TQ "đổi giọng" chiếu phim khen Mỹ: Bắc Kinh "loạn" đối sách, đưa ra thông điệp mâu thuẫn

Minh Khôi |

Trước thềm thượng định G-20 và cuộc gặp đã được lên lịch với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang chật vật để tìm ra một đối sách rõ ràng.

Trung Quốc chiếu phim ca ngợi Mỹ

Xung đột nội bộ được phản ánh trong 2 thông điệp mâu thuẫn thể hiện qua các bộ phim chiếu trên truyền hình nhà nước Trung Quốc. Vào ngày 19/6, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã thay chương trình được lên lịch từ trước bằng bộ phim ca ngợi Mỹ được sản xuất từ 20 năm trước.

Bộ phim Chuyện tình bên dòng Hoàng Hà dựa trên câu chuyện một phi công Mỹ bị buộc phải hạ cánh xuống gần Vạn Lý trường thành sau một trận chiến với quân đội Nhật trong Thế chiến thứ 2. Nhân vật nữ chính là một nữ quân nhân nói tiếng Anh của quân đội Trung Quốc. Trong bộ phim, hai nhân vật nảy sinh tình cảm với nhau. Ngoài đời, nam diễn viên người Mỹ và nữ diễn viên người Trung Quốc thủ vai chính cũng có một đám cưới.

TQ đổi giọng chiếu phim khen Mỹ: Bắc Kinh loạn đối sách, đưa ra thông điệp mâu thuẫn - Ảnh 1.

Bộ phim Chuyện tình bên dòng Hoàng Hà kể về cuộc tình của một phi công Mỹ và nữ quân nhân Trung Quốc. Ảnh: Nikkei.

Mặc dù sau đó hai người chia tay nhưng vì những lý do này, bộ phim trở nên rất quen thuộc với nhiều người Trung Quốc.

Đài truyền hình CCTV của Trung Quốc đã chiếu bộ phim tình cảm lãng mạn này ngay lập tức sau khi cuộc điện đàm giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra, gợi nên suy đoán về ý định của Trung Quốc: dường như Bắc Kinh đang gửi một thông điệp thân thiện đến Washington.

Nhưng chỉ một tháng trước đây, CCTV đã đột ngột sắp xếp lại các chương trình để chiếu những bộ phim chống Mỹ trong 3 ngày liên tiếp.

Ở Trung Quốc, ngay cả những chương trình giải trí cũng ảnh hưởng bởi chính trị trong và ngoài nước.

Đã một tháng rưỡi trôi qua kể từ ngày Bắc Kinh gửi lại cho Washington bản dự thảo thỏa thuận thương mại đã bị chỉnh sửa, khiến ông Trump ngạc nhiên và tức giận. Tổng thống Mỹ đã tuyên bố tăng thuế trừng phạt với hàng Trung Quốc.

Truyền hình CCTV đã chiếu liên tiếp các bộ phim có nội dung chống Mỹ trong 3 ngày liên tiếp ngay sau sự kiện này. Các bộ phim nhằm mục đích để gửi đến người xem một thông điệp: "Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu với Mỹ một cách triệt để". 

Nhưng con đường khó khăn mà ông Tập chọn có lẽ gây ra những hệ quả kinh tế sâu sắc hơn Bắc Kinh dự kiến.

Tín hiệu mâu thuẫn

Trong bối cảnh Washington và Bình Nhưỡng đang tìm bước đột phá trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, việc ông Tập Cận Bình đến thăm Triều Tiên có thể gây cho Tổng thống Trump ấn tượng rằng, Bắc Kinh đang muốn gây ra một sự bất lợi cho quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa của Mỹ - Triều. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến các cuộc đàm phán thương mại giữa 2 Mỹ và Trung Quốc, tờ Nikkei Asian Review của Nhật bình luận.

Nhưng chuyến đi Bình Nhưỡng sẽ rất quan trọng đối với sự ủng hộ trong nước đối với ông Tập Cận Bình.

Ở Trung Quốc, phe bảo thủ cho rằng bất kỳ động thái nhân nhượng nào với Mỹ cũng không thể chấp nhận và việc bảo vệ hệ thống là ưu tiên hàng đầu. Một cách hiệu quả để làm vừa lòng phe bảo thủ là nâng cấp quan hệ với Triều Tiên, một nước bạn có cùng chung hệ tư tưởng.

Vào ngày 21/6, ông Tập đã đến thăm Tháp hữu nghị Trung - Triều tại Bình Nhưỡng, nơi tưởng niệm chí nguyện quân Trung Quốc đã chiến đấu chống Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên. Nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc đã rời khỏi Triều Tiên ngay sau khi bộ phim về mối tình lãng mạn Trung - Mỹ được phát sóng.

Vì vậy, chính quyền Trung Quốc đã gửi đi một thông điệp mâu thuẫn, khiến nhiều người Trung Quốc hoang mang. Đầu tiên, nước này ca ngợi quan hệ đối tác truyền thống với Triều Tiên để thể hiện lập trường chống Mỹ. Nhưng sau đó, lại báo hiệu một cách tiếp cận hòa giải đối với nền kinh tế số một thế giới một tuần trước hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka.

Ngay cả khi cuộc họp của hai nhà lãnh đạo diễn ra theo kế hoạch, vẫn chưa rõ mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể phát triển như thế nào sau đó. Bản chất khó đoán của Trump có thể gây rắc rối cho Trung Quốc.

Điều nhiều người đang quan tâm là liệu ông Tập có chấp nhận yêu cầu của Washington để thực hiện các biện pháp lập pháp để củng cố thỏa thuận thương mại?

"Nếu các cuộc đàm phán thất bại, các bộ phim thân Mỹ sẽ biến mất và chúng tôi sẽ quay lại xem các bộ phim chống Mỹ", một nguồn tin tại Bắc Kinh cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại