Ngày 31/8, tờ Natonal Interest xuất bản bài viết: "Attention China, Japan's Marines Are Ready to Protect Tokyo's Islands" (tạm dịch: TQ hãy coi chừng, Thủy quân lục chiến Nhật Bản đã sẵn sàng bảo vệ các hòn đảo của Tokyo) của tác giả Sebastien Roblin.
Nhằm đem tới cho độc giả đánh giá khả năng phòng thủ của Nhật Bản trước "mối đe dọa" Trung Quốc dưới cái nhìn của một nhà phân tích phương Tây, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Lực lượng đổ bộ khét tiếng "hồi sinh"?
75 năm trước, cảnh tượng 300 lính Thủy quân lục chiến Nhật Bản tiến vào một bãi biển ở Queensland trên những phương tiện đổ bộ báo hiệu một thất bại thảm hại đối với lực lượng vũ trang Australia.
Nhưng thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ Thế chiến 2. Những người lính từ Lữ đoàn đổ bộ phản ứng nhanh (ARB) của Nhật Bản lần này không phải là những kẻ xâm lược, mà đang tham gia cuộc tập trận quốc tế Talisman Saber 2019 được tổ chức hai năm một lần trên đất Australia.
Binh sĩ Nhật Bản thuộc Lữ đoàn đổ bộ phản ứng nhanh (ARB) trong cuộc tập trận Talisman Saber 2019
Những "bài học xương máu" của Thế chiến 2 đã giải thích tại sao Nhật Bản sau chiến tranh, một quốc gia có 6.852 hòn đảo không có trong tổ chức một lực lượng vũ trang đổ bộ cho đến năm 2018.
Vào những năm 1930, Hải quân Đế quốc Nhật Bản bắt đầu huấn luyện Lực lượng đổ bộ đặc biệt (SNLF) tại một loạt các căn cứ hải quân ở Kure, Maizuru, Sasebo và Yokosuka.
Đến năm 1941, 16 trung đoàn SNLF (quân số tương đương tiểu đoàn bộ binh) đã trở thành tiên phong trong các cuộc xâm lược của Nhật Bản ở Philippines, Đông Ấn Hà Lan (Indonesia ngày nay), Quần đảo Aleut (thuộc bang Alaska, Hoa Kỳ) và New Guinea.
Mặc dù SNLF bao gồm một số đơn vị lính dù và xe tăng, nhưng thành phần cơ bản là bộ binh nhẹ, số lượng tàu đổ bộ cũng hạn chế hơn nhiều nếu so với Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.
Lực lượng này "khét tiếng" bởi các cuộc tàn sát tù binh và ngoan cố chống cự đến người cuối cùng trong các chiến dịch phòng thủ như chiến dịch Tarawa diễn ra vào năm 1943.
Một nhóm lính thuộc SNLF tham chiến tại Thượng Hải, Trung Quốc năm 1937
Hồi sinh "lực lượng xâm lược" phục vụ việc chống xâm lược?
Sau chiến tranh, các nhà lãnh đạo Nhật Bản coi lực lượng đổ bộ về cơ bản là đại diện cho chiến tranh xâm lược, hoàn toàn không phù hợp với cấu trúc của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) và hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.
Đối với khả năng xảy ra xung đột trên các hòn đảo xa xôi, JSDF đã phát triển khái niệm "Hoạt động cơ động hàng hải" để đưa binh lính tới các hòn đảo này trước khi đối phương tiến công.
Nhưng căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh gia tăng trong thế kỷ 21, đặc biệt liên quan tới chủ quyền của quần đảo Senkaku (Điếu Ngư).
Một đơn vị SNLF tại Đảo Hải Nam, Trung Quốc năm 1939
Đáng ngại hơn, một số học giả Trung Quốc đã lập luận rằng quần đảo Nansei/Ryukyu (Lưu Cầu) đông dân ở phía tây nam Nhật Bản, bao gồm Okinawa - nơi đặt căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ cũng thuộc về Trung Quốc.
Những lo ngại về việc Bắc Kinh có thể tấn công các hòn đảo đã dẫn đến việc thành lập ARB với quân số 2.100 người,đóng tại căn cứ Sasebo trên đảo Kyushu.
Vũ khí trang bị hiện đại
Mặc dù các đơn vị SNLF đóng tại Sasebo trong quá khứ trực thuộc Hải quân Đế quốc Nhật Bản, Lữ đoàn mới được tái tổ chức từ Trung đoàn Bộ binh phía Tây (đơn vị thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất - JGSDF) có quân số tương đương tiểu đoàn bộ binh hạng nhẹ (680 lính) được thành lập năm 2002.
Lữ đoàn bao gồm 2 Trung đoàn phản ứng nhanh gồm 800 lính, với kế hoạch gia tăng quân số lên 3.000 người trong tương lai. Các tiểu đoàn phụ trợ bao gồm các đơn vị pháo binh (súng cối RT 120 mm), đơn vị trinh sát (trang bị tàu bơm hơi cỡ nhỏ), đơn vị hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần.
Nhưng đơn vị hỗ trợ chính của lữ đoàn là một Tiểu đoàn đổ bộ-chiến đấu gồm 58 xe bọc thép lội nước AAV-P7A1 có thể đưa thủy quân lục chiến đổ bộ với tốc độ 8 dặm một giờ.
Xe bọc thép lội nước AAV-P7A1 của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản
Xe bọc thép 32 tấn nói trên có thể chở được 21 người với hỏa lực là súng máy cỡ nòng 12,7x99mm (.50 BMG) và súng phóng lựu.
Tuy nhiên, xe được bọc thép khá mỏng, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã mất khá nhiều chiếc tương tự ở Iraq và nó có thể sẽ rất khó khăn để vượt qua các rạn san hô xung quanh hầu hết các hòn đảo phía tây nam của Nhật Bản.
Nhật Bản cũng đang mua 17 máy bay vận tải đổ bộ cánh quạt xoay hướng MV-22B Osprey để tác chiến trên các hòn đảo xa xôi.
Những chiếc Osprey đắt tiền và tỷ lệ tai nạn cao đã dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn của người dân dân Nhật Bản.
Binh sĩ Nhật Bản và máy bay MV-22B Osprey
Tuy nhiên, khả năng độc đáo kết hợp giữa trực thăng và máy bay cánh cố định của Osprey tỏ ra hiệu quả đối với các đảo độc lập nằm ở phía tây nam Nhật Bản (cách 600 dặm nếu so với đảo Kyushu).
Trang bị quan trọng thứ 3 đó là ba tàu đổ bộ lớp Osumi được đưa vào hoạt động giữa năm 1998. Những tàu chiến nặng 14.000 tấn này có thể chứa 1.000 lính, hoặc xe 10 bọc thép cỡ lớn Type 16.
Mỗi tàu có thể chứa 2 trong số 6 tàu đệm khí (LCAC) của Nhật Bản có thể dùng để đổ bộ. Nhật Bản cũng đang nghiên cứu sửa đổi các tàu lớp Osumi để có thể mang theo xe bọc thép lội nước AAV-P7 và máy bay MV-22 Osprey.
Lực lượng phòng vệ biển (JMSDF) có hơn 10 chiếc LCM (tàu đổ bộ hạng nhẹ) và 2 chiếc LCU (tàu đổ bộ hạng nặng - 540 tấn). Ngoài ra JGSDF cũng đã đề xuất mua bổ sung các tàu đổ bộ độc lập với JMSDF.
Tàu đổ bộ lớp Osumi của JMSDF
ARB nhằm vào kẻ địch nào?
Nhật Bản chia sẻ với Australia, Philippine và Hoa Kỳ một mối lo ngại rằng Trung Quốc có thể tấn công các hòn đảo quan trọng ở Thái Bình Dương và làm ảnh hưởng đến các tuyến hàng hải.
Nhưng hiến pháp Nhật Bản cấm các lực lượng thuộc JSDF tham chiến để hỗ trợ các đồng minh. Do đó, mục đích của ARB vẫn là tái chiếm các hòn đảo của Nhật Bản nếu chúng bị tấn công bởi các lực lượng Trung Quốc.
Điều này vẫn có thể đem lại lợi ích đối với Hoa Kỳ và Australia, vì vành đai đảo của Nhật Bản có thể hiệu quả trong việc hạn chế Hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế là một lữ đoàn 3.000 người, dù có khả năng chiến đấu có tốt đến đâu, sẽ không thể đáp ứng tmột cuộc xung đột cường độ cao.
Nhà phân tích Mina Pollmann đã lập luận trên tờ The Diplomat rằng vào thời điểm các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng, Nhật Bản đã "thua cuộc".
Thay vào đó, Tokyo nên đầu tư cho tàu chiến và máy bay để có thể đánh chặn các lực lượng của Trung Quốc tiếp cận các hòn đảo ngay từ đầu.
Song, điều này bỏ qua thực tế rằng ARB có thể giúp ngăn chặn các hành động của dân quân biển của Trung Quốc. Khả năng phản ứng nhanh chóng đối với các sự kiện nóng có thể làm thay đổi căn bản cách tính toán rủi ro cho các hành động đó (của TQ).
Nhóm người Hong Kong cầm cờ Trung Quốc đổ bộ vào đảo Senkaku (Điếu Ngư) năm 2012
Hơn nữa, khả năng đổ bộ của lữ đoàn sẽ cải thiện khả năng của JSDF trong việc cung cấp cứu trợ thiên tai cho các cộng đồng ở các đảo bị cô lập.
Một điều không thể tránh khỏi đó là Trung Quốc sẽ cảm nhận được lực lượng mới được "hồi sinh" của Nhật Bản như là một điềm báo trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt.
Nhưng thực tế, Tokyo chỉ đơn giản là phát triển một "năng lực khiêm tốn" để ứng phó với các cuộc tấn công trên các hòn đảo dễ bị tổn thương.
Binh sĩ Nhật Bản thuộc đơn vị ARB trong cuộc tập trận Talisman Saber 2019 diễn ra trên lãnh thổ Australia.