Xây "Nhà hát" nhưng không giống "nhà hát"
Nhà hát Trần Hữu Trang xây mới trên nền rạp hát Hưng Đạo nằm tại trung tâm quận 1 (TPHCM) và được bàn giao tháng 4.2015.
Tuy nhiên sau khi bàn giao, nhà hát mắc nhiều lỗi trong thiết kế, không phù hợp với nhu cầu biểu diễn cũng như với tiêu chí đặt ra. Vì vậy, công trình được xem là “hiện đại” nhất phía Nam về nghệ thuật cải lương luôn trong tình trạng "đắp chiếu".
NSƯT Kim Tử Long cho rằng quá lãng phí, khi nhà hát đầu tư cả trăm tỉ đồng nhưng hoạt động không hiệu quả.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, NSƯT Kim Tử Long tỏ ra bức xúc khi công trình nhà hát được đầu tư cả trăm tỉ đồng trên danh nghĩa là phục vụ cho cải lương, nhưng gần như không giúp được gì nhiều cho bộ môn nghệ thuật này.
“Tôi không nghĩ đấy là một nhà hát, không hiểu họ thiết kế, thi công xây dựng nên công trình này để làm gì. Sau bao nhiêu năm chờ đợi thì đến giờ anh em nghệ sĩ vẫn chưa có một sân khấu đúng nghĩa để biểu diễn cải lương”- NSƯT Kim Tử Long nói
NSƯT Kim Tử Long đưa ra nguyên nhân dẫn đến anh em nghệ sỹ không đến nhà hát này diễn vì sàn diễn của nhà hát nhỏ, trần thấp không thể dựng vở, không có kho chứa đồ, dàn đèn thì bố trí sai kỹ thuật, không có khu ngồi cho dàn nhạc, phòng hoá trang xa sân khấu và không có phòng thay đồ cho diễn viên.
Đội vốn gấp hơn 2 lần so với dự toán ban đầu
Trước những bức xúc của giới nghệ sĩ và người dân, UBND TPHCM đã từng chỉ đạo Thanh tra vào cuộc. Sau 4 tháng làm việc, Thanh tra thành phố đã có kết luận về những sai phạm tại nhà hát.
Theo kết luận thanh tra số 17/KL-TTTP-P3, năng lực chủ đầu tư, đơn vị thiết kế và tư vấn giám sát yếu kém. Đồng thời công trình nhà hát từ 60 tỉ đồng đã đội lên 132 tỉ đồng do thay đổi quy mô, bổ sung khối lượng diện tích sàn, sai sót trong việc thẩm định hồ sơ,…
Công trình còn bị kéo dài, dẫn đến ảnh hưởng trượt giá vật tư, làm tăng chi phí thêm 24 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư là Ban Quản lý xây dựng công trình (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao), chưa có nhiều kinh nghiệm đối với loại hình đặc thù về xây nhà hát nên đã để xảy ra sai phạm về thiết kế và đấu thầu.
Không chỉ sai trong quá trình thi công, nhà hát này còn sai ngay thời điểm lập dự án. Thiết kế ban đầu là 628 ghế ngồi thì phải cần diện tích tối thiểu là 4.000 m2. Tuy nhiên, thực tế khu đất chỉ có hơn 900 m2, điều này không bảo đảm so với quy chuẩn.
Thành phố dự tính xây nhà hát khác để “bù đắp"
Trao đổi với PV Báo Lao Động, NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang thừa nhận, do không được sáng đèn hằng đêm nên ảnh hưởng đến doanh thu và tình hình tài chính của nhà hát.
Để duy trì hoạt động của nhà hát, cũng như chi trả lương cho bộ máy nhân sự đều phải nhờ ngân sách thành phố rót xuống.
“Nhằm giải quyết những tồn tại của nhà hát, thành phố dự tính sẽ cấp một khu đất khác để xây dựng một nhà hát mới thay thế cho nhà hát Trần Hữu Trang.
Chúng tôi sẽ bàn giao lại công trình này cho thành phố tiếp quản, việc sử dụng nhà hát này như thế nào là do thành phố quyết định”- NSND Trần Ngọc Giàu nói.