Tối muộn hôm qua (9/11), tờ Nikkei đưa tin 11 thành viên còn lại của Hiệp định thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được một thỏa thuận nguyên tắc ở cấp bộ trưởng về hiệp định này.
Báo chí trong nước cũng đưa tin Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi vừa rời phòng họp tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng đã cho biết các bên đồng ý về mặt nguyên tắc về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP-11). Ông khẳng định rằng ngày mai, 10-11, các bộ trưởng sẽ chính thức có thông báo về hiệp định quan trọng này.
Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo nói ngắn gọn với rất đông phóng viên chờ tin bên ngoài: "Cuộc họp rất tốt". Còn Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo thì nói "rất vui".
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, Bộ trưởng Thương mại Australia Steve Ciobo cho biết: "Chúng tôi hi vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong vòng 24-48 giờ tới". "Chúng tôi vẫn chưa đến đích - vẫn còn một chút công việc phải làm nhưng chúng tôi đã có được bước tiến vững chắc", ông nói. Ông cũng bổ sung thêm rằng "chúng tôi đã đến rất gần, thêm 1 ngày nữa tôi hi vọng chúng tôi sẽ đi đến đích".
Đại diện của Malaysia cũng nói rằng các nước đang tiến đến thỏa thuận. Bộ trưởng Thương mại Mustapa Mohamed của nước này phát tín hiệu Malaysia đã thay đổi quan điểm rằng TPP cần phải đàm phán lại vì Mỹ đã rút. "“Chúng tôi đã thảo luận về một số điều khoản có khả năng bị treo. Nhưng đàm phán lại sẽ mất rất nhiều thời gian, tất cả đều đồng ý rằng có thể mất 5 đến 10 năm, do đó không nên đàm phán lại", ông nói.
Tuy nhiên rõ ràng sự lạc quan của các bên đối lập với Canada. Bộ trưởng Thương mại Canada François-P Champagne lại viết lên Twitter rằng: “Dù có các tin tức TPP11 đã đạt được đồng thuận về nguyên tắc, thực tế là chưa có thỏa thuận nào”.
Trả lời phỏng vấn, ông Francois-Philippe Champagne cho rằng không nên dành nhiều ưu tiên hơn cho yếu tố tốc độ so với việc đạt được 1 thỏa thuận tốt.
"Chúng tôi đã ngồi vào bàn đàm phán với thái độ xây dựng và sáng tạo, nhưng thành thật mà nói thì có một số vấn đề khá khó khăn. Đối với Canada, đạt được thỏa thuận đúng sẽ tốt hơn là một thỏa thuận vội vàng, vì chúng tôi ở đây để đặt ra những luật lệ về thương mại ở khu vực châu Á Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới".
Hiệp định TPP mới sẽ có hiệu lực ngay sau khi tất cả các quốc gia thành viên đã phê chuẩn hiệp định. Đến nay mới chỉ có Nhật Bản và New Zealand đã làm điều này.
Không có Mỹ, tác động kinh tế của TPP nhỏ hơn rất nhiều. 11 nước còn lại chiếm 13.5% GDP và 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu (con số lần lượt là 38,2% và 26,5% nếu có Mỹ). Tuy nhiên sự kiện này thể hiện các quốc gia châu Á Thái Bình Dương khẳng định hoạt động thương mại song phương chính là tương lai cho nền kinh tế.