Australia đánh giá lại trọng tâm quân sự
Trong những năm qua, học viên tốt nghiệp các chương trình huấn luyện quân sự ở Australia đã học tiếng Dari (Afghanistan) và Pashto (Afghanistan-Pakistan) - ngôn ngữ của những quốc gia xa xôi nhưng bỏ qua ngôn ngữ Bahasa và Pijin của nước láng giềng Thái Bình Dương Indonesia.
Tuy nhiên, khi quân đội Australia giảm dần sự hiện diện ở Afghanistan và Iraq - nơi đóng quân cùng đồng minh Mỹ từ đầu năm 2000 - họ đã bắt đầu xét lại mối quan tâm đối với các nước láng giềng.
Khi Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, khu vực này được ví như một "chiến trường" khác, The New York Times (Mỹ-NYT) nhận định.
Theo đó, giờ đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Australia phải đối mặt với một cục diện hoàn mới. Một bên là Mỹ - đồng minh quân sự chính thức, một bên được xem là một quốc gia có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển kinh tế, trong khi Trung Quốc và Mỹ ngày càng coi nhau là đối thủ địa chính trị.
Tuần trước, ba tàu chiến Trung Quốc đã cập cảng Sydney, khiến nhiều người bản địa ngạc nhiên, cho thấy ảnh hưởng và thách thức của Bắc Kinh đối với Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương đã được chứng minh một cách sống động.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức một chuyến thăm quân sự như vậy nhưng quy mô của nó lớn hơn các chuyến thăm trước đây và chính phủ Australia đã hoàn toàn giữ bí mật về chuyến thăm này.
Một trong ba tàu chiến TQ cập cảng Sydney tuần trước. Thủ tướng Morrison gọi đây là chuyến thăm đáp lễ nhưng nhiều người dân Australia đã rất ngạc nhiên về chuyến thăm này. Ảnh: NYT
Trước sự bất ngờ của người dân, Thủ tướng Scott Morrison gọi đó là chuyến thăm đáp lễ, minh chứng cho mối quan hệ hai nước. Các chuyên gia an ninh quốc gia Australia thì nói rằng đó là sự phô trương lực lượng của Trung Quốc, một mũi tên trúng hai đích khi nhắc nhở về mối quan hệ lâu dài giữa Australia và Trung Quốc cũng như thể hiện tham vọng quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.
"Không có nhiệm kỳ chính phủ nào ở Australia thể hiện quá rõ ràng việc ủng hộ Washington, gây rủi ro cho mối quan hệ với Trung Quốc", ông Hugh White, Giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, nói, "Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi sự cạnh tranh giữ Mỹ và Trung Quốc ngày càng công khai".
Ông White cho hay Australia đã giảm niềm tin về việc Mỹ sẽ dẫn trước Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược.
"Điều này là do Trung Quốc mạnh hơn bất kỳ đối thủ nào trước đây và mặc dù Mỹ rất cứng rắn, nhưng trông vẫn yếu đuối và thiếu tin cậy", người vừa xuất bản một cuốn sách có tựa đề " Làm thế nào để bảo vệ Australia" chia sẻ.
Nhằm cân bằng sức ảnh hưởng của Trung Quốc
Là một phần trong nỗ lực tái công nhận với các nước láng giềng, quân đội Australia vừa hoàn thành chiến dịch trên biển kéo dài 11 tuần, trong đó quân đội Australia đã tiến hành các cuộc tập trận chung với các quân đội các nước Indonesia, Malaysia, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan và Ấn Độ.
Trong khi những người ủng hộ cho rằng, Australia chưa bao giờ rời khỏi khu vực này và các mối quan hệ đối tác quân sự của nước này cũng đã được thử thách qua các cuộc chiến. Nhưng John Blaxland, chuyên gia lịch sử quân sự kiêm Giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia nói rằng: "Phải thừa nhận rằng trước đây chúng ta chưa làm tốt và bây giờ chúng ta cần tái đầu tư".
Quân đội Australia dự kiến sẽ mở rộng lực lượng lên 62.000 người. Theo chương trình trị giá 62 tỷ USD, Australia đang đóng 54 tàu hải quân, trong đó có 12 tàu ngầm lớp tấn công, giúp tăng gấp đôi quy mô của hải quân. Quân đội Australia cũng đã mua 72 máy bay chiến đấu tấn công F-35A.
Khi tàu Trung Quốc cập cảng Sydney, ông Morrison đang thực hiện chính sách đối ngoại của mình. Ông đã đến thăm Quần đảo Solomon, một đồng minh ở Thái Bình Dương. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức vào tháng trước và cũng là chuyến thăm đầu tiên tới Solomon của một Thủ tướng Australia kể từ năm 2008.
Thủ tướng Morrison đã thăm Quần đảo Solomon trong tháng này, động thái nhằm tăng cường quan hệ giữa Australia và các nước trong khu vực. Ảnh: Văn phòn Thủ tướng Australia
Mục đích của việc dừng chân này cho thấy liên minh bảo thủ của ông Morrison sẽ tiếp tục ưu tiên cho nhiệm vụ hàng đầu được gọi là bước tiến Thái Bình Dương - một nỗ lực nhằm tăng cường sự trao đổi trong khu vực.
Trong năm qua, các quan chức Australia đã đến thăm, củng cố tăng cường quan hệ với các quốc gia như Quần đảo Solomon, Papua New Guinea, Vanuatu, Fiji và Tonga. Đặc biệt trong chuyến thăm Quần đảo Solomon, Thủ tướng Morrison đã cam kết đầu tư 175 triệu USD vào cơ sở hạ tầng ở nước này.
Nhưng chuyến thăm này không chỉ là một cuộc gặp gỡ thân thiện. Mỗi động thái của ông Morrison đều nhằm che khuất cái bóng của Trung Quốc.
Quần đảo Solomon là một trong sáu quốc gia Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, trong khi Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời.
Do không có mối quan hệ chính thức với các quốc gia Thái Bình Dương này nên Trung Quốc gặp hạn chế về sự mở rộng ảnh hưởng chính trị và quân sự trong khu vực, còn Quần đảo Solomon nhận thấy cần phải chuyển hướng sang đối tác thương mại lớn nhất của mình là Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo của Solomon cho biết họ đang cân nhắc một động thái như vậy, cũng như liệu có nên tham gia vào sáng kiến Vành đai và con đường của Bắc Kinh hay không.
Bất chấp áp lực từ Mỹ, Thủ tướng Morrison cho biết, ông sẽ không sử dụng ảnh hưởng của mình để cố gắng đảm bảo rằng Solomon vẫn là đồng minh của Đài Loan. Dù không thiết lập mối quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng Mỹ hiện được coi là một trong những nguồn cung cấp thiết bị quân sự lớn cho đảo này. Tuần trước, chính quyền Tổng thống Trump cho biết sẽ bán hơn 2 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan.
Thủ tướng Morrison cũng quyết tâm không tham gia vào cuộc chiến thương mại đang ngày càng khoét sâu giữa Mỹ và Trung Quốc, ngay cả khi trong tháng này, Nhà Trắng đã xem xét áp thuế đối với mặt hàng nhôm của Australia.
Tuy nhiên, chính phủ Tổng thống Trump đã nhượng bộ trước sự phản đối của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng liên minh quân sự với các đồng minh quan trọng nhất ở Thái Bình Dương sẽ bị ảnh hưởng.
Mới đây, Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành quốc gia có hạm đội hải quân lớn nhất thế giới, có khả năng triển khai nhiều tàu đến nhiều vùng biển hơn.
Trung Quốc đang mong muốn xây dựng một cảng ở Papua New Guinea và tăng cường giám sát xung quanh đảo Manus. Mỹ và Australia đang xây dựng một căn cứ hải quân trên đảo này.
Ông White cho hay mối lo ngại của Australia đã tăng lên bởi những nghi ngờ rằng về việc Mỹ sẽ chiến đấu nếu bị Trung Quốc thúc ép hoặc họ sẽ rút lui khỏi khu vực nếu không thể tìm cách kiềm chế Trung Quốc.
"Đây là một câu hỏi rất khó khăn đối với người Australia", ông này nói, "Bởi vì chúng ta khó có thể tưởng tượng được mọi thứ sẽ thế nào nếu không có Mỹ là đồng minh".