Nếu bạn chưa biết: Trong trường hợp bạn chưa có khả năng thanh toán toàn bộ dư nợ thẻ tín dụng, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn chuyển khoản dư nợ này sang hình thức trả góp hàng tháng. Hiện tại, gần như tất cả các ngân hàng đều cho phép chủ thẻ tín dụng trả góp dư nợ hàng tháng với mức phí chuyển đổi và lãi suất trả góp được hứa hẹn là "khá thấp".
Để chuyển đổi trả góp dư nợ thẻ tín dụng, tổng dư nợ hiện tại của bạn phải bằng hoặc cao hơn giá trị trả góp tối thiểu theo quy định của ngân hàng.
Ảnh minh họa
Ví dụ: Ngân hàng phát hành thẻ tín dụng mà bạn đang sở hữu quy định giá trị trả góp tối thiểu với dư nợ thẻ tín dụng là 9.000.000 đồng. Lúc này, tổng dư nợ thẻ tín dụng của bạn phải lớn hơn 9.000.000đ, bạn mới có thể chuyển đổi trả góp dư nợ. Thời hạn trả góp có thể linh động từ 3 - 24 tháng với mức lãi suất và mức phí chuyển đổi khác nhau, tùy vào thời hạn trả góp mà bạn lựa chọn.
Câu hỏi cần đặt ra lúc này: Có nên chuyển đổi trả góp dư nợ thẻ tín dụng hay không? Điểm qua 3 gạch đầu dòng dưới đây, bạn sẽ tìm được đáp án cho riêng mình.
1- Phí chuyển đổi trả góp
Bản chất của dư nợ thẻ tín dụng là bạn phải thanh toán toàn bộ dư nợ trong một lần. Trong trường hợp bạn chỉ thanh toán dư nợ tối thiểu hàng tháng, phần dư nợ còn lại sẽ bị tính lãi suất theo toàn bộ dư nợ gốc cộng thêm phí chậm trả.
Bởi thế, khi chuyển đổi trả góp dư nợ thẻ tín dụng, bạn sẽ phải nộp cho ngân hàng 1 khoản phí chuyển đổi, thường dao động trong khoảng 3-8% tổng dư nợ thẻ tín dụng. Khoản phí chuyển đổi này chỉ bị tính 1 lần khi bạn thực hiện yêu cầu chuyển đổi trả góp, và thường sẽ được thu vào kỳ thanh toán trả góp đầu tiên.
2 - Lãi suất trả góp dư nợ thẻ tín dụng là lãi suất phẳng
Lãi suất phẳng (hay còn gọi là lãi suất cố định): Là mức lãi suất được tính dựa trên dư nợ ban đầu. Số tiền lãi bạn phải trả hàng tháng là cố định trong suốt thời gian vay, không giảm dần theo dư nợ.
Tùy vào quy định của ngân hàng và thời gian trả góp bạn lựa chọn mà mức lãi suất trả góp có thể dao động từ 0,8% - 5%/tháng.
Ảnh minh họa
Ví dụ: Bạn chuyển đổi khoản dư nợ 100 triệu sang hình thức trả góp trong vòng 12 tháng, với mức lãi suất 1,2%/tháng. Lúc này, số tiền lãi bạn phải trả hàng tháng là 1.200.000 đồng. Số tiền gốc bạn phải trả hàng tháng là 8.333.333 đồng.
Với cách áp dụng lãi suất phẳng như thế này, dù dư nợ gốc của bạn là 100.000.000 đồng (vào kỳ thanh toán đầu tiên) hay 10.000.000 đồng (sau khi đã trả góp được vài tháng), tiền lãi bạn phải trả vẫn bị tính dựa trên nợ gốc ban đầu, là 100.000.000 đồng, chứ không giảm dần theo dư nợ gốc.
3 - Phí phạt tất toán trước hạn
Vì đã chuyển đổi dư nợ thẻ tín dụng sang hình thức trả góp hàng tháng trong một thời gian cố định, nếu bạn tất toán hết toàn bộ dư nợ trước thời hạn, bạn sẽ bị tính phí tất toán trước hạn. Khoản phí này dao động trong khoảng 2-5% dư nợ tại thời điểm bạn muốn tất toán.
Ví dụ: Bạn chuyển đổi khoản dư nợ 100 triệu sang hình thức trả góp trong vòng 12 tháng. Trả góp được 8 tháng, bạn bỗng dưng có tiền và muốn trả hết khoản nợ này thay vì trả góp thêm 4 tháng nữa. Lúc này, dư nợ của bạn đang là 33.333.333 đồng. Giả sử ngân hàng quy định phí phạt tất toán trước hạn là 3%/dư nợ hiện tại, vậy thì ngoài khoản tiền 33.333.333 đồng, bạn còn phải trả thêm 999.999đ tiền phạt tất toán trước hạn.
Bẫy trả góp dư nợ thẻ tín dụng?
Trả góp dư nợ thẻ tín dụng sẽ trở thành một cái bẫy luẩn quẩn không hồi kết nếu bạn không nhận thức được điều này: Tuyệt đối không chi tiêu tiền từ thẻ tín dụng trong thời gian đang trả góp dư nợ!
Không giống như các khoản vay trả góp thông thường, khi trả góp dư nợ thẻ tín dụng, ngân hàng vẫn cho phép bạn chi tiêu số tiền mà bạn đang trả góp vào thẻ hàng tháng. Và nếu bạn vừa trả góp dư nợ tín dụng, vừa dùng số tiền đó để chi tiêu mua sắm, quyết định trả góp dư nợ thẻ tín dụng sẽ trở nên công cốc.
Bởi thế, hãy cân nhắc thật kỹ về vấn đề dòng tiền cá nhân trước khi quyết định có nên trả góp dư nợ thẻ tín dụng hay không.