Ông Tập Cận Bình gửi thông điệp về đất hiếm
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên kiểm tra Công ty TNHH cổ phần Công nghệ Nam châm vĩnh cửu Jinli Giang Tây tại thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây. Chuyến đi được thông báo là để tìm hiểu quá trình sản xuất và vận hành của công ty và sự phát triển của ngành công nghiệp đất hiếm ở thành phố Cám Châu.
Ông Lưu Hạc, Phó thủ tướng Trung Quốc, trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ-Trung, tháp tùng ông Tập trong chuyến khảo sát.
Jinli chủ yếu tham gia vào việc sản xuất và bán các vật liệu nam châm vĩnh cửu hiệu suất cao. Sản phẩm của doanh nghiệp này được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như sản xuất năng lượng điện gió, xe năng lượng mới và phụ tùng ô tô, điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng, thang máy tiết kiệm năng lượng, robot và sản xuất thông minh.
Cám Châu là khu vực sản xuất chính của đất hiếm nặng tại Trung Quốc. Điều này được hiểu rằng vùng này được xem là "vương quốc đất hiếm", với 70% đất hiếm trung bình và nặng được sản xuất tại đây và hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh về đất hiếm từ thăm dò địa chất, lựa chọn vùng mỏ khai thác, luyện kim và gia công chế biến, ứng dụng và thử nghiệm, nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Đây là cơ sở chế biến và gia công lớn nhất cho các sản phẩm đất hiếm ở Trung Quốc, đồng thời cũng trở thành cơ sở công nghiệp hóa công nghệ cao cho các vật liệu mới đất hiếm của Trung Quốc.
Cuộc thị sát của ông Tập tại doanh nghiệp đất hiếm đã thu hút sự chú ý, chủ yếu là do gần đây xuất hiện thông tin cho rằng đất hiếm có thể trở thành một quân bài chủ chốt của Bắc Kinh trong chiến tranh thương mại với Mỹ.
Ông Tập Cận Bình thực hiện cuộc khảo sát và nghiên cứu tại Giang Tây để tìm hiểu sự phát triển của ngành công nghiệp đất hiếm (Ảnh: Xinhua)
Kim Xán Vinh, phó viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế, Đại học Nhân Dân, Trung Quốc đồng thời cũng là chuyên gia về các vấn đề Mỹ, từng nhận định, Bắc Kinh hiện có ba con át chủ bài để chiến thắng trong cuộc chiến thương mại, một trong số đó là nguồn tài nguyên đất hiếm.
Trong danh sách áp thuế quan mới 25% lên hàng hóa Trung Quốc mà Mỹ công bố mới đây không xuất hiện sản phẩm đất hiếm.
Đất hiếm là nguyên liệu thô để chế tạo vi mạch điện tử, với 70% sản lượng toàn cầu đến từ Trung Quốc. Đất hiếm cũng là một điểm yếu của Mỹ, dẫn đến việc quốc gia này phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang, hàm ý trong chuyến thị sát Giang Tây của ông Tập dường như đã rõ.
Động thái phòng ngừa của Mỹ
Để chuẩn bị trước cho những diễn biến xấu nhất, Washington đã đi đầu trong việc tìm ra con đường mới, nhằm ứng phó khả năng Bắc Kinh ngừng việc xuất khẩu đất hiếm như một hành động trả đũa thương mại.
Lynas - công ty chuyên sản xuất đất hiếm của Australia - đã ký bản ghi nhớ hợp tác tập đoàn Blue Line từ bang Texas, Mỹ, để giúp Washington xây dựng một nhà máy tách đất hiếm ở nước này.
Nhà máy của Lynas tại Malaysia (Ảnh: Lynas Corp)
Lynas hiện là công ty đất hiếm lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Đây cũng là doanh nghiệp có chuyên môn về phân tách, trích xuất và thu thập đất hiếm. Sự hợp tác này vừa đủ để bù đắp cho công nghệ phân tách mà Mỹ còn thiếu.
Quan hệ hợp tác giữa Blue Line và Lynas có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng đất hiếm chính của Mỹ. Trong trường hợp Trung Quốc áp dụng biện pháp ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ thì thiệt hại cũng được giảm nhẹ. Theo thống kê, khoảng 80% đất hiếm ở Mỹ hiện nay được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đất hiếm là nguyên liệu thô cho các bộ phận như xe điện, thiết bị điện tử và các sản phẩm khác, đặc biệt là khi xe ô tô đang dần có xu hướng chuyển thành xe điện, thì nhu cầu về xe điện của người dân Mỹ cũng ngày một lớn, chính điều này đã khiến nguồn cung đất hiếm trở nên quan trọng hơn.
Ống nhòm ban đêm, vũ khí dẫn đường chính xác, các thiết bị viễn thông, thiết bị hệ thống định vị toàn cầu, pin cùng nhiều trang bị điện tử quốc phòng khác mà quân đội Mỹ hiện nay sử dụng đều có thành phần là các nguyên tố đất hiếm.