Ngày 24/5, trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, Tổng thống Obama đã có những chia sẻ chân thành, cởi mở và tích cực.
Đề cập đến vấn đề Biển Đông, ông Obama cho rằng, tuy không phải là bên tranh chấp nhưng nước Mỹ sẽ sát cánh cùng các đối tác thúc đẩy việc bảo vệ tự do hàng hải và giải quyết hòa bình cho các tranh chấp thông qua biện pháp pháp lý, phù hợp luật pháp quốc tế.
Ngoài ra ông Obama nhấn mạnh: "Dù lớn hay nhỏ thì chủ quyền của một quốc gia cũng cần được tôn trọng. Và lãnh thổ của họ là không thể xâm phạm. Các nước lớn không được phương hại tới các nước nhỏ hơn. ".
The Guardian (Anh) đã trích lại câu nói này của Tổng thống Mỹ và đưa ra bình luận về việc "Mỹ ủng hộ bên nào" trong giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Tuy nhiên, báo cáo trên Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 25/5 đã bóp méo vấn đề theo hướng khác khi dẫn bình luận của tờ báo Anh và coi đó như một đánh giá nhằm vào việc ông chủ Nhà Trắng trích dẫn bài thơ "Nam Quốc sơn hà" trong bài phát biểu tại Hà Nội.
Tờ báo "diều hâu" này lý giải, "bài thơ thần" của "danh tướng kháng Tống" Lý Thường Kiệt, được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, đã lưu danh trong cuộc kháng chiến của Đại Việt chống quân Tống xâm lược (1075-1076).
Vì vậy, Hoàn Cầu "mượn" bình luận của The Guardian để ám chỉ việc Tổng thống Obama Mỹ trích dẫn một bài thơ "kháng Tống" chẳng khác nào đi ngược lại tuyên bố "không nhằm vào Trung Quốc" mà ông đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, trong cả bài phát biểu kéo dài khoảng 30 phút tại Hà Nội, Tổng thống Obama không một lần nhắc đến nước này.
Dường như, trước sự phản đối mạnh mẽ của xã hội quốc tế về hành vi ngang ngược trên Biển Đông và vụ kiện Biển Đông tại Tòa trọng tài thường trực (PCA) sắp đến hồi kết, Bắc Kinh đang tự "có tật giật mình".
Ở một diễn biến khác, tại Hội nghị ngoại trưởng Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) họp tại Toshkent, Uzbekistan hôm 24/5, giới truyền thông đã đặt câu hỏi về tình hình căng thẳng trên Biển Đông cho Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Ông Vương một lần nữa lấp liếm về cách hành xử vi phạm luật pháp quốc tế của Bắc Kinh bằng câu nói "công bằng ở tại lòng người".
Vương Nghị ngang ngược phản đối giải quyết tranh chấp theo phương thức quốc tế hóa và "cấm" các thế lực bên ngoài can thiệp.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư của sử gia Ngô Sĩ Liên, năm 1076, trong cuộc kháng chiến chống quân Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, danh tướng Lý Thường Kiệt đã cho quân lính đọc bài thơ thần nhằm uy hiếp tinh thần quân địch.
Sau đúng như lời bài thơ, quân dân Đại Việt đã giành thắng lợi hoàn toàn:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư".