Dưới đây là nội dung trả lời độc quyền của TS Phan Minh Liêm với độc giả Trí Thức Trẻ/Soha.vn trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề Nhận diện nguy cơ và sai lầm khi sử dụng nước giải khát.
Hỏi: Thưa anh Liêm, là người tìm ra gene tiêu diệt tế bào ung thư, anh cho biết điều ấy có ý nghĩa thế nào đối với nền y học nói chung và ngành điều trị ung thư nói riêng? (Dạ Lan – [email protected])
TS Phan Minh Liêm: Mình xin cảm ơn bạn. Thực ra thì đây là công sức của cả nhóm nghiên cứu.
Việc phát hiện ra protein 14-3-3sigma (được mã hoá bởi gien 14-3-3sigma) có khả năng tiêu diệt ung thư bằng cách ức chế hữu hiệu quá trình tạo năng lượng và hấp thu dinh dưỡng của khối u đã mở ra một hướng đi mới và triển vọng trong việc phát triển các liệu pháp để điều trị căn bệnh này một cách chính xác mà không làm tổn thương các tế bào khoẻ mạnh.
Các thử nghiệm ban đầu cho thấy protein 14-3-3sigma có khả năng tấn công hữu hiệu các tế bào ung thư ác tính, hung hãn, di căn.
Hiện nhóm mình đang tiến hành các nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu lâm sàng nhằm hoàn thiện và khảo sát chuyên sâu mức độ khả thi, độ an toàn và hiệu quả của phương pháp này.
Hiện tại còn rất nhiều điều chúng ta chưa tường tận về protein 14-3-3sigma và sẽ cần thời gian nghiên cứu thêm.
Tuy nhiên, với các kết quả khả quan mà nhóm đã thu nhận được, mình hi vọng phương pháp này có thể sẽ giúp được các bệnh nhân ung thư trong tương lai.
Hỏi: Tôi tìm hiểu thì biết ở VN muốn thải độc chì rất tốn kém. Ở các nước có nền y tế tiên tiến thì họ làm cách nào? Chi phí có lớn không? Bác sĩ có thể mách cho tôi những cách thải độc đỡ tốn tiền và có thể tự áp dụng được không? (Hoàng Thu Thái - FB)
TS Phan Minh Liêm: Biện pháp đầu tiên là chúng ta cần nhận diện nguồn gốc gây ra nhiễm độc chì để xử lý triệt để. Nếu bị nhiễm độc chì ở mức độ thấp thì sau khi chặn đứng nguồn gốc gây nhiễm độc chì (thực phẩm nhiễm chì, sơn có hàm lượng chì cao, bình ắc quy, nguồn nước ô nhiễm chì,...) , cơ thể sẽ dần đào thải chì và hàm lượng chì trong máu sẽ giảm theo thời gian.
Đối với các trường hợp ngộ độc chì nặng, hiện tại có 2 nhóm phương pháp điều trị:
1. Sử dụng các thuốc có khả năng hấp phụ chì và tăng cường đào thải chì qua đường tiết niệu, ví dụ như dimercaptosuccinic acid (DMSA), D-penicillamine (D-penicillamine chưa được Cục quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ cấp phép sử dụng tại Hoa Kỳ),....
2. Sử dụng Ca2Na2 EDTA (EDTA: ethylenediaminetetraacetic acid) và Dimercaprol để hấp thu chì trong cơ thể. Tuy nhiên, các liệu pháp này cũng không hoàn toàn sữa chữa được các tổn thương do ngộ độc chì ở mức độ nghiêm trọng.
Việc dùng các thuốc điều trị nhiễm độc chì cần được tiến hành bởi các chuyên gia y tế có chuyên môn trong lĩnh vực này bởi vì các thuốc này nếu dùng sai phương pháp có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ bệnh nhân.
Hỏi: Anh đánh giá thế nào về tác hại của chì đối với sức khỏe? Bị nhiễm chì có liên quan gì đến ung thư không? ([email protected])
TS Phan Minh Liêm: Chì có nhiều tác hại đối với sức khoẻ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật của Hoa Kỳ (Center for Disease Control and Prevention), chì khi được hấp thụ vào cơ thể sẽ được tích trữ trong xương, máu, và các mô.
Sau đó, chì sẽ dần dần được giải phóng ra, gây ra hiện tượng ngộ độc chì từ bên trong. Hiện tượng này sẽ xảy ra mạnh hơn khi về già bởi vì khi đó xương dễ bị loãng và giải phóng chì đã được tích luỹ từ trước.
Việc hấp thu quá nhiều chì sẽ gây tử vong. Nếu hàm lượng chì được hấp thu ở mức cao thì người bệnh sẽ bị thiếu máu, tổn thương thận, não,... Một số biểu hiện khác khi nhiễm độc chì bao gồm mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, suy nhược, nhức đầu, cảm giác kim châm ở tay và chân, mất trí nhớ, táo bón,...
Các biểu hiện này dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, làm cho các bệnh nhân chủ quan và không lưu tâm đến nguyên nhân bệnh do nhiễm độc chì.
Chì có thể xuyên qua nhau thai, vào trong cơ thể thai nhi và ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Việc tiếp xúc với chì ở hàm lượng thấp ở trẻ em có thể làm ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Chì còn có khả năng gây sảy thai, sinh sớm, và vô sinh ở cả nam và nữ.
Những người tiếp xúc lâu dài với chì có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, thận, cao huyết áp, vô sinh cao hơn so với bình thường.
Tổ chức Bảo vệ môi trường (Environmental Protection Agency (EPA)), Trung tâm Quốc tế về Nghiên cứu ung thư (International Agency for Research on Cancer (IARC)) và Bộ Sức khoẻ và các dịch vụ liên quan đến con người (The Department of Health and Human Services (DHHS)) của Hoa Kỳ đã xếp chì vào nhóm các chất có thể gây ung thư trên người bởi vì chì có khả năng làm ảnh hưởng xấu đến quá trình sửa sai các tổn thương của vật chất di truyền (ADN).
Các tổn thương của vật chất di truyền của tế bào nếu không được sửa chữa thì có thể sẽ gây ra các đột biến gien và làm tăng cao nguy cơ phát sinh ung thư. Vì vậy, nhiễm độc chì là một tác nhân ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Hỏi: Anh có uống nước ngọt không? Anh thấy những đồng nghiệp của mình có sử dụng loại nước này không? Anh nghĩ sao về nước ngọt? ([email protected])
TS Phan Minh Liêm: Mình ít khi uống nước ngọt mà chủ yếu là uống nước lọc và nước trà xanh. Các đồng nghiệp trong nhóm của mình ít khi uống nước ngọt.
Mình nghĩ việc uống nước ngọt là do sở thích của mỗi cá nhân và cần có sự cân bằng hợp lý. Nếu sử dụng quá nhiều nước ngọt thì chúng ta sẽ dễ bị thừa cân và mắc các bệnh răng miệng, tiểu đường, béo phì. Tiểu đường và béo phì làm tăng nguy cơ ung thư và các bệnh tim mạch...