Thành phố "kiểu mẫu" cho thế giới?
Thâm Quyến - thủ phủ công nghệ cao của Trung Quốc nằm ngay sát Hong Kong - sẽ trở thành một khu đặc quyền kinh tế mới để nước này tiến hành các bước cải cách táo bạo hơn.
Mới đây, Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch chi tiết đối với các phương án cải cách sâu rộng sẽ được áp dụng tại Thâm Quyến ở các khu vực pháp lý, tài chính, y tế và xã hội - SCMP dẫn nguồn CCTV cho hay.
Theo đó, Thâm Quyến sẽ trở thành hình mẫu của "phát triển chất lượng cao, một ví dụ về trị an và văn minh, cũng như hài hòa xã hội và bền vững".
Mục đích của Bắc Kinh là biến thành phố này thành nhân tố đi đầu về sáng tạo, dịch vụ công và bảo vệ môi trường tính tới năm 2025. Kế hoạch của Trung Quốc cũng đặt mục tiêu đưa Thâm Quyến cạnh tranh trên thế giới về năng lực kinh tế tính đến năm 2035 và là một "điểm chuẩn" toàn cầu về khả năng cạnh tranh, sáng tạo, cũng như tầm ảnh hưởng tính đến giữa thế kỷ.
Các tổ chức quốc tế và những công ty lớn sẽ được khuyến khích thành lập chi nhánh và trụ sở ở Thâm Quyến. Thành phố này cũng được tạo điều kiện "đưa ra những thay đổi linh hoạt về luật pháp, quy định" dưới sự ủy quyền và dựa trên nhu cầu cải cách, phát triển của Thâm Quyến.
Thậm chí, thay đổi về mặt chính trị cũng sẽ được cho phép, theo định hướng của chính quyền Trung Quốc.
Ngoài ra, CCTV đặc biệt nhấn mạnh tới kế hoạch tích hợp Hong Kong và Macau vào dự án Greater Bay Area, nhằm kết nối các khu vực này với Thâm Quyến và 8 thành phố khác ở Quảng Đông trong một trung tâm kinh doanh và kinh tế. Một trung tâm "dữ liệu lớn" (big data) sẽ được đặt ở Thâm Quyến.
Người Hong Kong sống và làm việc ở Thâm Quyến sẽ được cấp quyền cư trú, với nhiều hoạt động văn hóa mới được triển khai ở Thâm Quyến cùng Hong Kong và Macau.
Hong Kong bị gạt ra rìa?
Hồi tháng 2, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch Greater Area Bay nhằm biến 11 thành phố và khu vực thành một nhóm kinh tế tổng hợp, trong đó Hong Kong, Macau, Thâm Quyến và Quảng Châu được xác định là 4 "cột trụ" phát triển.
Tuy nhiên, bản kế hoạch chi tiết được công bố trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Hong Kong. SCMP cho biết, các cuộc biểu tình ở Hong Kong, hiện đã diễn ra liên tiếp 11 tuần, đã làm nảy sinh nghi vấn về việc liệu Bắc Kinh có "giáng cấp" Hong Kong trong dự án Greater Bay Area.
Khi tài liệu này được thảo luận lần đầu tiên hồi cuối tháng 7, các nhà phân tích đã nhận định với SCMP rằng mục đích của dự án là dấu hiệu cho thấy vị thế gia tăng của Thâm Quyến ở khu vực Greater Bay Area và chỉ ra một sự chuyển dịch trong chính sách của Bắc Kinh từ Hong Kong sang các thành phố đại lục để thúc đẩy sự phát triển của khu vực.
Mắc kẹt trong cuộc thương chiến với Mỹ, Trung Quốc đang tập trung vào khu vực công nghệ cao để thúc đẩy phát triển và giảm bớt phụ thuộc vào việc nhập khẩu các công nghệ chủ chốt.
Trong bối cảnh các công ty Trung Quốc như ZTE đang bị đe dọa cắt nguồn cung microchip còn Huawei thì bị cấm vận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi ngành công nghiệp này cải tiến và trở nên tự chủ hơn.