Trả đũa vụ Huawei: Trung Quốc dùng "kế hiểm" để bóc mẽ Mỹ trước đồng minh

Thi Anh |

Có khả năng Bắc Kinh sẽ nới lỏng mối liên kết giữa Washington và nhiều đồng minh của Mỹ thông qua chiến thuật này.

Những vụ bắt giữ công dân Canada và Australia gần đây của Trung Quốc đã khiến phương Tây phải lo ngại về khả năng Trung Quốc đang áp dụng một hình thức được cho là "ngoại giao con tin". Các nhà phân tích băn khoăn, liệu chính quyền Trung Quốc có sẵn sàng liều lĩnh bắt giữ công dân Mỹ hay không, SCMP đưa tin.

Mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài cùng nhiều tình huống căng thẳng chiến lược, cho tới thời điểm hiện tại công dân Mỹ vẫn chưa bị nhắm tới. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu có phải Trung Quốc đang lưỡng lự, không muốn gây thù chuốc oán với Washington theo cách ấy hay không.

Vụ bắt giữ cựu nhân viên ngoại giao Trung Quốc Yang Hengjun, hiện đang là công dân Australia, tuần này đã khiến phương Tây e ngại rằng Bắc Kinh sẽ bắt giữ các công dân nước ngoài để trả đũa nhằm vào chính phủ các nước này.

Hai công dân Canada, cựu quan chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, cũng đã bị Trung Quốc bắt giữ với cùng cáo buộc liên quan tới "an ninh quốc gia" giống như Yang.

Ottawa cho rằng, những động thái này có thể liên quan tới vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, vốn được thực hiện theo yêu cầu dẫn độ từ Mỹ. Washington cáo buộc bà này có hành vi gian lận, liên quan tới cấm vận nhằm vào Iran.

Bắc Kinh đã bác bỏ quan điểm cho rằng nước này áp dụng lối ngoại giao con tin. Các chuyên gia cũng đang tranh cãi về chuyện: Liệu vụ của Yang có liên quan tới vụ bắt giữ 2 người Canada hay không.

John Hemmings, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á tại trung tâm nghiên cứu Henry Jackson Society (Anh), nhận định: Bắc Kinh sẽ không muốn bắt đầu một cuộc xung đột kiểu trả đũa lẫn nhau hoặc đối mặt với sức ép gia tăng từ Washington bằng cách nhắm vào người Mỹ ở Trung Quốc.

"Trừng phạt đồng minh chứ không nhắm vào Mỹ, Trung Quốc phát đi một thông điệp ngầm nhưng rõ ràng cho các đồng minh của Mỹ, rằng Washington sẽ không bảo vệ lợi ích của họ như của mình", Hemmings nói.

"Có khả năng Bắc Kinh sẽ nới lỏng mối liên kết giữa Washington và nhiều đồng minh của Mỹ thông qua chiến thuật này - sau cùng, những liên minh của Mỹ chính là một trong những thế mạnh của nước này, cho phép nước này phô trương sức mạnh trên toàn cầu".

Euan Graham, giám đốc điều hành La Trobe Asia, thì cho rằng vụ bắt giữ Yang và 2 công dân Canada có thể cho thấy: Trung Quốc đang nhắm vào mạng lưới tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn), gồm cả Anh và New Zealand.

Graham cho biết, các nước thuộc Five Eyes đang phối hợp chặt chẽ nhằm hạn chế sự truy cập của Huawei vào các khu vực nhạy cảm trong hạ tầng viễn thông của họ.

Những lo ngại ngày càng gia tăng về động thái của Bắc Kinh đã khiến cả Canada và Mỹ phải ban hành các khuyến cáo mới về du lịch Trung Quốc, cảnh báo về việc "thi hành luật lệ địa phương tùy ý".

Thậm chí, trong khuyến cáo của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ còn đề nghị người Mỹ gốc Hoa phải thận trọng và "có thể bị chú ý".

Trên đây là phần lược dịch bài phân tích của hai cây viết Sarah Zheng, Kinling Lo đăng trên SCMP. Bài viết không thể hiện quan điểm của tòa soạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại