tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội của TP.HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM đã lên tiếng về vụ việc 4 tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về Việt Nam.

Trả tự do 4 tiếp viên hàng không xách tay 11kg ma túy: Công an TPHCM nói gì? - Ảnh 1.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cung cấp thông tin cho báo chí.

Vụ xách tay 11kg ma túy: Không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, tội phạm ma túy gây hậu quả, tác hại rất lớn đối với con người và xã hội. Do đó, bộ luật Hình sự đã quy định những hình phạt nghiêm khắc với các tội danh về ma túy, trong đó, khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Nhóm tội phạm liên quan đến ma túy thường thu lợi nhuận rất lớn nên bằng mọi cách thức tinh vi, không từ thủ đoạn nào với nhiều để có thể che giấu hành vi phạm tội.

Với vụ việc 4 tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có ý kiến lo ngại về việc trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không có thể gây tiền lệ xấu vì nhiều người có thể vận chuyển ma túy và sẽ nói là vô tình, không biết, hoặc có sự thông đồng để thoát tội hình sự, Thượng tá Lê Mạnh Hà nói: “Dù thủ đoạn nào thì bản chất khách quan của các vụ việc, vụ án vẫn không thay đổi.

Trách nhiệm của lực lượng công an, lực lượng điều tra trong các vụ án, trong đó có án ma túy là làm rõ hành vi, diễn biến phạm tội để không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”.

Lấy dẫn chứng mới đây Công an quận Gò Vấp đã khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng liên quan vụ gài ma túy vào xe và nhà một cô gái bán chó mèo cảnh rồi báo Công an để hãm hại nạn nhân, do tư thù cá nhân. Cơ quan Công an đã vào cuộc điều tra kỹ lưỡng minh oan cho nạn nhân và bắt đúng đối tượng.

Thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định: "Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố vụ án hình sự và đang điều tra. Khi có kết quả, phía công an sẽ thông tin”.

Cảnh báo người dân không cho thuê thông tin cá nhân, mua bán tài khoản ngân hàng

Liên quan đến tội phạm lừa đảo công nghệ cao chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết có hàng chục thủ đoạn khác nhau của các đối tượng phạm tội.

Đáng chú ý, khi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các số tài khoản ngân hàng, các đối tượng lừa đảo không trực triếp đến ATM để rút tiền mà chuyển tiền lòng vòng qua các tài khoản ngân hàng khác nhau bằng dịch vụ “internet banking”.

Hầu như các tài khoản nhận tiền từ hoạt động lừa đảo đều được đối tượng thuê người khác đứng tên đăng ký. Các đối tượng còn yêu cầu nạn nhân trực tiếp mở tài khoản ngân hàng, đăng ký dịch vụ internet banking rồi chuyển tiền vào.

Sau đó, nạn nhân phải cung cấp mã thẻ, số tài khoản điện tử và mã OTP. Khi nạn nhân cung cấp xong, các đối tượng đăng nhập được vào tài khoản nhanh chóng chuyển tiền sang tài khoản khác. Thời gian luân chuyển dòng tiền diễn ra ngay lập tức sau khi nạn nhân chuyển tiền.

Đường đi của dòng tiền lừa đảo được các đối tượng trong băng nhóm chuẩn bị, tính toán kỹ để đối phó cơ quan Công an điều tra, truy vết.

Nhận được tiền do nạn nhân chuyển, các đối tượng sẽ chuyển liên tiếp sang nhiều tài khoản khác, chia nhỏ số tiền vừa chiếm đoạt ra để gửi hoặc sử dụng tiền lừa đảo được để mua hàng hóa điện tử tại các trang thương mại của nước ngoài, chuyển tiền vào ví điện tử, mua thẻ cào điện thoại, thẻ game; hoàn toàn không rút tiền mặt truyền thống như trước.

Đáng chú ý, hiện nay nay lợi dụng tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, nhiều người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, không nhận diện được thủ đoạn tội phạm nên các đối tượng thường lôi kéo, dẫn dụ thuê mướn để sử dụng thông tin, giấy tờ cá nhân đăng ký mở tài khoản ngân hàng.

Sau đó, chúng thu mua lại với giá từ 500 đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, các đối tượng thuê mướn yêu cầu người bán tài khoản gửi qua đường xe khách, bưu điện đến địa điểm đối tượng cung cấp, hoàn toàn không gặp mặt trực tiếp.

Đa phần những người được thuê mở tài khoản vì hoàn cảnh khó khăn, không biết việc mình mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật.

Phần lớn, các đối tượng chủ mưu các đường dây lừa đảo là người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam phân công việc tìm người cung cấp số tài khoản để nhận tiền lừa đảo, mỗi số tài khoản thuê thì đối tượng trả công từ 400.000 đồng đên 700.000 đồng.

Đại diện Công an TP.HCM cảnh báo người dân thực hiện hành vi mua bán tài khoản ngân hàng sẽ bị xử lý về hành vi “Mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng”.

Tùy theo tính chất vi phạm có thể bị xử phạt với mức phạt tiền từ 40 đến 100 triệu đồng theo khoản 5, khoản 6, khoản 10 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất lên đến 7 năm tù theo Điều 291, Bộ luật hình sự.

Những nguyên tắc tránh bị lừa đảo qua ngân hàng

Thứ nhất, không chuyển tiền cho bất kỳ ai nếu chưa biết rõ về họ.

Thứ hai, cơ quan nhà nước không làm việc với người dân qua điện thoại, trừ trường hợp đã làm việc trực tiếp và được người dân đồng ý nhận thông báo qua điện thoại.

Thứ ba, người dân tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai.

Thứ tư, khi nhận được yêu cầu chuyển khoản từ người quen, cần gọi điện thoại xác thực lại.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại