Loạt bệnh viện ở Hồ Bắc thiếu dụng cụ y tế trầm trọng
Báo The Paper đưa tin, 8 bệnh viện - gồm Bệnh viện Trung y tỉnh Hồ Bắc, Trung tâm y tế nhi đồng tỉnh Hồ Bắc, Bệnh viện Trung Nam Đại học Vũ Hán, Bệnh viện trung tâm thành phố Vũ Hán,... - đã thông báo kêu gọi các tầng lớp trong xã hội đóng góp vật dụng y tế.
Các vật dụng kêu gọi quyên góp gồm kính bảo hộ, khẩu trang N95, khẩu trang phẫu thuật, khẩu trang y tế dùng một lần, mũ y tế, trang phục bảo hộ, trang phục phẫu thuật, mặt nạ phòng hộ,...
Một nhân viên tại Bệnh viện Hiệp hòa trực thuộc Bệnh viện Đồng Tế, Đại học công nghệ Hoa Trung (Trung Quốc) tiết lộ với The Paper, cho biết tình hình dụng cụ phòng hộ y tế của cơ sở này chỉ còn đủ để "trụ" trong 3-5 ngày và đang cấp bách kêu gọi đóng góp xã hội.
Nguồn tin khác tại Bệnh viện nhi đồng Vũ Hán cũng xác nhận với tờ này về nhu cầu cấp thiết bổ sung dụng cụ bảo vệ trước tình trạng dịch bệnh viêm phổi cấp do virus nCov gây ra đang trở nên nghiêm trọng.
"Lượng [dụng cụ] cần sử dụng quá lớn, tình hình là khó khăn," nguồn tin nói. Hiện nay, toàn bộ nhân viên y tế tuyến đầu của viện này đang rơi vào tình trạng thiếu khẩu trang và đồ phòng hộ dùng một lần, dẫn đến rủi ro lây nhiễm do tiếp xúc với nhiều người đến khám.
Nhân viên họ Jin từ khoa thiết bị của Bệnh viện Số 1 Vũ Hán xác nhận kho dụng cụ phòng hộ của họ chỉ còn duy trì được trong 3-4 ngày, và "hiện đang cần gấp khẩu trang N95".
"Hiện nay các ca nhiễm bệnh do virus nCov đang gia tăng từng ngày, tình hình dịch bệnh hết sức nghiêm trọng," một nguồn tin của The Paper nói. Người này cho hay cũng kêu gọi các nhà hảo tâm lưu ý vấn đề tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm phòng hộ y tế, bởi "nếu dụng cụ không phù hợp tiêu chuẩn quốc gia thì việc để cho nhân viên y tế và bệnh nhân sử dụng cũng giống như làm hại chính họ".
Nhân viên an ninh mặc đồ phòng hộ tại một ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, ngày 24/1/2020 (Ảnh: AP Photo/Yanan Wang)
30/31 tỉnh thành Trung Quốc xuất hiện virus nCov
Theo số liệu cập nhật của trang Phượng Hoàng (Trung Quốc), tính đến 14h40 chiều nay (24/1, giờ địa phương), đã có 887 ca ghi nhận nhiễm virus nCov và 26 trường hợp tử vong. Thống kê đã bao gồm các trường hợp tại Hồng Kông, Macau, và Đài Loan.
Trong khi đó, tỉnh Thanh Hải đã công bố phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virus nCov. Theo đó, người bệnh họ Trần, 27 tuổi, làm việc tại Vũ Hán và đã trở về quê từ ngày 21/1 để đón Tết Âm lịch. Với thông báo này, đến nay có 30/31 tỉnh thành của Trung Quốc đã xuất hiện các ca xác định lây nhiễm virus gây viêm phổi cấp. Địa phương duy nhất chưa có công bố là Tây Tạng.
Trong ngày 24, loạt tỉnh thành lớn của Trung Quốc đã khởi động cơ chế Phản ứng Cấp 1 đối với sự kiện y tế cộng đồng lớn bùng phát đột xuất. Các cấp độ phân loại sự kiện y tế cộng đồng đột xuất ở Trung Quốc gồm: Cấp 1 (đặc biệt lớn), Cấp 2 (lớn), Cấp 3 (tương đối lớn), Cấp 4 (thông thường).
Quảng Đông, Hồ Nam, Chiết Giang, Hồ Bắc, Thiên Tân, An Huy, Bắc Kinh, Thượng Hải, và Trùng Khánh là 9 tỉnh thành đã lần lượt tuyên bố khởi động Phản ứng Cấp 1.
Hiện tượng virus nCov được phát hiện ở hầu hết tỉnh thành đã gây ra mức độ hoang mang nhất định trong dư luận Trung Quốc, bên cạnh thông tin nhiều địa điểm vui chơi du lịch lớn phải công bố đóng cửa bất chấp dịp cao điểm Tết Âm lịch - bao gồm Disneyland nổi tiếng ở Thượng Hải và Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh.
Chiều ngày 24, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã phát đi một thông báo khẩn cấp, yêu cầu 53 hành khách có mặt trên toa tàu số 2, chuyến tàu số hiệu G1278 từ Hán Khẩu (Hồ Bắc ) tới Cáp Nhĩ Tân từ ngày 23/1, tiến hành các biện pháp tự cách ly theo dõi theo quy định phòng dịch truyền nhiễm, sau khi có 3 hành khách trên toa này có triệu chứng sốt và đang được theo dõi.
Chính phủ Trung Quốc ngày 24 cũng thông báo sẽ tiếp nhận các báo cáo về tình trạng tắc trách, phòng chống dịch kém hiệu quả,... của các ban ngành liên quan ở các địa phương, nhằm cải thiện và đẩy mạnh phòng chống dịch. Bắc Kinh cảnh báo sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp thông báo chậm trễ, gian dối, thiếu sót,... dẫn đến hậu quả nghiêm trọng làm lây lan dịch bệnh.
Một thông báo trước cửa hàng thuốc tại Bắc Kinh ngày 24/1, cho biết đã bán hết các sản phẩm dung dịch rửa tay, vitamin C viên sủi, khẩu trang (Ảnh: AP Photo/Mark Schiefelbein)
Thu giá "cắt cổ" đưa người ra khỏi Vũ Hán
Nhằm xúc tiến chiến dịch phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus nCov, thành phố Vũ Hán - địa điểm phát hiện ca bệnh đầu tiên hồi tháng 12/2019 - đã ban hành lệnh phong tỏa toàn thành từ 10h sáng ngày 23/1.
Theo sắc lệnh, toàn bộ các tuyến đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy ra khỏi Vũ Hán đều được đóng lại. Nếu không có lý do đặc biệt thì người dân không được rời khỏi Vũ Hán.
Tờ Tân Kinh (Trung Quốc) đưa tin, từ chiều ngày 23/1, tài xế trên các nhóm chia sẻ đi chung xe bắt đầu tăng giá để đưa người rời khỏi Vũ Hán, chi phí là khoảng 800 nhân dân tệ (hơn 2.6 triệu VNĐ)/người thậm chí là cao hơn. Nhiều tài xế cho biết, giá ghép xe thông thường là 80 tệ/người, nhưng trong giai đoạn đặc biệt, khi các đường quốc lộ và cao tốc bị phong tỏa, thì họ chỉ di chuyển được bằng các tuyến đường nhánh.
"Chiều nay (23/1) Vũ Hán đến La Điền, 1.000 tệ/người" là một lời chào hàng xuất hiện trên nhóm chat qua ứng dụng QQ của Trung Quốc. Có trường hợp nâng giá gấp 10 lần hoặc cảnh báo sẽ không còn lái xe nào chở người rời khỏi Vũ Hán sau ngày 23.
Một tài xế tiết lộ, sau khi Vũ Hán ban hành lệnh phong tỏa, có rất nhiều người muốn rời khỏi "ổ dịch" này. Ông cho biết đã chạy 4 chuyến trong ngày và thu 800 tệ/người.
Một bệnh viện mới có sức chứa 1.000 giường bệnh được khẩn trương khởi công tại Vũ Hán, ngày 24/1, dự kiến hoàn thành trong 6 ngày để đáp ứng công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp (Ảnh: AP)
Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc, Tưởng Siêu Lương, ngày 24/1 nhấn mạnh "quán triệt thực hiện tinh thần chỉ thị quan trọng của chủ tịch Tập Cận Bình" đối với dịch bệnh viêm phổi cấp. Ông Tưởng gọi tuyên bố ngăn chặn dịch bệnh lan truyền ra các tỉnh thành khác là trách nhiệm chính trị của Hồ Bắc, đồng thời yêu cầu giới chức địa phương "quản lý chắc các tuyến đường rời khỏi Vũ Hán và Hồ Bắc, quản lý chặt lối ra vào các sân bay, bến tàu, ga tàu hỏa, đường cao tốc, đường quốc lộ, tỉnh lộ,... nhằm cắt đứt con đường lây lan mầm bệnh".
Đối với những trường hợp mới phát hiện trong hai ngày vừa qua và có tiểu sử tiếp xúc tại Vũ Hán, ông Tưởng cho biết sẽ tiến hành các biện pháp truy ngược lộ trình rời khỏi Vũ Hán của họ để kịp thời lấp những khoảng trống còn thiếu sót.
"[Quan chức] không chấp hành lệnh, tắc trách, thiếu kiểm tra giám sát, sẽ bị kiểm tra xử lý căn cứ theo các quy định," ông Tưởng cho hay, nhấn mạnh tỉnh Hồ Bắc sẽ bằng mọi cách ngăn dịch bệnh phát tán đến tỉnh thành khác, cũng như từ thành thị phát tán về nông thôn.