Hội nghị Á-Âu (ASEM) tổ chức tại Mông Cổ cuối tuần này là diễn đàn ngoại giao quốc tế quan trọng đầu tiên sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague đưa ra phán quyết vụ kiện biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc vào ngày mai, 12/7.
Tình trạng căng thẳng và cuộc "đấu khẩu" giữa Trung Quốc với dư luận quốc tế đã leo thang trong những ngày qua khi Bắc Kinh tuyên bố "không thừa nhận, không tham dự, không chấp hành" phán quyết của PCA, đồng thời nói rằng tòa án quốc tế này không thể ép Trung Quốc chấp nhận kết quả.
Chính phủ Trung Quốc liên tục đổ lỗi cho Mỹ "gây rắc rối" ở biển Đông, khu vực mà Bắc Kinh khăng khăng là "bình yên vô sự" trước khi có sự hiện diện của quân đội Mỹ.
Theo Strait Times (Singapore), Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hữu đã "đánh tiếng" rằng các cuộc thảo luận về biển Đông sẽ không được hoan nghênh tại ASEM lần này.
"Hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo ASEM không phải là nơi phù hợp để thảo luận vấn đề biển Đông. Hiện không có kế hoạch thảo luận chủ đề này trong chương trình nghị sự. Và [biển Đông] cũng không nên được đưa vào chương trình nghị sự," ông Khổng cho biết.
Ông này nói thêm: "Không có lý do gì để đưa tình hình biển Đông, như quan ngại về an ninh hàng hải hay lợi ích an ninh, ra bàn ở ASEM. Điều này không có cơ sở gì cả."
Khổng Huyễn Hữu chỉ trích "sự can thiệp của các nước ngoài khu vực làm leo thang căng thẳng" và tuyên bố "các bên liên quan trong khu vực, như Trung Quốc, đủ tỉnh táo để duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông".
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh có liên quan đến quá trình chuẩn bị cho ASEM nói rằng hiển nhiên vấn đề biển Đông sẽ được nêu ra.
Bên cạnh sự xuất hiện của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, những nhân vật quan trọng khác sẽ tới ASEM gồm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng các lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu (EU).
ASEM là diễn đàn đối thoại và hợp tác không chính thức, được sáng lập vào năm 1996, tổ chức hai năm một lần
Hồi cuối tháng 6, EU đã lần đầu tiên có động thái nhắc nhở Trung Quốc về những hành động của nước này, cụ thể là phản đối "các hành động đơn phương có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng" trong khu vực.