TQ săn lùng "trái tim" cho phi đội Z-10: Vỡ mộng vì tưởng bở, điêu đứng vì danh ăn cắp khắp nơi

Lâm Vy |

Những nước được Bắc Kinh tìm đến để nhờ cậy giúp đỡ đều nghi ngại rằng, "như những gì thường làm trong quá khứ, TQ thực chất chỉ muốn ăn cắp công nghệ mà không phải trả tiền".

Vỡ mộng vì tưởng bở

Trung Quốc, trong 8 năm qua, mới chỉ sản xuất 118 chiếc trực thăng tấn công Z-10. Mẫu máy bay này là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc nhằm thiết kế một mẫu trực thăng tấn công theo phong cách phương Tây.

Sở dĩ tốc độ sản xuất thấp như vậy là do Trung Quốc gặp phải một số vấn đề, và họ muốn khắc phục được chúng trước khi đi vào sản xuất hàng loạt. Cho tới hiện tại, một số trục trặc đã được khắc phục bằng cách nâng cấp hoặc thay tính năng mới.

Ví dụ, trong gói nâng cấp gần đây, ống xả động cơ được chỉnh hướng lên phía trên các cánh quạt thay vì ra phía sau. Việc đưa khí thải nóng lên các cánh quạt giúp làm giảm nhiệt hồng ngoại , ngăn máy bay bị các tên lửa đầu dò tầm nhiệt phát hiện.

Trung Quốc còn lắp đặt cho Z-10 một loạt hệ thống phòng thủ điện tử và kiểm soát hỏa lực ấn tượng. Việc này một phần nhằm bù đắp cho động cơ kém mạnh mẽ mà Z-10 đã trang bị trong một thời gian dài.

Với động cơ kém mạnh mẽ, Z-10 kém cơ động hơn. Trung Quốc đã phải tháo bỏ một số tấm giáp và giảm trọng tải vũ khí để khôi phục khả năng cơ động cho máy bay. Song, ngay cả khi như thế, Z-10 vẫn có thể mang tới 16 tên lửa ADK10, còn được biết tới là tên lửa "Hellfire" bản Trung.

TQ săn lùng trái tim cho phi đội Z-10: Vỡ mộng vì tưởng bở, điêu đứng vì danh ăn cắp khắp nơi - Ảnh 1.

Động cơ WZ16 do Trung Quốc và Pháp hợp tác phát triển. Ảnh: safran-helicopter

Nâng cấp được mong đợi nhất đối với Z-10 là trang bị động cơ trực thăng mới. Theo trang mạng Strategy Page, khi Z-10 chuẩn bị được đưa vào sản xuất hàng loạt, Trung Quốc tưởng rằng họ có sẵn một loại động cơ mạnh mẽ.

Đó là mẫu động cơ WZ16 mà Bắc Kinh vốn hợp tác phát triển với một công ty động cơ trực thăng của Pháp để lắp đặt trên các trực thăng thương mại của Trung Quốc. Thỏa thuận hợp tác phát triển nêu rõ động cơ WZ16 sẽ không được sử dụng cho các trực thăng quân sự. Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể thuyết phục được Pháp thay đổi nhưng thất bại.

WZ16 chắc chắn sẽ mang lại cho Z-10 động cơ mạnh mẽ hơn mẫu PT6C-67C (một thiết kế của Mỹ, sản xuất tại Canada) được trang bị trên các nguyên mẫu của trực thăng này.

Ban đầu, Trung Quốc chỉ định sử dụng động cơ PT6C-67C cho trực thăng dân sự, nhưng vào năm 2003, các nhà phát triển Z-10 nhận ra rằng, Trung Quốc vào thời điểm ấy chưa có mẫu động cơ nào ngang ngửa PT6C-67C và trong một thập kỷ tiếp theo cũng chưa chắc đã có được.

WZ9, một mẫu động cơ nội địa kém mạnh mẽ hơn của Trung Quốc, đã sẵn sàng khi quá trình sản xuất hàng loạt trực thăng Z-10 bắt đầu vào năm 2010.

Trong một thập kỷ tiếp theo đó, các công ty động cơ Trung Quốc vẫn đang miệt mài tìm cách để thiết kế và chế tạo ra một loại động cơ có sức mạnh tương tự như PT6C-67C nhưng không bị giới hạn về cách thức sử dụng.

Quân đội Trung Quốc không hoàn toàn hài lòng với Z-10, chủ yếu bởi vì vấn đề động cơ. Quá trình sản xuất hàng loạt đã bị trì hoãn vài năm cho tới khi Trung Quốc có thể thiết kế và chế tạo một mẫu động cơ phù hợp.

Muối mặt, điêu đứng vì danh "ăn cắp" khắp nơi

Chương trình phát triển Z-10 được Trung Quốc xúc tiến trong những năm 1990 nhằm tạo ra một mẫu trực thăng tấn công theo phong cách phương Tây. Trung Quốc đã tìm đến các hãng sản xuất trực thăng tấn công ở Nam Phi và Italy để nhờ hỗ trợ kỹ thuật.

Tuy nhiên, Nam Phi đã từ chối họ vào năm 2001 do Trung Quốc dường như có ý định mua một chiếc trực thăng tấn công Rooivalk.

Nam Phi nhận ra rằng, như những gì thường làm trong quá khứ, Trung Quốc thực chất chỉ muốn "ăn cắp" công nghệ trên Rooivalk mà không phải trả tiền. Họ đã phát hiện ra bằng chứng về việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ tên lửa, thiết bị điện tử, cũng như các hệ thống pháo của Nam Phi. Italia cũng từ chối Trung Quốc với lý do tương tự như Nam Phi.

TQ săn lùng trái tim cho phi đội Z-10: Vỡ mộng vì tưởng bở, điêu đứng vì danh ăn cắp khắp nơi - Ảnh 2.

Trực thăng Rooivalk do công ty Denel Aviation của Nam Phi phát triển.

Công ty Pratt & Whitney ở Canada đã bị chính phủ Mỹ đưa ra tòa, do Trung Quốc dường như có ý định trang bị động cơ PT6C-67C cho các trực thăng Z-10. Do đó, Canada đã không bán thêm động cơ cho Trung Quốc nữa. Điều này có nghĩa Z-10 sẽ phải đi vào sản xuất hàng loạt với động cơ nội địa WZ9 của Trung Quốc.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc vẫn đang tìm cách phát triển mẫu động cơ thay thế phù hợp cho PT6C-67C. Động cơ WZ16 hợp tác với Pháp vẫn được Trung Quốc xem là phù hợp nhất cho các trực thăng quân sự.

Cho tới nay, Pháp vẫn từ chối đề nghị của Trung Quốc. Bắc Kinh đưa ra lý lẽ rằng WZ16 là dự án hợp tác phát triển, và người Pháp sẽ được đền bù xứng đáng, họ sẽ nhận được nhiều tiền hơn nếu đồng ý cho sử dụng WZ16 trên các trực thăng Z-10.

Người Pháp vốn đã gặp phải một số vấn đề trước đây do Trung Quốc tìm cách ăn cắp công nghệ, nhưng Bắc Kinh không chịu từ bỏ ý định.

Họ đồng ý trả cho Pháp bất cứ thứ kỳ mà nước này muốn, chỉ cần không phải tuân thủ quy định "không sử dụng trong lĩnh vực quân sự", đặc biệt là đối với những động cơ không phải hàng nhập khẩu, mà thuộc diện được chế tạo tại Trung Quốc.

Tính tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa tìm được khách hàng xuất khẩu nào cho Z-10.

3 chiếc Z-10 từng được gửi tới Pakistan để thẩm định, đánh giá nhưng có vẻ Pakistan không mấy ấn tượng với mẫu trực thăng này của Trung Quốc. Thay vào đó, họ quyết định chế tạo một phiên bản của trực thăng A129 theo giấy phép của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế nhưng, thỏa thuận đó gần đây đang gặp phải một số vấn đề về xuất khẩu công nghệ nên Pakistan đang một lần nữa cân nhắc lại mẫu Z-10 của Trung Quốc.

Ngay cả trong tình cảnh hiện tại, quân đội Trung Quốc dường như vẫn xem Z-10 là một phương thức hữu dụng để tích lũy kinh nghiệm vận hành trực thăng tấn công. 118 chiếc Z-10 dành cho quân đội Trung Quốc đã được sử dụng trong nhiều đơn vị chiến đấu.

Trong lúc các hãng chế tạo động cơ trực thăng đang tìm cách cải tiến sản phẩm của họ thì Trung Quốc có khả năng sẽ chế tạo một mẫu trực thăng tương tự AH-64 của Mỹ. Đây hiện là mẫu trực thăng phổ biến nhất trên thế giới với 2.000 chiếc đã được chế tạo, và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại