Hôm 12/7, Tòa trọng tài Thường trực (PCA) đã ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Phán quyết này rõ ràng đã thu hẹp quy mô vùng biển, cũng như phạm vi cái gọi là "chủ quyền" mà Trung Quốc vẫn rêu rao là thuộc về mình.
Chỉ vài phút sau khi nhận được phán quyết của PCA, Chính phủ Trung Quốc đã ra thông cáo, ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các thực thể trên biển Đông, cũng như quyền hạn trong vùng nội thủy, lãnh hải, vùng biển tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của các thực thể này, cùng quyền lịch sử tại các khu vực biển chưa xác định.
Lập trường trước đó của Trung Quốc mập mờ hơn. Trong thông cáo được đưa ra vài ngày trước khi có phán quyết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói: "Trung Quốc thực thi chủ quyền không thể phủ nhận đối với các đảo ở biển Đông, các vùng biển tiếp giáp; có quyền hàng hải, cũng như lợi ích tại các đảo và quyền lịch sử tại các vùng biển đó".
"Đường lưỡi bò" phi pháp Trung Quốc đơn phương tuyên bố trên biển Đông.
Thay vì chỉ nói chung chung về các quyền và lợi ích tại các vùng biển như trước, giờ đây Bắc Kinh sử dụng thuật ngữ của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) để gọi tên những khu vực hàng hải mà nước này tuyên bố chủ quyền (phi pháp - PV), dù không có ý định tuân thủ theo tinh thần của UNCLOS.
Vạch đường cơ sở
Bằng cách tuyên bố chủ quyền đối với các vùng nội thủy – toàn bộ vùng nước nằm bên trong đường cơ sở của một quốc gia - Bắc Kinh đã hé lộ một toan tính thâm độc đối với quần đảo Trường Sa.
Có vẻ như nước này định vạch một đường cơ sở bao quanh toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa và tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển mở rộng bên ngoài.
Thực ra, chuyện này không hề mới. Trung Quốc đã hé lộ toan tính của mình từ trước khi PCA ra phán quyết. Khi ấy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố rằng, quần đảo (mà phía Trung Quốc tự ý đặt tên là Nam Sa) "xét về mặt tổng thể thì sở hữu quyền đối với vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa cùng các quyền và lợi ích hàng hải khác".
Sơ đồ minh họa các khu vực tiếp giáp biển. Trong hình là đường cơ sở thông thường.
Theo UNCLOS, đường cơ sở thông thường là "ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển". Công ước cũng cho phép các quốc gia quần đảo vạch các đường cơ sở thẳng nối "các cực xa nhất của các đảo hoặc đá nửa chìm nửa nổi ngoài cùng của quần đảo", gồm cả các đảo chính.
Nếu "quây" chuỗi đảo vào trong một đường cơ sở thẳng, Trung Quốc có thể đang âm mưu phủ nhận phán quyết của PCA, rằng "các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất".
Trung Quốc đã vẽ một đường cơ sở thẳng quanh quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Nếu thiết lập thêm đường cơ sở quanh quần đảo Trường Sa, Trung Quốc sẽ ngang nhiên bao trọn các thực thể ở khu vực này.
Theo UNCLOS, một quốc gia có toàn quyền chủ quyền đối với các vùng nội thủy của mình. Quyền này cho phép các nước khác được lưu thông vô hại bên trong đường cơ sở thẳng quanh quần đảo.
Nhưng nếu thực hiện theo âm mưu nói trên, liệu Trung Quốc có chấp nhận tinh thần của UNCLOS? Hay nước này sẽ có các hành động cưỡng chế trong vùng biển mà họ đơn phương tuyên bố chủ quyền trái phép?
Đối đầu với Mỹ
Đường cơ sở phi pháp mà Trung Quốc vạch quanh quần đảo Trường Sa, nếu có, sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều nước, trong đó có Mỹ. Washington vốn đã không ủng hộ đường cơ sở mà Trung Quốc vạch ra quanh quần đảo Hoàng Sa, bởi Trung Quốc không đáp ứng được định nghĩa về "quốc gia quần đảo" của UNCLOS.
Tháng 1/2016, Mỹ đã cử tàu chiến vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, theo cơ chế Tự do Hàng hải. Và Washington chắc chắn sẽ không để yên nếu Trung Quốc cũng làm như vậy đối với Trường Sa.
Tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur tới gần quần đảo Hoàng Sa vào 1/2016 để thể hiện quyền tự do hàng hải.
Nếu vẽ đường cơ sở, trong bước tiếp theo của âm mưu, Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố quyền đối với khu vực EEZ – mở rộng tới 200 hải lí tính từ đường cơ sở. Và khi đó, khu vực này có thể trở thành nơi giao tranh trong trường hợp quân đội 2 nước Mỹ - Trung đối đầu.
Theo quan điểm của Mỹ, lực lượng quân đội của tất cả các nước có quyền tự do ở vùng biển chung trong khu vực EEZ.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng hoạt động do thám trong vùng EEZ mà không thông báo trước và không có sự cho phép thì vi phạm luật quốc tế và luật trong nước của họ. Do vậy, nước này thường xuyên cản trở hoạt động trinh sát trên biển và trên không của Mỹ.
Sự diễn giải khác nhau về luật đã dẫn đến nhiều xích mích, thậm chí năm 2001, một máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ còn đụng độ với chiến đấu cơ F-8 của Trung Quốc.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có đòi quyền khai thác vùng EEZ quanh bãi cạn Scarborough hay không, mặc dù PCA đã xác định đây là "đá". (Theo UNCLOS, "đá" không được hưởng quy chế của đảo mà chỉ có quyền đối với vùng lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý).
Nhưng có vẻ như âm mưu của Trung Quốc đang nhắm đến Trường Sa bởi nước này muốn chiếm độc quyền khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, với trữ lượng cá dồi dào này, đồng thời kiểm soát các hoạt động quân sự của nước khác tại khu vực đó.
Nếu Trung Quốc "ngửa bài", liệu cả thế giới còn có thể "ngồi yên"?