"Lần đầu tiên trong lịch sử, suy thoái kinh tế thế giới bắt nguồn từ Trung Quốc", tờ Nikkei (Nhật Bản) cho biết, quan điểm này xuất phát từ sự hỗn loạn thị trường thế giới sau tháng 8 vừa qua. Mỹ tăng thuế đối với Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ giảm xuống dưới mốc 7 tệ đổi 1 USD và Mỹ liệt kê Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ... Các yếu tố này khiến tất cả các nhà đầu tư toàn cầu nghĩ rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục xấu đi.
Quốc gia phát triển ý thức mạnh mẽ nhất về luồng gió tới từ Trung Quốc chắc chắc là Australia. Kể từ năm 2009, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất của Australia, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ sức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Australia đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hiếm có trong hơn 27 năm.
Nhưng sau tháng 8, thị trường chứng khoán Australia đã trượt dốc 6%, đồng đô la Australia bị bán tháo, xuống mức thấp nhất trong 10 năm. Lãi suất dài hạn lần đầu tiên giảm xuống dưới 1% do suy thoái kinh tế.
Kinh tế thế giới ỷ lại mạnh vào Trung Quốc
Theo Nikkei, giới đầu tư Australia đang rất lo lắng vì sản phẩm xuất khẩu chính của quốc gia này là thép, quặng sắt đã giảm mạnh. Giá thép quốc tế đã từng giảm 25% từ cuối tháng 7, trong khi đó Trung Quốc là nhà nhập khẩu thép và quặng sắt lớn nhất từ Australia. Việc nền kinh tế tăng trưởng "chậm dần đều" sẽ dẫn đến nhu cầu của Trung Quốc đối với thép và quặng sắt từ Australia cũng giảm. Điều này sẽ khiến nền kinh tế Australia - vốn dựa vào xuất khẩu thép, quặng sắt tuột dốc theo.
Lĩnh vực sản xuất ô tô Đức chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự tăng trưởng chậm của kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Hậu quả tiêu cực của sự suy thoái kinh tế Trung Quốc khiến thị trường thế giới dao động và sự hỗn loạn của Australia chỉ là một mô hình thu nhỏ. Thậm chí, giới phân tích thị trường cho rằng, thực ra sự phụ thuộc của nền kinh tế thế giới vào Trung Quốc lớn hơn trong tưởng tượng rất nhiều.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc năm ngoái chiếm 16%, thấp hơn 24% của Mỹ và đứng thứ hai trên thế giới. Nhìn vào con số 16%, nhiều người cho rằng, ngay cả khi kinh tế Trung Quốc suy giảm nhẹ, nó sẽ không có tác động lớn. Tuy nhiên, từ góc độ quan điểm của các quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại chính như Australia thì điều này lại hoàn toàn khác.
Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm ngoái có 34 quốc gia và khu vực coi Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu lớn nhất. Từ 13 quốc gia năm 2007, con số đã tăng gần gấp 3 sau hơn 10 năm, xấp xỉ con số 36 quốc gia và khu vực xếp Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất.
Nikkei giải thích, giai đoạn này cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã khiến Mỹ giảm ảnh hưởng ở nhiều quốc gia và khu vực, trong khi việc Trung Quốc giới thiệu các biện pháp kích thích kinh tế khổng lồ đã làm tăng sự hiện diện của Bắc Kinh. Cùng với Nhật Bản, một số quốc gia mới nổi như Nam Phi, Brazil đã thay đổi điểm đến xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc.
Ngay cả khi không phải là điểm đến xuất khẩu lớn nhất, Trung Quốc cũng lọt vào top 3 quốc gia là điểm đến xuất khẩu của gần 70 quốc gia và khu vực. Trong số khoảng 200 quốc gia và khu vực trên thế giới, hơn 1/3 coi Trung Quốc là "khách hàng chính". Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang xấu đi, các quốc gia và khu vực này sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực. Đây là một phần của thế giới bị ảnh hưởng nặng bởi Trung Quốc, báo Nhật nhận định.
Ngoài Australia, Đức cũng là một minh chứng khá rõ ràng, quốc gia này đang bị ảnh hưởng bởi làn gió từ Trung Quốc. Theo báo cáo vào ngày 14/8, Berlin cho biết, do nền kinh tế nước này tăng trưởng âm từ tháng 4 đến tháng 6 dẫn đến sự thờ ơ của các nhà đầu tư. Ông Jim O'Neill, Chủ tịch Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hoàng Gia Anh chỉ ra, biến động củathị trường Đức cho thấy nguyên nhân lớn nhất khiến kinh tế nước này tuột dốc chính là Trung Quốc.
Đối với Đức, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu lớn thứ ba sau Mỹ và Pháp. Do việc mở rộng nhanh chóng doanh số bán xe ô tô tại Trung Quốc nên xếp hạng của Trung Quốc đã cải thiện đáng kể so với vị trí thứ 11 năm 2007. Tổng trị giá xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc cũng tăng từ 3% lên 7%, tăng hơn gấp đôi. Do sự suy thoái kinh tế, thị trường ô tô Trung Quốc đã hạ nhiệt khiến chính sách xuất khẩu ô tô của Đức phản tác dụng.
Hệ quả thực sự sẽ có trong tương lai. Trung Quốc đang đẩy nhanh việc chuyển đổi thị trường ô tô trong nước sang xe điện thuần túy (EVs). Theo thống kê từ công ty tư vấn kinh doanh toàn cầu AlixPartners của Mỹ, tỷ lệ doanh số kinh doanh xe điện thuần túy đa dụng nội địa Trung Quốc hiện tại là 7%, và sẽ tăng lên 19% vào năm 2025. Chỉ riêng trong năm nay, hơn 50 công ty xe điện của Trung Quốc đã tung ra hơn 100 mẫu xe.
Theo Nikkei, ở Trung Quốc, cách để có được nguồn lợi nhuận ổn định là tạo ra những gì người tiêu cần phải mua. Ngay cả ở Hàn Quốc, bị ảnh hưởng bởi sự tẩy chay hàng hóa Nhật Bản, các nhà sản xuất chất bán dẫn vẫn đang tích cực nhập khẩu các bộ phận sản xuất từ Nhật Bản. Người Trung Quốc từng tổ chức các cuộc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản quy mô lớn vào năm 2012 nhưng những bình sữa chất lượng cao đến từ xứ sở mặt trời mọc vẫn được tiêu thụ mạnh ở Trung Quốc.