Trang Đa Chiều (Mỹ) ngày 22/10 đăng bài phân tích, cho rằng chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Tổng thống Duterte đã đem lại một viễn cảnh tạm thời cho hướng phát triển quan hệ hai nước trong tương lai gần.
Đối với Bắc Kinh, việc Manila chấp nhận tạm gác tranh chấp biển Đông để hợp tác trên biển và nhất trí nối lại đàm phán giải quyết mâu thuẫn là một thành công đáng kể.
Nhưng giới quan sát chú ý, quan hệ Trung Quốc-Philippines dường như đã trở lại giống thời kỳ nắm quyền của cựu tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo (2001-2010), khi Manila "không phản đối chính sách cùng khai thác biển Đông [với Trung Quốc]".
Giai đoạn bà Arroyo nắm quyền, chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush "xoay trục chiến lược" sang Trung Đông, môi trường châu Á-Thái Bình Dương có phần lơi lỏng đã tạo điều kiện cho quan hệ Trung Quốc-Philippines chuyển biến hòa dịu, đặc biệt sau khi bà có chuyến thăm Trung Quốc quan trọng vào năm 2004.
Dù vậy, điều Bắc Kinh lo ngại hiện nay là "chính sách ngoại giao độc lập" của ông Duterte sẽ đi được bao xa?
Philippines và Trung Quốc đã quyết định "tạm gác tranh chấp" để cùng hợp tác ở biển Đông (Ảnh: CNN)
Duterte là rủi ro tiềm ẩn đối với Trung Quốc?
Đa Chiều phân tích, có 2 nguyên nhân chính thúc đẩy chính quyền Duterte "tạm nghiêng" về Trung Quốc trong thời điểm này.
Thứ nhất là sự bất mãn của Manila do Mỹ chỉ trích chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte. Thứ hai là việc Bắc Kinh tạm thời đáp ứng được những nhu cầu của Philippines.
Hiện nay, Trung Quốc đang là nước công khai ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với cuộc chiến chống ma túy gây nhiều tranh cãi, vốn chịu nhiều chất vấn từ Mỹ và quốc tế vì gây ra hơn 3.500 cái chết trong vòng 3 tháng.
Tuy nhiên, nếu chiến dịch này "thành công" và khép lại sau kỳ hạn 6 tháng mà Duterte tuyên bố hôm 18/9, làm hòa dịu mâu thuẫn trong nước và hạ nhiệt căng thẳng giữa Manila với Washington, thì liệu ông có trở thành một Benigno Aquino III "thứ hai" và trở nên cứng rắn với Trung Quốc?
Theo Đa Chiều, tỉ lệ ủng hộ rất cao mà Duterte có được sau gần 4 tháng nắm quyền, bất chấp các thông tin "thị phi", chính là nhờ đẩy cao cuộc chiến chống ma túy nhằm thống nhất các luồng quan điểm khác nhau trong nước.
Khi chiến dịch qua đi, các vấn đề như kinh tế, chống tham nhũng... sẽ trở thành trọng tâm mới mà chính phủ cần giải quyết để duy trì lòng tin của người dân.
Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc có thể vẫn hoài nghi về mức độ hợp tác của Philippines, một phần nguyên nhân do các phát ngôn và quan điểm thay đổi thường xuyên của Tổng thống Duterte.
Các nhà quan sát Trung Quốc thậm chí tin rằng phát biểu "chấm dứt quan hệ kinh tế, quân sự với Mỹ" mà ông đưa ra ở Bắc Kinh chỉ là... nói cho có.