Mercedes-Benz vào cuối tháng trước công bố gói thuê bao mở khóa khả năng vận hành trên EQS tại Bắc Mỹ khiến nhiều người dùng bất bình - Ảnh: Mercedes-Benz
Mercedes-Benz trong tháng 11 vừa qua đã gây bão, khi công bố gói thuê bao cho người dùng trả tiền hằng năm chỉ để mở khóa mức công suất mạnh nhất mà chiếc EQS/EQS SUV thuần điện của họ sở hữu sẵn nhưng bị khóa.
Trong tuần này, tới lượt Polestar - hãng xe điện của Volvo - công bố cho khách hàng trả phí "mở khóa trọn đời" mức công suất tối ưu của Polestar 2. Khác biệt giữa 2 hãng chỉ là trong khi Mercedes-Benz thu phí năm, Polestar cho người dùng mua trọn gói cả đời.
Vấn đề là phần cứng để hỗ trợ công suất mạnh nhất đều đã có trên xe của người dùng, tuy nhiên họ vẫn phải trả tiền để mở khóa rào cản mà các hãng tự lập ra để "tận thu". Số tiền cả 2 công bố đều không nhỏ, cùng ở mức 1.200 USD.
Không chỉ khả năng vận hành, các trang bị mà ta thường thấy trên xe chẳng hạn vô lăng sưởi cũng có thể bị tận thu hàng loạt trong tương lai - Ảnh: BMW Genius
Trên thực tế, việc người dùng phải trả tiền mở khóa công suất để tăng thông số xe qua phần mềm không mới. Tesla - "nhà sáng tạo" của làng xe toàn cầu là bên đứng sau xu thế này khi đã công bố gói nâng cấp phần mềm cho Model 3/Model Y từ lâu.
Tuy vậy, điểm chung của hình thức dịch vụ này là chúng đều bị người dùng phản đối. Không ít người cho rằng thật vô lý khi các hãng xe tự giới hạn khả năng vận hành các sản phẩm của mình đã giao tới tay người dùng rồi thu tiền chỉ để mở khóa chúng - một hình thức tự tạo rắc rối và bán giải pháp.
Ngoài khả năng vận hành, ngay cả nhiều trang bị trước giờ là tính năng có thể mua đứt, chẳng hạn ghế/vô lăng sưởi, cũng có thể bị "tận thu" bằng hình thức thuê bao trả phí tháng/năm, chẳng hạn BMW đã cho thuê bao những trang bị trên trong nhiều tháng gần đây.