Chính phủ 11 quốc gia còn lại đã rất nỗ lực cứu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút lui. Những cuộc họp kéo dài ở Đà Nẵng, Việt Nam bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC đã mang về cho TPP một tương lai mới với tên gọi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
TPP 11 vẫn để ngỏ cánh cửa cho Mỹ quay trở lại và có thể đón thêm các thành viên mới. Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines hay nền kinh tế Đài Loan, Trung Quốc chưa phải thành viên của TPP nhưng đều bày tỏ nguyện vọng tham gia hiệp định tiến bộ này.
TPP 15 hay TPP 16 cũng làm tăng đáng kể lợi ích kinh tế cho các bên liên quan. Điều đó có thể khiến chính phủ Mỹ thấy lợi ích và quay trở lại với Hiệp định thương mại tự do mà chính họ đi tiên phong.
Thỏa thuận về TPP 11 mà 11 quốc gia thành viên đạt được tại Đà Nẵng mang rất nhiều giá trị. Dù Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới đã đứng ngoài, nhưng giao thương giữa 11 nước còn lại, trong đó có Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, vẫn rất mạnh mẽ. Việc kết nạp thêm thành viên có thể làm tăng đáng kể lợi ích kinh tế giữa các bên.
Theo Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, tăng từ 11 lên 16 thành viên sẽ làm tăng gấp 3 lần lợi ích cho các bên, tương đương khoảng 500 tỷ USD/năm. Con số này còn nhiều hơn dự tính ban đầu của TPP-12.
Hiện tại, Nhật Bản, Hàn Quốc và nền kinh tế Đài Loan, Trung Quốc chưa có các Hiệp định Thương mại tự do trong khi sự tham gia của nhiều nền kinh tế sẽ hình thành những chuỗi cung ứng mới trên toàn châu Á.
Tuy nhiên, việc kết nạp thêm thành viên vào TPP 11 lúc này không phải điều dễ. Thứ nhất, TPP 11 vẫn đang còn những vấn đề cần tìm được tiếng nói chung trước khi phê chuẩn. Thứ hai, Thái Lan và Indonesia chắc chắn sẽ không hài lòng với những gì TPP đang có bởi sự đòi hỏi cải cách mạnh mẽ.
Nhật Bản, quốc gia đang đi đầu trong quá trình thúc đẩy TPP 11, nên bắt đầu các nỗ lực ngoại giao để thuyết phục Thái Lan và Indonesia tham gia. Các thành viên cũng có thể chấp nhận Trung Quốc nếu họ sẵn sàng tuân thủ các tiêu chuẩn cao của hiệp định. Chính những cơ hội tiếp cận vào thị trường đang phát triển nhanh chóng bậc nhất thế giới này có thể khiến Trung Quốc phải cân nhắc cho những thay đổi.
Ở Việt Nam, Tổng thống Trump đã nêu rõ tầm nhìn của ông với thương mại, trong đó đề cao thỏa thuận thương mại song phương để Mỹ có thể giành được những lợi thế. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người cho rằng cách làm của Tổng thống Trump có thể gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Mỹ, khiến các nhà xuất khẩu Mỹ chịu thiệt thòi.
Với sự nổi lên của Trung Quốc, nước Mỹ có lẽ phải thực sự cân nhắc trở về với TPP như họ đã từng là quốc gia tiên phong cho thương mại tự do.