Trong thông cáo trên truyền hình Venezuela, ông Rodriguez dẫn các số liệu thống kê về tình trạng đói nghèo ở nước láng giềng Colombia và thông báo 20.000 thùng thực phẩm viện trợ sẽ được chuyển tới thành phố biên giới Colombia Cucuta.
CNN bình luận, đây là một động thái rõ ràng nhằm đáp trả nỗ lực chuyển thực phẩm viện trợ tới cho những người dân trong tình trạng nghèo đói ở Venezuela.
Cucuta được biết đến là điểm tập trung các chuyến hàng viện trợ nhân đạo từ nước ngoài để chuyển vào Venezuela. Đây cũng là nơi lưu trú của nhiều người dân tị nạn từ Venezuela để thoát cảnh đói nghèo. Cho đến này, chính quyền tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vẫn cự tuyệt tiếp nhận hàng viện trợ, khiến số hàng bị dồn ứ ở biên giới với Colombia.
Lãnh đạo đối lập, chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido - người tự phong làm tổng thống lâm thời từ tháng 1 và được Mỹ hậu thuẫn - đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nước này. Theo đề nghị của ông Guaido, Washington đã chuyển thực phẩm và thuốc men đến Cucuta.
CNN dẫn báo cáo thường niên của đại học Mỹ có nghiên cứu chặt chẽ các điều kiện xã hội ở Venezuela, cho thấy năm 2017 gần 90% người dân quốc gia Nam Mỹ sống trong trong tình trạng đói nghèo, trong khi mỗi người Venezuela đã mất 11 kg trọng lượng cơ thể.
Tổng thống Maduro gọi động thái viện trợ nhân đạo của Mỹ là chiêu bài hòng lật đổ chính phủ của ông, đồng thời khẳng định nước này không bị vướng vào cuộc khủng hoảng nhân đạo như phe ông Guaido tuyên bố, và nói người Venezuela "không phải những tên ăn mày".
Tuy nhiên, CNN cho biết, Venezuela đã tiếp nhận các đợt hàng viện trợ trước khi căng thẳng chính trị leo thang như hiện nay. Caracas đã nhận 9.2 triệu USD thực phẩm và sản phẩm y tế do Liên hợp quốc phê chuẩn, gần đây nhất là vào tháng 11/2018.
Trong khi cự tuyệt hàng viện trợ nhân đạo từ Mỹ, tổng thống Maduro ngày 18/2 phát biểu trước giới khoa học Venezuela, xác nhận Nga sẽ chuyển đến nước này 300 tấn hàng viện trợ.
"Chúng ta sẽ nhận được hàng viện trợ nhân đạo mỗi ngày," ông nói, bổ sung rằng hàng viện trợ Nga sẽ được chuyển tới sân bay Caracas.
Phe đối lập có kế hoạch đưa hàng viện trợ từ Cucuta vào Venezuela vào ngày 23/2 tới, nhưng chưa rõ họ sẽ thực hiện điều này bằng cách nào khi không được sự ủng hộ của quân đội và cảnh sát - những lực lượng vẫn thể hiện sự trung thành với ông Maduro.
LHQ và Hội Chữ thập đỏ kêu gọi các bên tại Venezuela không chính trị hóa vấn đề hàng viện trợ.
Chính trường Venezuela trở nên căng thẳng sau khi Guaido đã tự phong là “tổng thống lâm thời”. Theo sau Mỹ, các nước Canada, Argentina, Brazil, Paraguay, Ecuador, Chile, Guatemala, Colombia, Peru, cùng Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã công nhận chức danh tự xưng của ông này.
Nhiều nước khác như Nga, Trung Quốc, Cuba, Mexico, và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn lên tiếng ủng hộ đối với chính phủ Maduro.