Trong vài tháng gần đây, căng thẳng giữa 2 quốc gia đã leo thang lên một cấp độ mới. Tại Biển Đông, Washington đã lên án hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khu vực này.
Tại Hoa Đông, Tokyo và Bắc Kinh vẫn tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Song trong cuộc xung đột đó, Mỹ bị cáo buộc là đã gây sức ép, buộc các đồng minh Thái Bình Dương phải tỏ thái độ cứng rắn hơn trước sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Mới đây, một bài viết của nhà báo Bill Gertz trên tờ Asia Times còn chỉ ra rằng, Trung Quốc đã tích trữ tên lửa trong nhiều năm qua do lo ngại Mỹ gây hấn.
"Kho tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của Bắc Kinh đã tăng lên đều đặn trong nhiều thập kỷ qua, các hệ thống mới được triển khai với đủ mọi tầm bắn - tầm ngắn, tầm trung và liên lục địa", Gertz viết, "Một số tên lửa hành trình tầm xa, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân/thông thường cũng được triển khai".
Tên lửa DF-26 được mệnh danh là "sát thủ diệt Guam".
Thêm vào đó, Bắc Kinh đang bí mật phát triển một loại vũ khí siêu vượt âm, gọi là DF-ZF (hay WU-14), có khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Hiện Mỹ đang có kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên bán đảo Triều Tiên. Mặc dù Washington tuyên bố động thái này là nhằm răn đe Triều Tiên nhưng Bắc Kinh cho rằng điều đó sẽ làm mất ổn định an ninh trong khu vực.
Để đáp trả, Trung Quốc đã tăng cường các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun khẳng định: "Phát triển các năng lực phòng thủ tên lửa phù hợp là điều rất cần thiết đối với Trung Quốc để bảo đảm an ninh quốc gia và nâng cao năng lực phòng vệ. Điều này không nhắm vào bất cứ mục tiêu nào hay quốc gia nào khác, cũng không nhằm phá vỡ trạng thái cân bằng chiến lược quốc tế.
Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các hành động có liên quan của Mỹ-Hàn Quốc và sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết để duy trì an ninh quốc gia, cũng như trạng thái cân bằng chiến lược trong khu vực".
Trước đây, phần lớn các chương trình phát triển của Trung Quốc đều được tiến hành bí mật, tuy nhiên hiện nay, Bắc Kinh ngày càng công khai nhiều hơn về năng lực tên lửa của mình, khiến Mỹ không thể phớt lờ.
"Chương trình nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu vượt âm (của Trung Quốc) cũng đặt ra thách thức cho những tính toán của chúng ta. Khả năng tìm kiếm, theo dõi, ngăn chặn... đang trở nên ngày càng khó khăn.
Công nghệ siêu vượt âm có thể gây trở ngại cho các cảm biến và phương pháp phòng thủ của chúng ta" - Đô đốc Cecil Haney, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ phát biểu tại một hội nghị tên lửa gần đây.
Ông Haney cho rằng, Lầu Năm Góc cần phải suy tính lại khả năng phòng thủ tên lửa của mình.
Theo một bài viết trên tờ China Military Online, căng thẳng leo thang giữa 2 siêu cường này chắc chắn sẽ dẫn tới chiến tranh.
"Vấn đề không phải là liệu có bùng nổ chiến tranh hay không, mà là khi nào?", tờ này viết, "Nhiệm vụ của chúng ta là phải phát triển được vũ khí 'át chủ bài' dành cho Trung Quốc trước khi cuộc chiến diễn ra".