Sự không hài lòng với Trung Quốc ngày càng tăng
Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của RAND (Mỹ) cho biết, với trường hợp của Malaysia, việc gửi Công hàm như vậy lên LHQ là một điều khá ngạc nhiên. Trong quá khứ, Malaysia đã quyết định "giảm tông" với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có chồng lấn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này và tránh phải chọn bên giữa Mỹ và Trung Quốc khi cuộc cạnh tranh của 2 cường quốc này nóng lên.
Tuy nhiên, ông Mahathir không còn giữ chức Thủ tướng và người kế nhiệm, ông Muhyiddin Yassin có thể có sự lựa chọn khác, chuyên gia cao cấp của RAND nói thêm.
Murray Hiebert, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định, dường như Malaysia đang củng cố lập luận rằng, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với các thực thể trên Biển Đông không có căn cứ theo luật pháp quốc tế. Malaysia từ trước đến nay vẫn không chấp nhận yêu sách Đường lưỡi bò của Bắc Kinh nhưng thường mềm mỏng hơn và kín tiếng hơn so với các "hàng xóm" trong khu vực.
"Điều thú vị là công hàm được đưa ra sau các văn bản của Mỹ và Úc vài ngày trước", ông Murray Hiebert lưu ý.
TS Collin Koh, Học viện Chiến lược và quốc phòng (Singapore) cho rằng, nếu nhìn lại lập trường của Malaysia về Biển Đông, ngay cả đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, thì vẫn có sự nhất quán.
Bản công hàm mới nhất này đệ trình lên LHQ, theo chuyên gia Singapore là không chỉ để thể hiện sự bất bình chung đối với sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông mà còn từ nguyên nhân tình hình chính trị trong nước, ví dụ như các thảo luận công khai gần đây giữa Ngoại trưởng đương nhiệm Hishammuddin và người tiền nhiệm kỳ cựu Anifah về việc tàu Trung Quốc hoạt động trong vùng biển Malaysia, khiến người dân trong nước đặc biệt quan tâm đến việc xử lý vấn đề này với Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi về việc liệu các hành động gần đây của Trung Quốc ngày một hiếu chiến khiến Malaysia phải lên tiếng, ông Collin Koh cho rằng, rõ ràng trong bối cảnh ASEAN đang bận rộn đối phó với đại dịch Covid-19, Bắc Kinh đang khai thác tình hình để thúc đẩy chương trình nghị sự ở Biển Đông của mình.
Chow Bing Ngeow, Trường Đại học Malaysia nhận định, Malaysia vẫn không chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Mặc dù Malaysia khá "kín tiếng", nước này vẫn đưa ra các tuyên bố khẳng định nếu cần thiết. Quan hệ với Trung Quốc vẫn quan trọng nhưng ở Biển Đông, sự không hài lòng với Trung Quốc ngày càng tăng, vì thế, động thái này là tín hiệu cho thấy sự không hài lòng của Malaysia với Trung Quốc, và khẳng định tuyên bố chủ quyền của Malaysia.
Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách "Lát cắt Salami"
Về phản ứng của các nước ASEAN khác, chuyên gia cao cấp tại RAND nhận định, Philippines đã cố gắng ngả về Trung Quốc dưới thời ông Duterte nhưng đã buộc phải rút lại quyết định hủy hiệp định quốc phòng với Mỹ dưới sức ép của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố của Manila sau khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo công bố quan điểm mới về lập trường với Biển Đông cũng mang tính ủng hộ. Việt Nam trong các phát ngôn cũng thể hiện sự hoan nghênh về mặt nội dung trong chính sách của Ngoại trưởng Mỹ.
Trong khi đó, ông Chow Bing Ngeow cho rằng các nước ASEAN đang quốc tế hóa phán quyết của Tòa trọng tài bác bỏ yêu sách Đường lưỡi bò của Trung Quốc năm 2016 và đều phản đối yêu sách của Trung Quốc nhưng các nước ASEAN vẫn khó có cùng quan điểm trong vấn đề Biển Đông.
Nhận định về tác động từ các Công hàm của 4 nước ASEAN gửi lên LHQ phản đối yêu sách của Trung Quốc, ông Collin Kohn nhận định, nếu nhìn nhận đây như là sự tổng hợp của những nỗ lực cá nhân, có thể động thái này chứng tỏ một sự thống nhất nội bộ. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn cần vượt qua để tất cả 10 quốc gia thành viên cùng hành động như một khối, chuyên gia Singapore nói thêm.
Điều mà các nước thành viên ASEAN cần hướng đến là giải quyết các vấn đề nội bộ và và thống nhất về phương thức tiếp cận các cuộc đàm phán COC thì ASEAN sẽ có một lập trường chung để bàn đàm phán với Trung Quốc.
Về động thái của Bắc Kinh, ông Koh cho rằng, vốn Bắc Kinh không quan tâm đến các phản ứng quốc tế, hiện tại, lối tư duy này được củng cố bởi nhận thức rằng họ đang chiếm ưu thế rõ ràng và nâng cao vị thế của mình ở Biển Đông.
Tất nhiên, Trung Quốc sẽ phải cảnh giác về việc liệu những động thái gần đây có thể báo trước một thách thức quyết liệt hơn trong tương lai. Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm việc trên phương pháp tiếp cận "chia để trị" hoặc "lát cắt salami" đối với ASEAN nhằm ngăn cản sự thống nhất của khối này trên "mặt trận" Biển Đông.