Từ nhu cầu liên tục gia tăng của chuỗi cung ứng toàn cầu, lĩnh vực bán dẫn ngày càng trở nên sôi động và đã trở thành một ngành nghề nhận được nhiều sự ưu ái. Khi định giá thị trường tăng trưởng vượt bậc, các công ty cũng phải đối mặt với thử thách về nhân sự để đảm bảo khả năng duy trì vận hành và mở rộng.
Ngành bán dẫn đang thiếu thiếu khuyết kỹ sư có tay nghề cao (Ảnh minh họa)
Mặc dù không phải chịu áp lực về tài chính, nhưng để gia tăng sản lượng đủ đáp ứng nhu cầu từ đơn hàng của nhà cung cấp, việc tuyển dụng đủ kỹ sư có chuyên môn là một thử thách thực sự đối với các công ty bán dẫn, đặc biệt là những công ty ở quy mô vừa và nhỏ. Trong mọi trường hợp, đối với các kỹ sư chip, họ đã bước vào một thời kỳ vàng son.
Số lượng các công ty chip Trung Quốc đã tăng lên
Chủ tịch Chi nhánh Thiết kế Vi mạch của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc, giới thiệu tại hội nghị ICCAD diễn ra vào cuối năm ngoái, sẽ có tổng cộng 2.218 công ty thiết kế chip ở Trung Quốc vào năm 2020, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy ở con số trên, số lượng công ty thiết kế chip ở Trung Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định từ năm 2010 đến 2015, thậm chí giảm trong năm 2011, nhưng sau khi bước sang năm 2016, các công ty thiết kế chip Trung Quốc đã tăng vọt.
Một phần nguyên nhân do ảnh hưởng từ chương trình xúc tiến ngành bán dẫn của chính phủ Trung Quốc, nhưng quan trọng nhất là tác động bởi sự cấm vận của Mỹ đối với các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, ZTE.
Ngoài ra, với việc cấp phép IP Arm và RISC-V cũng như sự thịnh vượng của EDA và fabs, cùng với dòng chip tự phát triển của Google, Huawei, Apple, thị trường thiết bị đầu cuối đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian vừa qua. Đây là những yếu tố thúc đẩy làn sóng mở rộng của các công ty thiết kế chip hiện nay.
Theo số liệu được ghi nhận, Trung Quốc có tới 66.500 công ty liên quan đến ngành bán dẫn. Trong đó, có 22.800 công ty đăng ký thành lập mới, tăng 195% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kể từ năm 2021, do ảnh hưởng của tình trạng khan hiếm chip, dữ liệu này thậm chí còn tăng nhanh hơn nữa, lên tới 378% trong 2 tháng đầu năm. Trong suốt sự bùng nổ của toàn bộ chuỗi ngành công nghiệp chip, nguồn vốn đa kênh tích cực đằng sau nó là không thể thiếu.
Nguồn cung nhân tài đang chậm lại
Khi lĩnh vực R&D trong ngành công nghiệp chip tiếp tục được mở rộng, nhu cầu về tài năng vi mạch tích hợp cũng sẽ tăng nhanh. Với sự phát triển của cung và cầu như hiện tại, khoảng cách này sẽ càng ngày càng được mở rộng.
Dữ liệu từ Sách trắng nhân tài ngành lĩnh vực tích hợp Trung Quốc công bố vào giữa năm 2020 cho thấy, tính đến cuối 2019, số lượng nhân sự trực tiếp làm việc trong ngành này là khoảng 511 nghìn người, tăng 11,4% so với năm 2018.
Theo tính toán của Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ, trung bình mỗi vị trí công việc trong lĩnh vực này sẽ tạo ra 4,89 cơ hội việc làm gián tiếp. Như vậy, Trung Quốc hiện có tới 2,5 triệu việc làm gián tiếp có liên quan trong ngành bán dẫn.
Với xu hướng phát triển như hiện nay và giá trị sản lượng bình quân đầu người tương ứng, nhu cầu trong toàn ngành bán dẫn Trung Quốc sẽ đạt khoảng 743 nghìn người vào năm 2022.
Trong đó 270 nghìn người làm việc ở lĩnh vực thiết kế, 264 nghìn người trong lĩnh vực sản xuất, 209 nghìn người hoạt động ở bộ phận lắp ráp và thử nghiệm. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực cho mảng mạch tích hợp của Trung Quốc dường như không theo kịp nhu cầu.
Với khoảng 200 nghìn sinh viên tốt nghiệp năm 2019 liên quan đến ngành học mạch tích hợp tại Trung Quốc, chiếm 2,39% trong tổng số 8,34 triệu sinh viên tốt nghiệp, chỉ có 25,8 nghìn người lựa chọn việc làm theo đúng ngành học, tương ứng 12,92%.
Đây là tỷ lệ khá thấp so với nhu cầu thực tế, bị chi phối bởi nhiều nguyên nhân như mức lương không đủ hấp dẫn hoặc kiến thức chuyên môn chưa phù hợp.
Đối mặt với sự hạn chế từ Mỹ, cũng như nhu cầu nhân tài ngành bán dẫn của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đang tăng cao, khả năng thu hút nhân tài của các công ty bán dẫn Trung Quốc cũng sẽ ngày càng bị thu hẹp lại.
Khi các kỹ sư tay nghề cao có nhiều lựa chọn hơn, họ đã trở thành “miếng bánh ngọt” trong mắt các công ty chip địa phương, và cùng với đó là mức lương ngày càng tăng.
Thời kỳ hoàng kim của kỹ sư chip
“Sau khi các công ty chip kiếm bộn, chiến lược đầu tiên là phải đào được người, bởi chỉ có nhân tài giỏi mới là nền tảng đảm bảo sự phát triển, cũng như khả năng huy động tài chính của công ty”, Trương San (tên nhân vật đã được thay đổi), người sáng lập của một công ty bán dẫn Trung Quốc nói.
“Do có nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng số lượng nhân tài có hạn, điều này đã thúc đẩy việc tăng lương của các kỹ sư chip”, bà cũng chỉ ra rằng nhiều công ty chip hiện có cảm giác cấp bách, tức là họ hy vọng sẽ bứt phá nhiều đối thủ cạnh tranh trong ngắn hạn và trở thành công ty hàng đầu.
Lý Tư, nhân sự của một công ty khởi nghiệp tại Trung Quốc cũng cho biết: “Làn sóng tuyển dụng nhân tài trong nước ở lĩnh vực bán dẫn đã hình thành một cuộc đua đúng nghĩa. Việc các ứng viên tiềm năng bị ‘nẫng tay trên’ với mức lương cao ngất ngưởng là chuyện không có gì lạ.
Vào thời điểm này, các công ty đều phải tìm cách ứng phó để có thể bùng nổ trong cuộc khủng hoảng nguồn cung chip dự kiến vẫn tiếp tục kéo dài”.
Không chỉ riêng Trung Quốc, tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng gặp phải tình trạng tương tự. Những tháng vừa qua, Samsung Electronics và SK Hynix chạy đua tuyển dụng nhân viên khi “siêu chu kỳ” sắp tấn công thị trường bán dẫn toàn cầu.
Bộ phận chip của Samsung gần đây thông báo kế hoạch tuyển hàng trăm lao động lành nghề, còn SK Hynix cũng muốn tuyển hơn 100 người. Nhu cầu nhân tài bán dẫn và công nghệ thông tin đang vô cùng bức thiết. Giới quan sát tin rằng “lạm phát tiền lương” tại các công ty này là để lôi kéo được những người giỏi nhất.
Thực tế trong hai năm qua, các công ty khởi nghiệp bán dẫn cũng đã đưa ra mức lương cao gấp đôi so với những công ty hàng đầu trong lĩnh vực này nhằm “đào góc tường” nhân tài của họ, điều này đã gián tiếp mở ra một thời kỳ hoàng kim của các kỹ sư chip tại nước này.
Hiện thu nhập hàng năm của một kỹ sư chip có bằng thạc sĩ và 3-5 năm kinh nghiệm ở vào khoảng 500 nghìn - 750 nghìn NDT (1,7-2,6 tỷ đồng), và lên đến 1,1 triệu NDT (4,2 tỷ đồng) nếu có 8 năm kinh nghiệm.
Trong khi đó, các kỹ sư phần mềm AI với 2-3 năm kinh nghiệm sẽ có thu nhập hàng năm khoảng 800-900 nghìn NDT (2,8-3,1 tỷ đồng) và 1,3-1,5 triệu NDT (4,6-5,3 tỷ đồng) đối với các kỹ sư có tay nghề cao.
Không chỉ có được mức lương cao, cùng với sự thiếu hụt nhân tài ở lĩnh vực bán dẫn hiện nay, tâm lý của một số người làm việc trong lĩnh vực này cũng đã thay đổi.
Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều ứng viên đã đưa ra những yêu cầu phi lý vượt khỏi khả năng tiếp nhận của nhà tuyển dụng. Trên thực tế, mức lương của kỹ sư có kinh nghiệm tại Trung Quốc đã vượt qua mức lương của một “lão sư” Nhật Bản ở vị trí tương ứng, nhưng khoảng cách về trình độ kỹ thuật giữa hai người là rất lớn.
Đây cũng là bài toán khó giải của các công ty bán dẫn Trung Quốc, nhưng ở thời điểm hiện tại dường như họ không còn có thêm lựa chọn.