Trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc và Nga có thúc đẩy các biện pháp mới, như triển khai lá chắn tên lửa và các hệ thống quân sự khác ở Vùng lãnh thổ phương Bắc/quần đảo Nam Kuril (mà Nga-Nhật tranh chấp chủ quyền) để gây sức ép lên Hàn Quốc, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ nói:
"Lập trường của phía Trung Quốc phản đối Mỹ và Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) là kiên quyết và rõ ràng."
Nói về việc Nga, Trung tính đến hành động cụ thể hơn nhằm thể hiện sự "phản đối" của mình với THAAD, bà Hoa cho hay "Trung Quốc và Nga có nhận thức chung rất cao cùng nhiều lợi ích chung trong vấn đề này".
"Hai nước sẽ tiếp tục trao đổi thảo luận chặt chẽ," bà Hoa Xuân Oánh nói.
Trước đó ngày 7/6, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin chính quyền Tổng thống Moon Jae In đã quyết định tạm ngừng hoạt động triển khai THAAD ở nước này để tiến hành một cuộc đánh giá tác động môi trường toàn diện.
Các nguồn tin trong Nhà Xanh tiết lộ với Yonhap, liệu Seoul có cho phép tiếp tục triển khai THAAD hay không còn tùy thuộc vào kết quả cuộc đánh giá nêu trên.
Hồi tháng 12/2016, ông Mikhail Ulyanov, Giám đốc Cơ quan chống phổ biến hạt nhân và kiểm soát vũ khí tại Bộ Ngoại giao Nga từng gợi ý "Nga và Trung Quốc có thể thiết lập phương án phản ứng chung nhằm vào việc Mỹ đưa lá chắn tên lửa đến châu Á".
Theo ông Ulyanov, "Nga-Trung đã tỏ rõ thái độ phản đối lá chắn tên lửa Mỹ gây ảnh hưởng đến lợi ích của chúng tôi... Trên trường quốc tế, Nga-Trung sẽ có chung một tiếng nói trong vấn đề này."
Tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva (Nga), ông Viktor Murakhovsky cho rằng Nga và Trung Quốc có thể đưa lá chắn tên lửa tương đương với THAAD đến các khu vực ở châu Á "mà Mỹ và đồng minh cho là nhạy cảm nhất".
Murakhovsky bình luận, về phía Nga, lá chắn tên lửa có thể được đưa tới Vùng lãnh thổ phương Bắc/quần đảo Nam Kuril, thậm chí là khu vực biên giới giáp với Triều Tiên.