Trong bài viết trên tạp chí Diplomat, nhà phân tích Ben Lowsen cho biết Hải quân Trung Quốc (PLAN) đang trong quá trình xây dựng nhóm tác chiến tàu sân bay, mặc dù nước này hiện mới có 1 tàu sân bay và vẫn đang trong quá trình huấn luyện các hoạt động hàng không trên tàu.
Bài viết này sẽ liệt kê những thành phần chủ chốt trong trang bị của PLAN.
Mặc dù các nhóm tác chiến tàu sân bay truyền thống vẫn đang được chú trọng nhưng chúng ta cần nhớ rằng trong tương lai, các lĩnh vực tác chiến mạng, tác chiến không gian, máy bay không người lái (UAV) sẽ định hình chiến tranh trên biển. Trung Quốc cũng đang chú trọng vào những lĩnh vực này.
Có một câu hỏi thú vị được đặt ra là: Liệu Trung Quốc có bỏ qua hoàn toàn hình thái nhóm tác chiến tàu sân bay để tiến thẳng lên mô hình UAV?
Câu trả lời là "Không". Trung Quốc và hải quân của nước này vẫn xem nhóm tác chiến tàu sân bay là một thành tố quan trọng để duy trì vị thế sức mạnh và không chắc sẽ từ bỏ nó.
1. Tàu sân bay
Liêu Ninh CV-16 (lớp Kuznetsov): Được đưa vào biên chế tháng 9/2012, Liêu Ninh đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới có khả năng triển khai máy bay chiến đấu trên tàu sân bay.
Do yếu hơn nhiều so với tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ nên đóng góp lớn nhất của Liêu Ninh đối với PLAN là trở thành phương tiện huấn luyện để nước này xây dựng lực lượng tàu sân bay tương lai.
Type 001A: Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, hiện đang được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Liêu Ninh. Nó được cho là sẽ sử dụng động cơ thông thường và có khả năng tác chiến lớn hơn tàu khu trục mang trực thăng (được đánh giá tương đương tàu sân bay) của Nhật.
Có thông tin Trung Quốc đang đóng tàu sân bay nội địa thứ 2 và con tàu này sẽ sử dụng động cơ hạt nhân.
2. Tàu khu trục
Luyang III (Type 052D): Năm 2015, Trung Quốc bắt đầu đưa vào biên chế tàu khu trục tiên tiến nhất lớp Lữ Dương III. Nó được trang bị phiên bản mở rộng tầm bắn của tên lửa phòng không HHQ-9 và tên lửa hành trình chống tàu YJ-18 bắn từ các ống phóng thẳng đứng, với tầm bắn 290 hải lý.
Luyang II (Type 052C): trang bị tên lửa đất-đối-không HHQ-9 (tầm bắn 55 hải lý), hệ thống quản lý chiến đấu hiện đại, các cảm biến phòng không tiên tiến như radar mạng pha Dragon Eye và Sea Eagle.
Nó còn có thể được trang bị biến thể của tên lửa YJ-83 (Type C-802 và C-802A, với tầm bắn tới 100 hải lý) và tên lửa hành trình chống tàu YJ-62 (C-602, tầm bắn 150 hải lý).
Trung Quốc tuyên bố phiên bản xuất khẩu của YJ-62 có tầm bắn 150 hải lý, tuy nhiên, tầm bắn của phiên bản nội địa sẽ xa hơn nhiều.
Luyang I (Type 052B): Mẫu tàu cũ hơn, trang bị tên lửa hành trình chống tàu YJ-83.
Type 051 (NATO định danh: Luda): Mẫu tàu khu trục đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo và sau đó được thay thế bằng các mẫu tàu hiện đại hơn.
3. Tàu ngầm
Tàu ngầm tấn công diesel điện lớp Yuan (039A): là tàu ngầm tấn công phi hạt nhân hiện đại nhất của PLAN. Tính đến năm 2015, Trung Quốc đã có 12 tàu ngầm loại này trong biên chế và đang dự kiến trang bị thêm 8 chiếc nữa.
Tàu ngầm lớp Yuan trang bị tên lửa hành trình chống hạm mới YJ-18, tương tự như SS-N-27 của Nga và có tầm bắn dài hơn YJ-82.
Tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Song (039): Ban đầu mẫu tàu này được trang bị tên lửa YJ-82 nhưng hiện nay được thay thế bằng tên lửa YJ-18.
Tàu ngầm tấn công lớp Ming (035): Không được trang bị tên lửa hành trình chống tàu.
Trong ảnh là tàu ngầm lớp Romeo mà Type 035 được phát triển dựa theo.
Tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo: Đây là tàu ngầm do Nga chế tạo, 4 trong 12 chiếc tàu của Trung Quốc được trang bị tên lửa hành trình SS-N-27 với tầm bắn xấp xỉ 120 hải lý.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Shang (093): Trang bị tên lửa YJ-18. 2 chiếc tàu loại này đã được đóng vào năm 2002 và 2003, 4 chiếc tiếp đóng đóng vào năm 2015. Tàu ngầm lớp Shang được thiết kế để thay thế cho các tàu cũ lớp Han.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân Type 095: Tàu ngầm thế hệ mới, được thiết kế để hoạt động êm ái hơn và có khả năng mang vũ khí lớn hơn.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Jin (Type 094): Tên lửa JL-2 trang bị cho mẫu tàu này có tầm bắn gấp 3 lần tên lửa JL-1 trên tàu lớp Xia. Trung Quốc sẽ cần tới 5 tàu lớp Jin để duy trì liên tục phạm vi bao phủ của tên lửa hạt nhân.
4. Khinh hạm/tàu hộ tống
Khinh hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Jiangkai II (Type 054A): Trang bị tên lửa phòng không HHQ-16, tầm bắn 20-40 hải lý.
Tàu hộ tống lớp Jiangdao (Type 056): Công tác chế tạo mẫu tàu này bắt đầu từ năm 2012. Mỗi tàu trang bị 4 tên lửa hành trình chống tàu thuộc gia đình YJ-83 và một số thiết bị để tuần tra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà Trung Quốc tuyên bố là của mình, cả ở Biển Đông và Hoa Đông.
Tuy nhiên, nó không được trang bị vũ khí để tiến hành các hoạt động viễn dương. Tính đến năm 2015, PLAN có 20 tàu này. Bắc Kinh dự kiến sẽ trang bị 30-60 chiếc Type 056 để thay thế các khinh hạm cũ Jianghu I (053H)
5. Một số mẫu tàu khác
Tàu tên lửa Houbei (Type 022)
Tàu vận tải đổ bộ Yuzhao (Type 071)
Tàu đổ bộ tăng Yuting II (072II)
Tàu bệnh viện Anwei (920)
Tàu cứu hộ tàu ngầm Dalao
Tàu cứu hộ Dasan
Tàu do thám lớp Dongdiao
Tàu hậu cần Daguan
6. Máy bay
- J-15 Shenyang (Flying Shark): Sẽ là thành phần chính trong lực lượng tiêm kích hạm trên tàu sân bay Trung Quốc, trang bị tên lửa không-đối-không PL-8 và PL-12.
- Trực thăng Z-9C Harbin: có thể được trang bị để thực hiện nhiệm vụ tác chiến chống ngầm. Phiên bản cải tiến Z-9D được cho là có khả năng mang tên lửa hành trình chống tàu.
- Trực thăng Z-8 Changhe: có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là tìm kiếm, cứu hộ, vận chuyển binh sĩ và hỗ trợ hậu cần. Kích cỡ của nó làm giới hạn khả năng triển khai trên các tàu chiến mặt nước cỡ lớn, như Liêu Ninh và tàu bệnh viện Peace Ark.
- Trực thăng Ka-28 Helix: Mua của Nga.
Chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc
- Tiêm kích J-8F Shenyang: Phiên bản nâng cấp của J-8B/D với tên lửa không-đối-không dẫn đường bằng radar, hệ thống điện tử hàng không và động cơ cải tiến.
- J-10A Firebird: Tiêm kích thế hệ 4 do Trung Quốc tự chế tạo với radar hiện đại, buồng lái bọc kính, trang bị tên lửa không đối không PL-8 và PL-12.
- Máy bay vận tải Y-8: Phiên bản sản xuất theo giấy phép của mẫu An-12 Liên Xô. PLAN đã triển khai một số phiên bản thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của Y-8.
- Máy bay vận tải Y-9: Phiên bản săn ngầm hiện đang trong quá trình phát triển.
- Máy bay không người lái BZK-05 Harbin.
- Trực thăng không người lái S-100: Đây là mẫu trực thăng do Áo sản xuất. Trung Quốc có khả năng sẽ cho ra đời các biến thể nội địa trong tương lai.
7. Tên lửa
Tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D: Với tầm bắn trên 810 hải lý, DF-21D được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay", tạo ra mối đe dọa lớn với các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trên biển.