Cuộc thử nghiệm đầu đạn cơ động tốc độ cao diễn ra tại trung tâm thử nghiệm tên lửa Ngũ Trại, tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc, cách Bắc Kinh khoảng 400km về phía Tây Nam.
"Các vệ tinh đã theo dõi hành trình của phương tiện bay cơ động, di chuyển với tốc độ vài nghìn dặm mỗi giờ khi nó bay dọc theo rìa khí quyển tới khu vực chỉ định ở phía tây Trung Quốc" - Gertz viết.
Tính tới nay, Trung Quốc đã 7 lần thử nghiệm loại vũ khí mới. Cuộc thử nghiệm DF-ZF gần đây nhất diễn ra vào tháng 11 năm 2015. Đây là loại vũ khí tốc độ cực cao, có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ dùng tên lửa đánh chặn của Mỹ.
Theo các nguồn tin mở, nó có thể đạt tốc độ trong khoảng Mach 5 - Mach 10.
Mô tả cơ chế hoạt động của DF-ZF, tạp chí Diplomat (Nhật Bản) cho hay, DF-ZF được đưa lên vùng ranh giới giữa khí quyển Trái Đất và khoảng không vũ trụ (cách mặt đất gần 100km) bằng một hệ thống phóng tên lửa đạn đạo cỡ lớn.
Khi đã đạt đến độ cao này, nó bắt đầu bay theo quỹ đạo tương đối thẳng bằng cách cơ động vọt lên và sau đó tăng tốc độ tới Mach 10.
Giai đoạn di chuyển này không chỉ cho phép DF-ZF thực hiện các đợt cơ động tối đa và tránh hệ thống đánh chặn của đối phương, mà còn mở rộng tầm bay của tên lửa.
Trung Quốc liên tiếp thử nghiệm thành công phương tiện bay siêu vượt âm.
Trong cuộc thử nghiệm lần 4 vào tháng 6/2015, giới chức tình báo Mỹ cho biết, DF-ZF đã thực hiện các đợt cơ động tối đa, khác hẳn với những lần thử nghiệm trước.
Điều khiến DF-ZF trở nên đặc biệt nguy hiểm đó là hiện nay, chưa có hệ thống phòng thủ nào đủ mạnh để chống lại vũ khí siêu vượt âm.
Các phương tiện bay thông thường tái xâm nhập bầu khí quyển theo quỹ đạo có thể đoán trước của tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, phương tiện bay siêu vượt âm gần như không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường sử dụng cảm biến vệ tinh và radar trên bộ/trên biển để theo dõi mục tiêu.
Một khi được triển khai, đầu đạn DF-ZF lắp đặt trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (vd như DF-41) sẽ mang lại cho Trung Quốc khả năng tấn công toàn cầu.
Đầu đạn siêu vượt âm còn có thể được gắn trên các tên lửa đạn đạo chống tàu tầm ngắn và tầm trung, có khả năng xuyên thủng mạng lưới phòng thủ nhiều lớp của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ.
Song, theo một số báo cáo, điểm yếu về máy tính hiệu năng cao đang gây khó khăn cho chương trình DF-ZF của Trung Quốc và làm chậm nỗ lực thiết kế vũ khí siêu vượt âm của nước này.
Các siêu máy tính của Mỹ hiện hoạt động nhanh hơn máy tính Trung Quốc gấp 10 lần.
"Nếu không có máy tính với tốc độ xử lý cao hơn, các nhà nghiên cứu Trung Quốc sẽ phải lãng phí thời gian "chẻ nhỏ" các thuật toán phức tạp để có thể ứng dụng trên những cỗ máy kém tiên tiến hơn" - Tờ South China Morning Post đề cập trong một bài viết vào năm ngoái.
Phần lớn chuyên gia cho rằng phải 2 thập kỷ nữa Trung Quốc mới có thể triển khai tên lửa trang bị đầu đạn DF-ZF có khả năng tấn công mục tiêu di động, mặc dù theo một số nhà phân tích, vũ khí mới có thể được Bắc Kinh triển khai ngay từ năm 2020.